Họ là những người tiền trạm, mang trên mình nhiệm vụ lớn lao khi thực hiện điều tra cơ bản về địa chất và thăm dò khoáng sản trên vùng biển, hải đảo nước ta để góp phần phục vụ việc xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam.
Nghị lực của những người “đo sóng, đếm gió”
Trong chuyến đi theo đoàn từ bờ biển Thịnh Long (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) ra Giàn khoan biển GKB02 (cách bờ chừng 15 km - PV), tôi mới chứng kiến và thấu hiểu sự vất vả của những người tham gia công tác địa chất và khoáng sản biển. Nhiệm vụ lấy mẫu khoan, gìn giữ và bảo lưu những mẫu này đòi hỏi sức khỏe, lòng kiên nhẫn và tình yêu với nghề “đo sóng, đếm gió” này.
Ông Đặng Trung Hiếu, Đội trưởng Đội khoan biển, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT) tâm sự: “Việc khoan lấy mẫu địa chất ở biển phải dựa nhiều vào “ông giời”. Mưa to hay sóng lớn đều không thể thực hiện nhiệm vụ được. Vì thế người làm nghề chúng tôi hay trêu nhau phải biết đo sóng, đếm gió để dự đoán thời tiết cho chuẩn. Ấy vậy mà nhiều lúc, trời không chiều lòng người, mưa gió thường xuyên ập đến bất chợt khiến cho công việc gián đoạn”.
Đội khoan biển của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên Giàn khoan GKB.02 tại biển Thịnh Long
Mặc dù, có tàu vận chuyển máy móc và thiết bị khoan nhưng để vận chuyển chúng từ trên bờ xuống tàu và từ tàu lên giàn khoan ngoài biển là việc không đơn giản. Giàn khoan gồm nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có trọng lượng lớn nên việc vận chuyển và lắp đặt rất khó khăn và mất thời gian. Máy khoan và các thiết bị máy móc đi kèm rất nặng, việc vận chuyển trên đất liền đã khó nhưng di chuyển và lắp ráp trên biển còn khó gấp bội phần.
Thế là những người cán bộ ngành địa chất và khoáng sản biển bất đắc dĩ trở thành “cán bộ biết tuốt”. Họ vừa thực hiện những công việc nặng nhọc như bê vác, di chuyển, lắp đặt máy móc, vừa phải thực hiện những công việc kỹ thuật như đo đạc, khoan lấy mẫu.
Nhiệm vụ chính của những cán bộ địa chất biển là thực hiện điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, địa chất công trình, địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, bảo tồn địa chất, công viên địa chất và thăm dò khoáng sản trên vùng biển, hải đảo Việt Nam. Nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn hơn trên đất liền do việc thi công phụ thuộc vào thời tiết, sóng gió trên biển; lắp đặt máy móc thiết bị cũng phức tạp và yêu cầu chặt chẽ hơn đất liền, nhất là các thiết bị điện và hệ thống điện. Hơn nữa, công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ cho thiết bị, máy móc trên biển nhiều hơn so với đất liền.
Bảo lưu mẫu quan trọng như bảo vệ tính mạng
Khi nhắc về những kỷ niệm nghề, ông Đặng Trung Hiếu thường nhắc đến kỷ niệm trong chuyến thi công khoan biển đầu tiên tại vùng biển Thái Bình - Nam Định của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển năm 2019.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đó là một bước tiến mới và đầu tiên trong công tác khoan lấy mẫu trên biển phục cho dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam” (Dự án 47-ĐCCT). Đây cũng là lần đầu tiên Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển thực hiện thành công công tác khoan lấy mẫu trên vùng biển nông.
Công tác khoan mẫu đã vất vả, nhưng việc giữ gìn, bảo lưu mẫu để vận chuyển về đất liền còn phức tạp hơn. Mỗi mẫu khi khoan từ dưới đáy biển lên đều được đội khoan xếp cẩn thận vào từng khay gỗ, có đánh dấu tên mẫu và ngày lấy mẫu… Công tác lấy mẫu, cũng như giữ gìn, bảo lưu mẫu phải chặt chẽ và cẩn thận hơn nhiều so trên đất liền, bởi quá trình vận chuyển mẫu từ biển vào đất liền tiềm ẩn nhiều rủi ro do sóng gió, giông lốc trên biển. Chưa kể đến việc di chuyển từ vị trí khoan này sang vị trí khoan khác cũng mất thời gian và phụ thuộc vào thời tiết sóng gió trên biển.
Giàn khoan biển GKB.02, nơi Đội khoan biển của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đang tiến hành khoan lấy mẫu
Ông Hiếu cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện công tác lấy mẫu trên biển Thịnh Long phục vụ cho Dự án 47-ĐCCT. Việc lấy mẫu hay bảo lưu mẫu đều được lãnh đạo Liên đoàn chỉ đạo phải hết sức chú trọng. Có lẽ vì thế nên nhiều anh em trong đội ví mẫu quý như “máu” và việc giữ gìn, bảo lưu mẫu quan trọng như bảo vệ tính mạng của chính mình. Khi trời mưa bất chợt, người có thể ướt nhưng mẫu thì phải được che đậy, bảo quản rất kỹ càng, bởi để lấy được các mẫu đó từ dưới biển với độ sâu lên đến 20 m nước, anh em phải đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu”.
Ông Hiếu cho rằng, công tác khoan lấy mẫu trên biển tạo tiền đề và cơ sở khoa học trong liên kết địa tầng địa chất giữa bờ và biển; đảm bảo cung cấp số liệu tin cậy, phục vụ cho việc đánh giá triển vọng sa khoáng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng. “Công tác lấy mẫu, bảo lưu mẫu có vai trò rất lớn đối với việc giữ gìn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, nhưng những người làm công tác này như chúng tôi còn gặp quá nhiều khó khăn. Hy vọng trong thời gian tới, công tác này sẽ được quan tâm hơn nữa?” - ông Hiếu tâm sự.
Mong rằng, việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, nhất là khoáng sản và quan tâm đến những người làm công tác này sẽ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay nếu chúng ta muốn gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho thế hệ mai sau.
Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học... là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các nhà địa chất mà người ngoài cuộc khó biết được.