Sign In

Chủ động hợp tác quốc tế vì một đại dương không rác thải nhựa

22/09/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về giảm rác thải nhựa, thời gian qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch đã rất chủ động trong việc tìm kiếm và kêu gọi các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương”. Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này, thời gian qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch đã rất chủ động trong việc tìm kiếm và kêu gọi các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Nhân dịp Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021, phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam

Với vị trí là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, thời gian qua, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã thực hiện những hành động, giải pháp gì để triển khai Kế hoạch này, thưa ông?

Ông Lưu Anh Đức: Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung nhằm thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội

Triển khai thực hiện Kế hoạch, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tham mưu, xây dựng trình Bộ ban hành Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg (QĐ1746); đồng thời tiếp tục hướng dẫn, phối hợp, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện QĐ1746 của đơn vị mình. Tổng cục cũng đang triển khai thực hiện:  Hợp phần 14a “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” thuộc Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa và vi nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý rác thải nhựa. Triển khai Đề án thành lập Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện nhiệm vụ Điều tra, khảo sát xây dựng Đề án Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và tổ chức các hoạt động liên quan trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam ( 05/6), ngày Đại dương Thế giới (08/6), một trong những nội dung hướng tới là tuyên truyền về rác thải nhựa đại dương…

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, Tổng cục cũng đã chủ động trao đổi, làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế (WB, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF – Việt Nam, UNDP…) trong việc thực hiện Kế hoạch.

Thưa ông, trong khi nguồn lực từ trong nước còn hạn chế và chưa nhiều kinh nghiệm trong xử lý chất thải nhựa, việc liên kết và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tham gia vào hoạt động này có ý nghĩa ra sao? Chúng ta đã có được những kết quả gì từ hoạt động này?.

Ông Lưu Anh Đức: Trong khi nguồn lực từ trong nước còn hạn chế và chưa nhiều kinh nghiệm trong xử lý chất thải nhựa, việc liên kết và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tham gia vào hoạt động này có ý nghĩa hết sức cần thiết, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, kiến thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính. Chẳng hạn như Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam với tổng số vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 10 triệu USD cho hoạt động giảm rác thải nhựa ở cả cấp trung ương và địa phương. Sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức không chỉ vấn đề tài chính của chúng ta hiện nay mà còn giúp chúng ta những kiến thức, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... cho thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất, thảo luận với các nước, tổ chức quốc tế tiềm năng (như Nhật Bản, Canada, Nauy… và các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (WWF); Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Ngân hàng thế giới (WB)...) về các cơ chế hợp tác công - tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn... và đề nghị sự giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện.

Đồi thời tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; tìm kiếm các cơ hội hợp tác, chia sẻ thông tin, tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong quản lý ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương; đặc biệt ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc vì một đại dương xanh, nhằm củng cố thêm vị trí và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế của Việt Nam với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và với cam kết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Được biết Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam và tổ chức WWF đã có mối liên hệ chặt chẽ trong việc triển khai các kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa đại dương, vậy xin ông cho biết cụ thể những hoạt động này là gì?

Ông Lưu Anh Đức: Thời gian qua, sự hợp tác giữa Bộ TNMT và WWF đã có nhiều tiến triển, ngày càng đi vào thực chất thông qua việc ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa hai Bên. WWF hiện đang hợp tác, hỗ trợ Bộ TNMT về chuyên gia và thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu,... Trong đó, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam và tổ chức WWF cũng đã hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa đại dương và bước đầu đạt được một số thành tựu nhất định.

Bộ TN&MT và WWF  ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa hai Bên

 

Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia các hoạt động chuẩn bị trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin về việc phát triển các thành tố trong các nhóm hoạt động AHEG, các hội nghị chủ trì bởi Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc UNEP, WWF-Việt Nam thông qua nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình và dự án do WWF-Đức, WWF-Na Uy và WWF-Thuỵ Sĩ, cùng mạng lưới WWF quốc tế, cũng đã đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong quá trình chuẩn bị, soạn thảo và tham vấn các bên liên quan về nội dung Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. 

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 02/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thông qua Dự án, WWF hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng; giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển; bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển, đặc biệt tại các Khu bảo tồn biển đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đại dương; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường biển và sức khỏe con người; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa; xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) bao gồm: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Tỉnh Long An, Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), dựa trên chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF, để có thể làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc, cũng như quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng tồn đọng rác thải nhựa tại 3 khu bảo tồn biển quan trọng: Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc.

Ngoài ra, Tổng cục đã phối hợp với WWF tổ chức các cuộc Hội thảo liên quan như Hội thảo Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Hội thảo Nâng cao năng lực về quản lý rác thải nhựa đại dương trên các hải đảo Việt Nam, Hội thảo trực tuyến về tham vấn kết quả nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng một lần… với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; trao đổi, hoàn thiện Kế hoạch hành động mẫu về quản lý rác thải nhựa đại dương tại một số địa phương của Việt Nam…

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thống kê của UNEP, nếu năm 2018, nguồn hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam mới khoảng 14 triệu USD cho các hoạt động môi trường giảm rác thải nhựa, thì đến hết 10/2020 đã có khoảng 66 dự án, chương trình, sáng kiến được triển khai tại 20/28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số tiền quốc tế hỗ trợ khoảng 298 triệu USD.

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Đề xuất của Nhật Bản về các phương án tiềm năng cho các yếu tố hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về rác nhựa

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2022, Thư ký điều hành của Ban thư ký ô nhiễm nhựa INC đã gửi thông báo mời các thành viên của Ủy ban và các bên liên quan gửi văn bản đệ trình.

Chùm ảnh Hội nghị tổng kết thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”

Nhằm tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án, Hội nghị tổng kết thường niên về thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được tổ chức để nghe đại diện các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Dự án báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các hoạt động, hợp phần của Dự án đến thời điểm hiện. Hội nghị được tổ chức vào ngày 25/11/2022 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức.