Những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển kinh tế biển đảo và đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh sở hữu 250km bờ biển, với 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, với quần thể hệ thống đảo độc đáo. Để phát huy thế mạnh này, thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển. Nhiều hoạt động thiết thực với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng đã được tổ chức như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Hay như chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp phát động từ đầu năm 2018. Đến nay, hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, duy trì đều đặn tại các địa phương vùng ven biển trong tỉnh như Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô...
Đoàn viên thanh niên thu gom rác thải xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Vũ Văn Hiển cho biết, Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020” được toàn huyện tích cực triển khai trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Việc hình thành thói quen thay thế túi nilon bằng túi giấy, làn nhựa được đông đảo nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Các nhà hàng, khách sạn và khu dịch vụ thương mại hưởng ứng thực hiện, cũng như tuyên truyền, nhắc nhở khách du lịch đến huyện tham quan, nghỉ dưỡng. Thông qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên có gần 600ha rừng ngập mặn luôn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái nói riêng cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Đây cũng là lá chắn xanh bảo vệ toàn bộ khu vực ven biển trước sóng gió, thiên tai, bao bọc lấy hệ thống bờ đầm, ruộng vườn, cũng như đối với hàng trăm hộ dân sinh sống bên trong.
Vùng biển ven bờ tại đây cũng nhờ tán rừng mà duy trì được đa dạng sinh học, là nơi cư trú nhiều loài động vật cửa sông ven biển có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích như: ngán, sò, hà treo dây, tôm, cua bể. Do đó tạo ra kế sinh nhai, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm gia đình qua nhiều thế hệ.
Nghề nuôi hà treo dây trên biển mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân tại xã Hoàng Tân
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân, Ngô Doãn Cương cho biết, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển và rừng ngập mặn. Thành lập, duy trì lực lượng chức năng liên tục rà soát, nắm tình hình để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm rừng, phá hoại môi trường tự nhiên. Đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái hệ rừng ngập mặn, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường tại thôn, xóm.
Có thể nói làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển không chỉ góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực, mà cũng chính là một trong những giải pháp để khơi dậy ngành du lịch xanh, phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế chủ lực của Quảng Ninh trong thời gian tới.