Sign In

Ngày Đại dương thế giới 8/6: cùng nỗ lực vì một đại dương xanh và bền vững

09:45 10/06/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6 hàng năm) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; cùng tôn vinh những giá trị của đại dương cho sự sống, cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại. Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên trái đất, nhưng những hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế so với sự rộng lớn, bao la của đại dương. Các tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, với Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024: “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững.

Thường trực Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tặng hoa chúc mừng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhân dịp Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày đại dương thế giới 08/06

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển. Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. nhằm quảng bá, tuyên truyền sâu rộng quá trình xây dựng, hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, qua đó đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội và chủ động, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Quy hoạch ngay sau khi được ban hành.


Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và mục tiêu phân bố, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển chúng ta cần tiếp tục khẳng định và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; quy định, hướng dẫn triển khai phân vùng sử dụng không gian biển; xử lý những chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển.

Hai là, phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương.

Ba là, tập trung cao xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics, kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, nhất là mạng lưới giao thông, cảng biển, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch; phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh đóng vai trò chủ đạo, trở thành động lực trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng; tăng cường liên kết vùng ven biển với vùng nội địa.

Bốn là, phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, các-bon thấp, chống chịu cao, gắn với bảo tồn biển và văn hoá biển, đảo, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng gia tăng nguồn năng lượng xanh; nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn và vật liệu xây dựng ở đáy biển; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Năm là, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển; hình thành cơ sở dữ liệu chung, thống nhất và dễ cập nhật để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đào tạo nhân lực biển, nhất là những loại ngành nghề ưu tiên như hàng hải, du lịch, khoa học, công nghệ biển; tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ biển phục vụ những ngành kinh tế biển mới, nhiều tiềm năng như dược liệu biển, y học biển, hóa chất biển, các vật liệu mới.

Sáu là, ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; hạn chế thấp nhất có thể tác động của thiên tai; chủ động ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bảy là, thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra cơ bản về biển và hải đảo; phát triển kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, biển và hải đảo; đào tạo nhân lực; ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ khai thác tiềm năng tài nguyên để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia các điều ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường biển, bảo tồn biển, khai thác, sử dụng các vùng biển chung.

Tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Phát huy truyền thống lịch sử dân tộc hào hùng Việt Nam ta, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Tám là, các cơ quan, tổ chức, chính quyền các địa phương, cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hoá biển.

VASI

Ý kiến

Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Nhật Bản – Việt Nam 2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản từ 20 - 25/10 của đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam dẫn đầu, sáng 21/10, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đã diễn ra Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế biển Việt Nam - Nhật Bản 2024. Tại đây, hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về phát triển bền vững kinh tế biển

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về phát triển bền vững kinh tế biển

Sáng 16/9 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, đi sâu đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nội dung liên quan trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.