Sign In

“Cùng giữ màu xanh của biển”: Trân quý để yêu thương

25/08/2022

Chọn cỡ chữ A a  

Những trận mưa lũ khắc nghiệt của miền Trung đã biến bờ biển Mỹ Khê (tỉnh Quảng Ngãi) đẹp đẽ thành một bãi chứa toàn chai nhựa, túi nilon, cùng hàng tá các loại rác thải khác, gây ô nhiễm môi trường và giảm sức hút cảnh quan nghiêm trọng.

Rất may, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục sự cố vệ sinh môi trường bãi biển Mỹ Khê sau bão lũ và hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Tình nguyện mùa Đông” - hãy làm sạch bãi biển Mỹ Khê. Những cố gắng ấy đã góp phần mang màu xanh lung linh của bãi biển trở lại. Cảnh tượng bãi biển từng chìm ngập trong hàng tá rác thải ngày nào nay đã trở về với vẻ đẹp thanh dịu, mộc mạc, chân phát vốn có của nó như chính tâm hồn của những người dân xứ Quảng vậy.

Bãi biển Mỹ Khê cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 10km về phía Đông. Nằm trong địa phận thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Gần đó là con sông Kinh, không xa cảng Sa Kỳ và cách khu chứng tích Sơn Mỹ chỉ tầm 3km. Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, bãi biển Mỹ Khê còn sở hữu nét thiên nhiên hoang sơ của những cánh rừng dương xanh bát ngát, chiếm trọn một phần bờ cát của cung biển uốn lưỡi liềm nên thơ, bãi biển đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong mắt du khách trong và ngoài nước bởi vẻ thơ mộng, mộc mạc mà không kém phần hấp dẫn, thướt tha, vẻ đẹp mỹ miều này đã được Kinh lược sứ Nam Kỳ - Trương Đăng Quế trước khi về hưu thốt lên "Nhất Huế Nhì đây" (Nguồn: Di tích và thắng cảnh Quảng Ngãi, Sở VHTT Quảng Ngãi xuất bản năm 2001).

dji_0005_ljew.jpg

Đẹp tựa như nàng thơ trong tà áo dài Việt là thế, nhưng những năm vừa qua, vô số các cơn mưa bão lớn đã làm cho vẻ đẹp của bãi biển bị lu mờ bởi hàng tấn rác trôi dạt vào bờ, chất đống, làm ảnh hưởng hệ sinh thái biển và mai một hình ảnh của bãi biển.

Vào các mùa du lịch, lượng du khách đến với bãi biển Mỹ Khê luôn vượt quá hàng nghìn lượt (thời điểm trước dịch Covid-19) nên không tránh khỏi có một khối lượng rác thải ra từ du khách, bên cạnh đó là rác thải do chính ngư dân ở đây. Tuy nhiên, qua thời gian, bằng nỗ lực của chính quyền và đặc biệt là đoàn viên thanh niên, người dân và khách du lịch đã được tuyên truyền, có ý thức bảo vệ môi trường và tham gia các phong trào "Chống rác thải nhựa", chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" do Thành Đoàn Quảng Ngãi, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phòng Tài Nguyên & Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp thực hiện. Mỗi dịp tổ chức, phong trào thu hút gần 500 cán bộ, đoàn viên, thanh niên, người dân và du khách tham gia.

Để cải thiện môi trường xung quanh biển Mỹ Khê, giai đoạn 2018 - 2021, các ban, ngành, cán bộ các cấp và đoàn thể thanh niên cùng với người dân khu vực đã rất tích cực, chủ động trong việc giữ gìn nét đẹp của bãi biển, mới đây nhất vào ngày 27/12/2021, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động TP. Quảng Ngãi phối hợp với UBND xã Tịnh Khê và Nhóm Tử tế với môi trường tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ra quân thực hiện Công trình Chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp. Sau lễ phát động ra quân, cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân đã tham gia dọn rác tại bãi biển Mỹ Khê và tiến hành trồng 10 nghìn cây xanh ven bờ biển dài khoảng 2km, với kinh phí 100 triệu đồng. Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực như vậy đã góp phần cải tạo môi trường biển Mỹ Khê trở nên xanh - sạch - đẹp.

Ngoài ra, các em học sinh ở độ tuổi THPT cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển quê hương, hơn 200 đoàn viên đến từ trường THPT Sơn Mỹ đã dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải trên bãi biển và vận động, tuyên truyền hàng chục hộ dân sống ven biển nâng cao trách nhiệm bảo vệ, làm xanh sạch, mang trở lại vẻ đẹp vốn có tự nhiên cho biển.

