Vừa qua, tại Hội nghị “Đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Sở TN&MT của 28 tỉnh thành ven biển đã về dự, báo cáo những kết quả bước đầu đạt được trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị đã có một số ghi nhận về kết quả đánh giá bước đầu từ các nhà quản lý về thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội, điều tra cơ bản.
Ảnh minh họa
Chỉ số phát triển chưa đồng đều
Ở phương diện phát triển kinh tế biển, tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào tổng GRDP toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2022: 50,93% (năm 2018); 51,00% (năm 2019); 50,05% (năm 2020); 49,83% (năm 2021); 50,07% (năm 2022)6. Mục tiêu theo Nghị quyết số 36-NQ/TW đến năm 2030 là: Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.
Thống kê qua các báo cáo của bộ, ngành và địa phương ven biển cho thấy giai đoạn 2011-2022, tăng trưởng bình quân các tỉnh ven biển (6,95%/năm) thấp hơn so với cả nước (7,15%/năm). Có 8 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn (nhờ những lợi thế về vị trí, tiềm lực kinh tế biển, thu hút FDI nhiều) như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Ninh Thuận. 20 tỉnh còn lại thấp hơn trung bình chung của cả nước, trong đó giảm mạnh nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre.
Năm 2022, GRDP của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước, giảm gần 4,2 điểm % so với năm 2010 (54,0% GDP cả nước). Tỷ trọng đóng góp GRDP của vùng ven
biển lớn nhất là từ vùng Đông Nam Bộ (39,1%), tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền trung (30,0%), vùng Đồng bằng sông Hồng (19,2%) và Đồng bằng sông Cửu Long (11,7%). GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2022 đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng).
Một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người trong nhóm tốp đầu cả nước như: Bà Rịa -Vũng Tàu (thứ nhất, 331 triệu đồng), Quảng Ninh (thứ 2, 198 triệu đồng), Hải Phòng (thứ 3, 175 triệu đồng), TP. Hồ Chí Minh (thứ 6, 158 triệu đồng). Thu nhập của nhiều người lao động đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 các năm 2020, 2021.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển so với cả nước từ năm 2018 đến năm 2022: 0,690/0,693 (năm 2018); 0,699/0,703 (năm 2019); 0,702/0,706 (năm 2020); 0,711/0,726 (năm 2021); 0,724/0,737 (năm 2022)7. Mục tiêu theo Nghị quyết số 36-NQ/TW đến năm 2030 là chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước.
Vùng ven biển là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, nhưng phân bố không đồng đều, tập trung đông nhất ở vùng ven biển Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng. Năm 2022, dân số ở vùng ven biển khoảng 49,224 triệu người, tăng 0,84%/năm, thấp hơn bình quân cả nước (1,13%/năm) trong giai đoạn 2011-2022; tốc độ tăng dân số tự nhiên của nhiều địa phương cũng thấp hơn bình quân chung cả nước.
Mật độ dân số trung bình vùng ven biển năm 2022 là 357 người/km2, gấp 1,19 lần bình quân chung cả nước. Quy mô dân số đô thị tại các địa phương có biển năm 2020 là hơn 19 triệu người, tương đương 52,9% dân số đô thị cả nước, đông nhất là vùng Đông Nam Bộ (trên 8,06 triệu người), riêng TP. Hồ Chí Minh gần 7,4 triệu người. Tại các huyện đảo, quy mô dân số tăng nhanh và quá trình đô thị hóa diễn ra tích cực nhưng không đều. Lực lượng lao động năm 2020 của 28 tỉnh, thành phố có biển là trên 26,6 triệu người, tăng bình quân 0,58%/năm, thấp nhất là ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ (0,53%/năm). Chất lượng của lao động ở vùng ven biển dù đã cải thiện nhưng còn thấp, đa phần là ít qua đào tạo.
Thống kê cho thấy, có đến 20/28 địa phương có tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Các tỉnh thuộc vùng biển phía Bắc và vùng Đông Nam Bộ có lao động chất lượng khá hơn các tỉnh ven biển còn lại, nhất là tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hồ Chí Minh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tương đối thấp, hầu hết các địa phương có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 5%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị luôn cao hơn ở nông thôn do mức độ cạnh tranh việc làm gay gắt hơn.
