BIỂN ĐẢO - Công Bắc (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội) - 23:13 20/08/2022
(TN&MT) - Nằm ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhà thờ đổ hay còn được biết đến với tên gọi nhà thờ Trái tim, công trình được xây dựng vào năm 1917 bởi một kiến trúc sư người Pháp. Toàn bộ tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý không những được biết đến như một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Nam Định mà còn là một chứng tích rõ nét về biến đổi khí hậu ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới có những biểu hiện.
Dấu tích của công cuộc… khai hoang, mở đất, lấn biển
Đi dọc đê biển xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào những khi biển lặng, triều rút, hẳn ai cũng sẽ thấy phế tích của những ngôi nhà thờ hoang tàn, đổ nát nhấp nhoáng trên những con triều dâng. Thế nhưng, trước biển, ở làng chài Xương Điền, còn một ngôi nhà thờ đổ vẫn đứng sừng sững trước biển như một chứng tích sống động trong cuộc chạy đua của con người với biển cả.
Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là dấu tích còn lại của Nhà thờ họ Lái Tim Chúa (Trái tim Chúa) có từ năm 1877 thuộc làng chài Xương Điền. Đây là vùng đất nằm giữa 2 làng Doanh Châu và Văn Lý, là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển của nhân dân từ những năm đầu thế kỷ XVIII, ban đầu được nhân dân gọi là “Cồn Cát Bể". Cùng với công cuộc khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được phát triển. Nhà thờ Trái tim Chúa xây dựng lần thứ nhất khi đó còn đơn sơ, xung quanh là cây chay, còn gọi là nhà thờ chay, diện tích 252m², chiều dài nhà thờ dài 14m, chiều rộng 7m và được lợp bằng cỏ bổi.
Từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, khu “Cồn Cát Bể" đã rơi vào tình trạng bị biển tiến bãi thoái nhanh do đê biển được đào đắp bằng đất nên không chịu được sóng dữ và sự xâm thực của biển. Vì thế sau 40 năm xây dựng, nhân dân nơi đây đã phải di chuyển nhà thờ Trái tim vào sâu phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ. Năm 1917 nhân dân đã bắt tay vào xây dựng tái thiết nhà thờ giáo họ Trái tim lần thứ 2 với bản thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp (nơi chứng tích tháp chuông hiện nay).
Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 trên một khuôn viên rộng 9.330m2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ theo phong cách Châu Âu, công phu đẹp mắt. Trong quá trình sử dụng với sự xâm lấn không ngừng của biển, sự khắc nghiệt của thời tiết giáo dân phải trùng tu nhiều lần nhưng sau 78 năm (1927 - 2005), cùng với một số nhà thờ khác trong khu vực, giáo họ Trái tim Chúa phải di chuyển vào trong nội địa xây dựng lần thứ 3.
Sự thay đổi của nhà thờ Trái tim được xây dựng lần 2 năm 1917 (trái) so với chứng tích nhà thờ đổ ngày nay (phải)
Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn đã phá hủy toàn tuyến đê bao phía ngoài, “xóa sổ" ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý, nền móng tháp chuông còn để lại của một số nhà thờ cũ sau khi được di chuyển cũng bị đánh đổ hoàn toàn như: nhà thờ giáo họ thánh Phê-rô, giáo họ thánh nữ Madalena. Riêng nhà thờ giáo họ Trái tim Chúa vẫn còn tháp chuông, nền không còn nguyên vẹn và giữ được một phần tường phía Bắc của nhà thờ như hiện nay.
Theo chia sẻ của những ngư dân bám biển nơi đây thì cách đây 4 - 5 năm, chính quyền xã Hải Lý đã xây dựng bờ kè đá nhưng chỉ được khoảng 1 năm thì bờ kè có dấu hiệu xuống cấp do nước biển ngày càng dâng, sóng biển đánh càng mạnh hệ thống đá kè chân nhà thờ đã bị đánh hỏng. Trước sự xâm lấn ngày càng mạnh và nhanh của nước biển, sẽ không thể chắc rằng những bờ kè bê tông liên tục được gia cố như hiện nay liệu có thể giữ được nhà thờ trong bao lâu?
