Sáng 4/6, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có buổi họp trực tuyến báo cáo với Thứ trưởng Lê Minh Ngân và các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT về Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương”.
Ảnh chụp màn hình buổi làm việc trực tuyến
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương” (Đề án). Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án; tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).
Ngay sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ tại Chương trình công tác năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế biển phát triển mạnh và các quốc gia có điều kiện tự nhiên, môi trường, địa lý tương tự với Việt Nam trong khu vực; từ đó đánh giá, phân tích các bài học, xem xét tính phù hợp để áp dụng vào Việt Nam. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức một số Hội nghị, hội thảo về tham vấn các ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học.
Bên cạnh đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động tham gia các hoạt động, cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc. Được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục đang cùng các đơn vị đồng cấp của 3 nước Đức, Ecuador và Ghana trao đổi kế hoạch đồng tổ chức lần đầu tiên một Hội nghị Bộ trưởng về Rác thải đại dương và Ô nhiễm nhựa nhằm góp phần xây dựng một thỏa thuận toàn cầu, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2021.
Đến nay, về cơ bản, hồ sơ Đề án trình Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên. Trên quan điểm quán triệt chủ trương, đường lối và định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; nhất quán đường lối đối ngoại; bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam; tuân thủ các cam kết quốc tế; thực hiện các chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương, mục tiêu của Đề án là nhằm: Chuẩn bị và tham gia đàm phán, tiến tới phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền; Nâng cao năng lực cán bộ; Thúc đẩy hoạt động đàm phán; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ tối đa sự ủng hộ trong nước và quốc tế.
Chủ trì buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, khối lượng công việc nhiều, kinh phí chưa được bố trí nhưng Tổng cục đã tập trung dồn lực, phát huy, tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tổ chức triển khai các hoạt động xây dựng Đề án theo tiến độ. Thứ trưởng cũng đánh giá cao ý kiến đóng góp tích cực, trí tuệ, thẳng thắn, mang tính xây dựng của đại diện các đơn vị trong Bộ như Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Môi trường, Vụ Kế hoạch Tài chính,… tại buổi làm việc cũng như của các bộ, ban, ngành liên quan cho Đề án đồng thời đề nghị Tổng cục tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhằm hài hoà các yếu tố lợi ích cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm ràng buộc của một thoả thuận mang tính toàn cầu đặt ra trong bối cảnh chung của quốc tế, khu vực cũng như đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và nguồn lực nội tại trong nước.
Trước đó, ngày 3/6/2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án. Hội thảo có sự tham dự của trên 40 đại biểu từ các bộ (Ngoại giao, Tư pháp, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư), các Tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) và các chuyên gia, nhà khoa học. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã ghi nhận, tiếp thu được rất nhiều các ý kiến đóng góp từ các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Đề án.