Tuy nhiên, do đa phần người dân địa phương sống phụ thuộc vào biển, cùng với lượng du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan thường xuyên đã khiến cho việc đảm bảo chất lượng môi trường biển gặp nhiều thách thức, điển hình là vụ hàng chục hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ở bãi tắm Mỹ Khê xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường khiến người dân lẫn du khách bức xúc.

Xác định bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ nguồn sống của người dân, từ đó, tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế địa phương, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng xả thải trực tiếp ra biển, UBND TP. Quảng Ngãi đã nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, lập đoàn thanh, kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh ăn uống ở Mỹ Khê.

Từ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, đã phát hiện, chấn chỉnh nhiều chủ cơ sở kinh doanh ăn uống nơi đây xả thải trực tiếp ra biển, đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, làm cơ sở răn đe đối với các trường hợp khác.

Không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nguồn gây ô nhiễm còn phát sinh từ một số chủ hộ nuôi tôm ở các địa phương ven biển. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu các cơ sở kinh doanh và chủ hộ nuôi tôm khắc phục, chấm dứt ngay hành vi xả thải trực tiếp ra biển, đồng thời, phải bổ sung bể xử lý nước thải và chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường; trường hợp tiếp tục vi phạm, sẽ đề xuất rút giấy phép kinh doanh hoặc chấm dứt nuôi trồng thủy sản. Quan điểm của tỉnh và thành phố là quyết tâm bảo vệ môi trường biển vì người dân, cộng đồng và du khách, chứ không đánh đổi môi trường vì lợi ích của một nhóm người.

images2424286_11(1).jpg

Sự cố gắng của chính quyền, người dân, trong đó có sự chung tay của các đoàn viên thanh niên đã dần đưa bãi biển Mỹ Khê trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Quảng Ngãi và du khách. Người dân đến với Mỹ Khê không chỉ để được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của biển cả, tận hưởng không gian yên bình, hòa mình vào làn nước trong mát, xua tan đi bao mệt mỏi của cuộc sống, mà còn có thể thưởng thức những đặc sản dân dã thơm ngon chỉ có ở Mỹ Khê. Điều đó càng khẳng định quan điểm đúng đắn của Quảng Ngãi khi kiên định mục tiêu không thể vì lợi ích kinh tế nhỏ trước mắt mà đánh mất cả một danh lam thắng cảnh đẹp đẽ và thơ mộng, có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng đối với khách du lịch nói chung và những người dân Quảng Ngãi nói riêng như vậy được.

Biển Mỹ Khê là điểm đến của du khách, còn với người dân nơi đây và với riêng tôi, đó còn là một danh lam đặc biệt gắn liền với ký ức đời người. Sắc xanh của biển đã in dấu bao kỷ niệm, nuôi dưỡng cùng thời gian, để dù có lớn lên, trưởng thành và già đi, nhưng mỗi khi nhìn ngắm vẻ đẹp, thả hồn vào sắc xanh óng ánh, lụa là của biển, lại bồi hồi nhớ về những năm tháng đã qua.

Vậy nên, là người con của Mỹ Khê, Quảng Ngãi, hãy đừng để màu xanh của biển trở thành màu xám đen của ô nhiễm, để cuốn đi bao ký ức đẹp đẽ của đời người. Yêu biển cũng là yêu quê hương, đất nước, mà muốn yêu thương thì phải biết trân quý, mỗi người có trong mình trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường, thì màu xanh dạt dào của biển cả sẽ không bao giờ phôi phai.

Ý kiến

Con đường xanh phía biển

Thành phố đáng sống Đà Nẵng tọa lạc giữa ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp say lòng du khách như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, sông Hàn thơ mộng, cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng phun lửa và phun nước - biểu tượng kiến trúc mới trong thời kỳ hội nhập của thành phố, cùng nhiều bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Giữ xanh đảo ngọc Cô Tô - Bài 2: Cùng xanh màu áo, chung xanh hành động

Phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống LLVT tỉnh Quảng Ninh, Ban CHQS huyện Cô Tô đã cùng Ban Chấp hành Huyện Đoàn tham mưu cho UBND huyện phát động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn, các cháu học sinh, người dân và khách du lịch cùng tham gia thu gom rác, làm sạch các bãi biển.
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi

Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi

BIỂN ĐẢO - Công Bắc (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội) - 09:24 22/08/2022 (TN&MT) - Nơi bãi bồi đất biển thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có nhà thờ đổ sừng sững trước biển cũng đang ngày ngày bị sóng biển “ăn mòn” từng tấc đất vốn là sinh kế của những ngư dân làng chài nơi đây. Mỗi năm, biển càng tiến càng sâu, bãi bồi ngày một thu hẹp, cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới vốn đã cực khổ nay lại gặp trăm nghìn khó khăn trước những biến động của biển cả.