Cuột rượt đuổi của… sóng biển
Như một “Trái tim” sừng sững trước biển, ngôi nhà thờ đổ có cái tên thật mơ mộng ấy bao năm nay vẫn hiên ngang giữ biển như cố níu giữ lấy một phần của ký ức xưa chẳng thể gọi thành tên. Những mảnh gạch vỡ nham nhở, lớp nền móng chỗ lồi chỗ lõm, phần kiến trúc còn sót lại vẫn còn đó trước những đợt sóng biển dữ dằn suốt ngày đêm, tạo nên một quang cảnh kỳ thú đẹp đến ngỡ ngàng.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày một nhanh chóng và khắc nghiệt. Đất ven biển của xã Hải Lý mỗi năm lại bị biển lấn sâu dần trong triền miên của những đợt sóng biển ào ạt năm này qua năm khác. Sóng biển ngày một dâng cao đồng nghĩa quanh nhà thờ nước ngập mênh mông. Ngư dân như bất lực trước cuộc rượt đuổi của sóng biển, rơi nước mắt bỏ lại “Trái tim” - ngôi nhà thờ đổ của dân làng. Giờ đây, dân Hải Lý chỉ còn có thể đứng trên đê biển nhìn “Trái tim” đổ vỡ, hoang tàn trước những cơn sóng biển như muốn nuốt trọn từng lớp gạch đá.
Tháp chuông Nhà thờ đổ còn khá nguyên vẹn
Ngày qua ngày, từng mảng tường nhà thờ rơi đổ theo từng cơn sóng dữ. Tưởng như ngôi nhà thờ đổ “Trái tim” sẽ bị biển sâu hủy hoại trọn vẹn nhưng ngờ đâu ba tầng gác chuông vẫn kiên cường trước những con sóng dữ đến từ biển khơi. Qua bao trận bão tố, phong ba, tháp chuông vẫn hiên ngang như một chiến binh không thể đánh bại. Phải chăng nền móng của ngôi nhà thờ như “Trái tim” đã hóa đá, không gì có thể phá hủy.
Gác chuông Trái tim cao cao sừng sững như con mắt biển đầy luyến tiếc nhìn về làng - nơi có những ngư dân vẫn nhớ, vẫn hoài niệm về một vùng đất quanh nhà thờ nhộn nhịp sinh hoạt thuở ban xưa. Như chẳng muốn “Trái tim” tan vỡ và vĩnh viễn chìm sâu xuống lòng biển, người dân Hải Lý khuân đá, kè bờ, dựng rào chắn xây quanh lớp nền móng đổ nát như một hy vọng cuối cùng có thể làm để lưu lại một chứng tích của thuở quai đê lấn biển, chứng tích của niềm tin về trái tim của Chúa mãi mãi bất tử.
Hệ thống bờ kè, rào chắn xuống cấp, han gỉ xung quanh nhà thờ đổ
Nhà thờ đổ “Trái tim” vẫn còn đó những vòm cửa tháp chuông nhuốm màu của thời gian. Những viên gạch tầng tầng, lớp lớp vẫn đỏ au như dòng máu vẫn cuộn chảy không ngừng bên trong một “Trái tim” thổn thức với nhịp đập của tạo hóa.
Biển động. Những đợt sóng như muốn “ăn tươi nuốt sống” lấy “Trái tim” của dân làng chài. Một mái vòm nhà thờ ẩn khuất trước những con triều dâng. Lưỡi sóng biển chờm lên, để lại những bọt nước trắng xóa quanh móng nhà thờ. Những lớp đất đá mòn dần, những kè chắn cũng han gỉ dần theo năm tháng. Rồi mai đây, liệu người dân chài còn có đủ sức để đương đầu trong cuộc chạy đua với biển cả?
Cho dù đến một ngày nào đó, “Trái tim” có gục ngã và ngừng đập mãi mãi thì trong ký ức của những người dân Xương Điền xưa vẫn coi nhà thờ đổ như một biểu tượng sức mạnh của con người chống chọi với sự nổi giận của thiên nhiên. Vì đó hơn thế còn là trái tim của mỗi người dân làng. Một Trái tim mong manh trước biển nhưng đầy hiên ngang, bất khuất. Một nhịp đập khắc khoải của “Trái tim” hay chính là nỗi bất lực của con người trước sự trỗi dậy của thiên nhiên như muốn đòi lấy những thứ vốn thuộc về mình.
Cuộc rượt đuổi của những cơn sóng dữ sẽ chẳng bao giờ dừng lại như vòng xoay của tạo hóa. Nhà thờ đổ - một “Trái tim” hoang tàn vẫn ở đó chờ ngày ra đi như một “bảo tàng” sống về những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu gây ra.