Ngày 17/12, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị “Triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm điểu tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo đến năm 2030” nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án thuộc Chương trình trọng điểm; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các bộ, ngành, địa phương có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan chủ trì thực hiện Dự án trong Chương trình trọng điểm; Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm và lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, mục tiêu chung của Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 (Chương trình trọng điểm) là “Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong từng giai đoạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển”. Đây là một chương trình lớn, quan trọng, có sự tham gia thực hiện của các bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 2020 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, bao gồm 26 nhiệm vụ, dự án mở mới và 15 nhiệm vụ, dự án được chuyển tiếp từ các Đề án, Chương trình khác, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp trong những năm qua cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, có dự án chậm triển khai do vướng mắc thủ tục hành chính và điều hành thực hiện, có dự án do cơ quan chủ quản xử lý quá lâu nên mới được phê duyệt, có dự án cơ quan chủ trì chưa có sự phối hợp tốt với cơ quan tham gia xây dựng, thực hiện dự án,… vì vậy, Hội nghị được tổ chức nhằm thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, tìm ra nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp triển khai tốt các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, làm rõ những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong đó tập trung vào các vấn đề quan trọng, cụ thể như: (i) Khuôn khổ pháp lý: các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật; (ii) Kinh phí triển khai, điều kiện trang thiết bị, năng lực thực hiện; (iii) Cơ chế quản lý phối hợp thực hiện Chương trình; (iv) Những khó khăn, vương mắc khi thực hiện Chương trình.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo tổng thể tình hình triển khai Chương trình trọng điểm, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện có 15 nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp sang Chương trình trọng điểm, trong đó có 07 nhiệm vụ, dự án đang triển khai thực hiện, 08 nhiệm vụ, dự án đang trong quá trình xây dựng thuyết minh-dự toán trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Đối với các nhiệm vụ, dự án mở mới, nhìn chung, đều triển khai chậm so với yêu cầu tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020. Cho đến nay, mới có 11/36 nhiệm vụ, dự án mở mới giai đoạn 2020-2025 đang lấy ý kiến góp ý, tiến hành các thủ tục thẩm định để phê duyệt.
Báo cáo cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Chương trình trọng điểm, chủ yếu liên quan đến các vấn đề về bố trí kinh phí; cơ chế phối hợp quản lý thực hiện; hạn chế về năng lực triển khai cũng như những ảnh hưởng khách quan của dịch bệnh Covid-19, thiên tai bão lũ trong thời gian qua đồng thời đề ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như: đối với các bộ, ngành, cơ quan chủ trì dự án cần tập trung xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án; rà soát, xây dựng quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá phục vụ triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án; kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp quản lý thực hiện Chương trình trọng điểm nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm ngay từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động nghiệm thu; tổ chức tốt công tác điều phối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, khai thác, tận dụng tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện và trang thiết bị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đồng thời đề cao trách nhiệm, tính chủ động của từng bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tạo điều kiện bố trí kinh phí cần thiết cho các dự án ngay sau khi thuyết minh được phê duyệt.
Tại Hội nghị, các đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Viễn thám quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội đã có các báo cáo tham luận về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án liên quan trong Chương trình do các cơ quan, bộ, ngành mình thực hiện. Thông qua các nội dung tham luận và thảo luận tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các bên liên quan đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc đồng thời có các góp ý cho việc triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, dự án trong Chương trình trọng điểm.
Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi chủ trì phần thảo luận và tiếp thu ý kiến tại Hội nghị
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đốn đốc, tổ chức triển khai Chương trình trọng điểm đồng thời thực hiện vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Uỷ ban chỉ đạo quốc gia) đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, tham vấn, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu nhằm tổng hợp và báo cáo trong phiên họp đầu tiên của Uỷ ban chỉ đạo quốc gia sẽ sớm được tổ chức trong đầu năm tới nhằm có được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.