Sáng ngày 29/5, Phó Tổng cục trưởng, Trưởng nhóm công tác AWGCME của Việt Nam Nguyễn Quế Lâm và đại diện các đơn vị liên quan của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham dự buổi họp trực tuyến cùng với các đại diện của Ủy ban kinh tế và xã hội khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP); các Nhóm công tác ASEAN về các thành phố bền vững môi trường (AWGCME), môi trường biển và đới bờ (AWGESC) của Việt Nam; Chủ tịch ASOEN Việt Nam và các đại diện của Tổng cục Môi trường để trao đổi cụ thể về triển khai dự án “Tăng cường đổi mới để khắc phục ô nhiễm nhựa đại dương tại các thành phố trong khu vực ASEAN”.
Dự án “Tăng cường đổi mới để khắc phục ô nhiễm nhựa đại dương tại các thành phố trong khu vực ASEAN” (Closing the Loop: Scaling up Innovation to Tackle Marine Plastic Pollution in ASEAN Cities), do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với mục tiêu tăng cường năng lực của các thành phố trong khu vực ASEAN về quản lý rác thải nhựa và giảm dòng chảy ô nhiễm ra biển thông qua việc áp dụng các công nghệ và phương pháp tiếp cận quản lý chất thải tuần hoàn. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 01 năm (từ tháng 4/2020 - tháng 4/2021).
Ảnh chụp buổi họp trực tuyến tại đầu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm bày tỏ ấn tượng với phần trình bày của đại diện ESCAP về dự án. Trả lời câu hỏi về khả năng nâng tầm, tăng cường chia sẻ thông tin kiến thức, phối hợp của dự án cùng với các sáng kiến/ chính sách của quốc gia, Phó Tổng cục trưởng cho biết, ngày 04/12/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trong đó, mục tiêu của kế hoạch có rất nhiều điểm tương đồng với Dự án. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, hiện nay Tổng cục cũng đang hợp tác với các đối tác quốc tế như WWF, UNDP, Ngân hàng Thế giới để thực hiện các dự án về rác thải nhựa đại dương và theo Phó Tổng cục trưởng, điều quan trọng là Dự án phải đưa ra được điểm khác biệt so với các dự án khác.
Đại diện ESCAP nhấn mạnh, thay vì tập trung vào các thành phố, Dự án này sẽ tập trung vào các lưu vực sông, các khu vực thượng nguồn và hạ nguồn và do vậy sẽ áp dụng những hệ thống kỹ thuật đánh giá tiên tiến khác như sử dụng robot và địa không gian, đánh giá vấn đề ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, đây là điểm khác biệt và đồng thời trong quá trình thực hiện, Dự án cũng sẽ có sự hợp tác giữa các địa phương, các bộ, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc đều thống nhất mong muốn rằng, với kỹ thuật đánh giá tiến tiến mà dự án dự kiến áp dụng sẽ mang lại kết quả chính xác hơn phương pháp kiểm kê rác thải hiện tại và ngoài ra việc đánh giá trên cơ sở kinh tế vĩ mô sẽ rất tốt cho cơ quan quản lý địa phương cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia phối hợp trong vấn đề xử lý rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.