Sign In

Bảo tồn hệ sinh thái san hô - Bài 1: Vai trò của hệ sinh thái san hô

22/08/2022

Chọn cỡ chữ A a  

Trong hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rạn san hô được ví như “ngôi nhà”, “khu rừng nhiệt đới”, là nơi trú ẩn, trốn tránh kẻ thù và kiếm ăn của các loài sinh vật biển theo thuyết cộng sinh.

Những năm gần đây, các rạn san hô ở nhiều vùng biển của cả nước đang bị “chết trắng” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, tác động của con người là nguyên nhân trực tiếp khiến hệ sinh thái san hô rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương. Tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương, nhưng lại có tới 25% số sinh vật biển trú ngụ, nhiều đến mức người ta thường ví những rạn san hô như những “khu rừng nhiệt đới” dưới đáy biển. San hô được tìm thấy ở cả các vùng biển nhiệt đới cũng như ôn đới, nhưng các rạn san hô chỉ hình thành ở khu vực nằm trong đường xích đạo trải từ vĩ độ 30° Bắc đến 30° Nam.

Nghị quyết số 36-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định đến năm 2025 sẽ tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 2 - 3% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; có thêm 12 khu bảo tồn biển, 5 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập mới và đi vào hoạt động; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

Loạt bài “Bảo tồn hệ sinh thái san hô” thông qua phản ánh thực trạng, đưa ra giải pháp tổng thể với mong muốn bảo tồn, tái tạo các rạn san hô ở các vùng biển khả thi và hiệu quả hơn theo mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Theo các nhà khoa học biển, trong thế giới đại dương, các rạn san hô cung cấp nơi cư trú và thức ăn cho khoảng 4.000 loài cá, 800 loài san hô và hàng trăm sinh vật biển khác. Thế nên, hệ sinh thái san hô được xem là quan trọng nhất, là “bệ đỡ” cho các hệ sinh thái khác trong biển và đại dương phát triển.

b1.a1.jpg

Rạn san hô ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Thành

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, TS Nguyễn Thị Hải Thanh - Trưởng phòng Nghiên cứu Sinh thái biển (Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng) cho biết, san hô là các sinh vật biển tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Phần lớn san hô phát triển tốt nhất trong môi trường nước trong sạch, nhiều nắng và ở độ sâu từ 5m đến gần 50m, nơi nhiệt độ không quá 20oC. Các polyp san hô lấy thức ăn bằng cách bắt phù du bơi xung quanh nó và có thể tiết ra cấu trúc canxi cacbonat, tạo thành những bộ xương cứng. Về cấu tạo, san hô được chia thành hai phân lớp chính: Lớp san hô cứng (bao gồm san hô đá và san hô sừng) là những bộ xương chứa đá vôi (canxi cacbonat), được xem là thành phần chính cấu thành nên rạn san hô. Lớp san hô mềm (không có xương) là những polyp rất mềm dẻo đến mức đu đưa theo dòng nước. San hô cứng khi chết đi còn lại bộ xương trắng, đỏ hay đen. San hô mềm khi chết đi sẽ không để lại gì cả.

Về hình dạng bên ngoài, theo TS Nguyễn Thị Hải Thanh, san hô tồn tại với rất nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Chẳng hạn san hô cứng có thể trông giống vỏ não (san hô não), hình sao, hình cành cây (san hô cành), hình đĩa,… Một số loại san hô mềm bao gồm san hô quạt, bút biển... trông giống như chiếc bút lông chim…

Sinh vật này sinh sản cả hình thức vô tính và hữu tính. Trong phương pháp sinh sản vô tính, khi các polyp san hô đạt đến một kích thước nhất định, chúng sẽ tự phân chia và tạo ra một polyp mới giống hệt về mặt di truyền. San hô thực hiện quá trình này trong suốt cuộc đời của mình. Sinh sản vô tính giúp tăng diện tích rạn san hô. Trong phương pháp sinh sản hữu tính, trứng và tinh trùng của san hô sẽ được thụ tinh, tạo nên các ấu trùng bơi lội tự do trong nước, sau đó chúng tìm nền đáy thích hợp để định cư và phát triển thành san hô con. Sinh sản hữu tính giúp tăng tính đa dạng về bộ gen và tạo thành các rạn san hô mới.