Điều kiện cơ sở hạ tầng KT-XH của các địa phương vùng biển đã có sự thay đổi rõ rệt; điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư được thu hẹp so với mặt bằng chung, đời sống của người dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đa phần người dân đã tiếp cận được với điện và nước sạch. Tính đến hết năm 2020, gần như 100% hộ dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển đã có điện, cao hơn so với bình quân chung cả nước; chất lượng và hiệu quả cung cấp điện cho người dân cũng được nâng lên. Khoảng 90% người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung của địa phương.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở các địa phương bình quân đạt 97,5%. Tất cả các địa phương vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ đều có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, một số địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp hơn bình quân chung, không duy trì được kết quả giáo dục như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,… Từ năm 2017, đã tổ chức được lớp mầm non ở huyện đảo Cồn Cỏ (1 - 2 lớp), ở đảo Bạch Long Vĩ (2018), đảm bảo cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ em đúng độ tuổi.
Hạ tầng y tế được đầu tư nhưng chưa đều; chăm sóc sức khỏe trẻ em có tiến bộ, song còn hạn chế về đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên, nhân lực ngành y còn phát triển chậm. Tại nhiều địa phương thuộc vùng BTB, DHMT và ĐBSCL, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp hơn bình quân cả nước.
Gian nan trong công tác điều tra cơ sở dữ liệu cơ bản
Công tác đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển và hải đồ, đến hết năm 2022, đã thực hiện được 49/86 mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang; thực hiện được 07/43 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ.
So với thời điểm tổng kết Đề án 47, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện điều tra thêm được 130.927 km2 vùng biển xa bờ (đến độ sâu 2.500m nước) ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tổng diện tích điều tra cơ bản tỷ lệ 1:500.000 được 375.688 km2 (khoảng 38%) diện tích các vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, còn tiếp tục thực hiện các dự án điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển ở tỷ lệ 1:100.000 ở các vùng trọng điểm kinh tế, hoàn thành thêm 29.294 km2, tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam; điều tra cơ bản ở tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 3.023 km2 tại 9 đảo/cụm đảo tiền tiêu; điều tra, khảo sát đặc điểm địa chất công trình tỷ lệ 1:100.000 dải ven biển trên diện tích 65.400 km2, tăng 48.571 km2 so với năm 2018 (16.829 km2), khoanh định được các khu vực kém ổn định về địa chất công trình, xác định các quá trình địa chất công trình như hiện tượng ngập lụt, xói lở, bồi tụ...; đã điều tra, khoanh định đánh giá tài nguyên dự báo cát xây dựng khoảng 180 tỷ m3 tại khu vực biển phía Nam Hòn Hải; đây là nguồn tài nguyên rất lớn, đáp ứng tốt cho phát triển hạ tầng kinh tế các tỉnh thành có biển cũng như các tỉnh thành khác.
Những con tàu đang làm nhiệm vụ điều tra cơ bản
Tại khu vực Đồng bằng Nam bộ, đến hết năm 2021, đã điều tra, đánh giá chi tiết trữ lượng, chất lượng nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam tại 14 đảo gồm: đảo Trần; đảo Nất Đất, đảo Phượng Hoàng, đảo Thượng Mai - Hạ Mai, đảo Cù Lao Chàm, đảo Quan Lạn, đảo Thắng Lợi, đảo Cái Chiên, đảo Cát Bà, đảo Cù Lao Xanh, đảo Hòn Thơm, đảo Hòn Đốc, đảo Hòn Rái, đảo Hòn Lớn (quần đảo Nam Du).
Trong quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, đến nay cả nước có 12 khu bảo tồn biển (KBTB) đã được thành lập với tổng diện tích 206.224,93 ha, trong đó có 185.000 ha biển, bao gồm các KBTB: Cát Bà, Bái Tử Long, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc, Đảo Trần và Cô Tô.
Hệ thống các KBTB được mở rộng diện tích và quản lý hiệu quả, phù hợp với Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để đạt mục tiêu diện tích các KBTB chiếm 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Các HST tự nhiên được tăng cường phục hồi và cải thiện chất lượng, đặc biệt là rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đầm phá; 80% các khu vực có đa dạng sinh học cao, dịch vụ HST quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả.
Đến nay, đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dạng số về tài nguyên, môi trường biển và lưu trữ tại Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN&MT. Hiện Bộ TN&MT đang tiến hành triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia tích hợp, liên thông với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường và các cơ sở dữ liệu quốc gia của các ngành, lĩnh vực khác; triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đảm bảo việc cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu biển đảo của các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.