Nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ tại địa phương
13/12/2021
I. Mở đầu Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (QLTHVB) đã và đang được áp dụng một cách bài bản, hình thành các khuôn mẫu ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã chứng tỏ được những ưu điểm và hiệu quả của nó. Việc xây dựng và phát triển các bộ chỉ số phát triển bền vững (Sustainable development indicators) nói chung và các bộ chỉ số cho quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ nói riêng đã thành tiêu chuẩn của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy đã qua một thời gian triển khai, áp dụng các mô hình quản lý vùng bờ khác nhau vào các địa phương cụ thể trong nước và với sự giúp đỡ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, quản lý tổng hợp vùng bờ vẫn là một vẫn đề mới mẻ. Để có được chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ phù hợp với Việt Nam, nhất là mô hình quản lý tổng hợp này phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu tổ chức của các cấp chính quyền, tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định của chính quyền cơ sở hay của quốc gia, cần thiết có những nghiên cứu, luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ của quốc gia nói chung và cụ thể của từng địa phương.