Trong một khảo sát được công bố, các nhà khoa học Chi nhánh Ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga), rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đặc sắc của biển Việt Nam, nơi có đa dạng sinh học rất cao. Các rạn san hô của Việt Nam phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam với diện tích khoảng hơn 1.100km2, trong đó biển miền Trung và miền Nam có diện tích san hô lớn nhất và tính đa dạng sinh học lớn nhất. Theo đó, san hô ở biển Việt Nam rất phong phú, với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 chi. Theo những kết quả khảo cứu gần đây của các nhà khoa học Việt Nam, có khoảng 3.000 loài sinh vật biển đã được ghi nhận sống ở các rạn san hô, trong đó nhóm cá rạn san hô có khoảng 615 loài; 444 loài san hô; 410 loài động vật thân mềm; 376 loài rong biển; 310 loài thực vật và 187 loài động vật phù du; 116 loài động vật da gai; 92 loài động vật giáp xác; 61 loài thực vật ngập mặn; 43 loài giun nhiều tơ; 11 loài cỏ biển.

Không chỉ là “bệ đỡ” cho các hệ sinh thái khác trong lòng biển, đại dương, các rạn san hô còn có tác dụng rất lớn với xã hội. Theo IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), hơn 500 triệu người đang phụ thuộc vào chúng để kiếm sống với tác động kinh tế ước tính khoảng 375 tỷ USD/năm. Ngoài ra, theo các nhà khoa học trên thế giới, những động, thực vật trú quanh các rạn san hô vô cùng lớn và phong phú sẽ là “ngân hàng” gen vô cùng đa dạng để ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn một nửa các nghiên cứu cách và thuốc điều trị ung thư của các nhà khoa học trên thế giới xuất phát từ nguồn tài nguyên biển.

b1.a3.jpg

Nguyên nhân dễ hiểu nhất là do hiệu quả của kháng sinh giảm sút, các liệu pháp đáng tin cậy và tiềm năng hơn đã dẫn đến những hợp chất từ “cư dân” của những rặng san hô có thể chống lại nhiều bệnh nan y gồm ung thư, Alzheimer, bệnh bạch cầu và AIDS. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, các sinh vật biển có chứa kháng sinh, polysaccharide, steroid, giúp khống chế nhiều loại bệnh. Các loài san hô chứa các hợp chất giúp giảm nhẹ hay phòng ngừa các bệnh vảy nến, viêm khớp, cholesterol cao, tăng huyết áp, viêm loét, nhiễm khuẩn, thương tích, bỏng, bướu cổ,... Vì vậy, từ những năm 2010, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Colombia và Brazil đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu dược phẩm có nguồn gốc từ biển, từ san hô; còn Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn ngân sách 8 triệu euro dành cho nghiên cứu và phát triển dược phẩm từ biển và san hô.

San hô là một phần quan trọng để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch lặn biển, góp phần chuyển đổi sinh kế và mang lại thu nhập cho người dân. Ở Việt Nam, 5 năm lại đây, du lịch lặn biển đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và cho nguồn thu đáng kể.

TS Nguyễn Thị Hải Thanh cho rằng, hệ sinh thái san hô là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trong hệ sinh thái biển. Nói cách khác, rạn san hô còn thì các loài sinh vật biển khác có môi trường và chỗ dựa để phát triển. Rạn san hô biến mất dù với bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và đại dương. Như vậy, theo tư duy logic suy ra, nếu rạn san hô còn và được bảo tồn nghiêm ngặt thì nguồn sống của con người sẽ được bảo đảm đáng kể. Nếu rạn san hô bị hủy diệt thì việc sống dựa vào biển sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Ý kiến

Con đường xanh phía biển

Thành phố đáng sống Đà Nẵng tọa lạc giữa ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp say lòng du khách như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, sông Hàn thơ mộng, cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng phun lửa và phun nước - biểu tượng kiến trúc mới trong thời kỳ hội nhập của thành phố, cùng nhiều bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Giữ xanh đảo ngọc Cô Tô - Bài 2: Cùng xanh màu áo, chung xanh hành động

Phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống LLVT tỉnh Quảng Ninh, Ban CHQS huyện Cô Tô đã cùng Ban Chấp hành Huyện Đoàn tham mưu cho UBND huyện phát động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn, các cháu học sinh, người dân và khách du lịch cùng tham gia thu gom rác, làm sạch các bãi biển.
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi

Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Cuộc chạy đua với biển - Bài 2: Biển tiến, bãi lùi

BIỂN ĐẢO - Công Bắc (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội) - 09:24 22/08/2022 (TN&MT) - Nơi bãi bồi đất biển thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có nhà thờ đổ sừng sững trước biển cũng đang ngày ngày bị sóng biển “ăn mòn” từng tấc đất vốn là sinh kế của những ngư dân làng chài nơi đây. Mỗi năm, biển càng tiến càng sâu, bãi bồi ngày một thu hẹp, cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới vốn đã cực khổ nay lại gặp trăm nghìn khó khăn trước những biến động của biển cả.