Phiên họp thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-5) nhằm xây dựng một văn bản ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa INC-5 đã đi được một nửa thời gian. Tuy nhiên, diễn biến tại 04 nhóm liên hệ cho thấy quá trình diễn ra khá chậm khi các quan điểm tại INC-4 được nêu lại và bổ sung thêm các lời văn.
Quang cảnh Phiên họp thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủMột số điều quan trọng trong Báo cáo không chính thức của Chủ tịch đã được đề xuất thêm một số nội dung với những quan điểm khác nhau vì vậy Hội nghị tiếp tục thảo luận, trao đổi để ra lời văn đàm phán cụ thể. Những vấn đề như nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, trách nhiệm lịch sử của các quốc gia phát triển đang được các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh. Thông điệp rõ ràng của các nước phát triển nhấn mạnh vấn đề “Ô nhiễm nhựa” thay cho “Ô nhiễm rác nhựa”.
Bà Nguyễn Mỹ Hẵng, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Phiên họpViệc có đặt ra mức trần cho sản xuất nhựa nguyên sinh, polymer, vẫn tiếp tục còn gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia phát triển cùng với các quốc gia đảo nhỏ, châu Phi, Nam Mỹ với phần còn lại là các quốc gia sản xuất nhựa và dầu mỏ như Trung Quốc, Nga, các nước vùng Vịnh và Ấn Độ. Cho đến thời điểm này, Hội nghị cho thấy để kết thúc đàm phán tại INC-5 thì cần có sự thỏa hiệp giữa các quốc gia.
Trong thời gian INC-5 diễn ra, Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế tham gia sự kiện bên lề “Tái thiết sự tồn tại của nhựa” - là nền tảng tích cực cho các cuộc thảo luận toàn cầu về tuần hoàn tài nguyên và khám phá các chiến lược đổi mới cho hợp tác quốc tế. Tại đây, bà Hằng chia sẻ một số khó khăn khi quản lý môi trường biển do nguồn thải từ lục địa, trên biển và đặc biệt là từ tai biến thiên nhiên như bão, lũ, động đất làm trôi dạt rác thải ra biển kể cả những bãi rác đã trôn vùi. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của tất cả các nước có biển và đặc biệt khu vực Đông Nam Á là khu vực đang trong danh sách đứng đầu về ô nhiễm rác thải nhựa. Để giải quyết được vấn đề này, Việt Nam cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và hợp tác quốc tế minh bạch của cộng đồng thế giới với mục đích tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
Đoàn công tác của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục theo dõi và tham gia thảo luận trên cơ sở các phương án đã chuẩn bị và báo cáo trưởng đoàn Việt Nam những vấn đề phát sinh.
(Tin từ Busan, Hàn Quốc)