Sign In

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa

20/07/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Ngày 20 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó yêu cầu xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Ngày 04 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, mục tiêu chung được đề ra trong Kế hoạch là nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội. Theo Kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương, nội dung là: xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển; thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển; tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Ngày 05 tháng 02 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”.

* Mục tiêu cụ thể được đề ra trong Đề án là

- Người dân được cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác phòng, chống rác thải nhựa; chú trọng tuyên truyền cho người dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, các thành phố lớn, đông dân cư và khu vực đô thị về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa từ đó nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo.

- 100% phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương viết về lĩnh vực môi trường và xã hội; cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về công tác phòng, chống rác thải nhựa.

- 90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên các cấp học trên toàn quốc được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về phòng, chống rác thải nhựa.

- Xây dựng, triển khai hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp trên toàn quốc theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng - xã hội, tổ chức nghề nghiệp như: Hội Nông dân, Hội Nghề cá, Hiệp hội Du lịch, Hội Môi trường...

* Đối tượng tuyên truyền của Đề án đó là: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể và các tổ chức thành viên, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương; cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã; học sinh, sinh viên các cấp học trên toàn quốc; cộng đồng dân cư địa phương (khu vực nông thôn, khu vực đô thị) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

* Đề án tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu sau:

- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa.

- Tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường.

- Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm, có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh,...

- Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rác thải nhựa tại các nước trong khu vực và quốc tế; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa.

* Các nhiệm vụ cần phải thực hiện theo Đề án bao gồm:

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc lồng ghép nội dung cập nhật kiến thức, phổ biến văn bản pháp luật bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác thông tin, tuyên truyền và thúc đẩy hợp tác trong vấn đề phòng, chống rác thải nhựa trong nước, khu vực và quốc tế.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống rác thải nhựa: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền qua các cơ sở giáo dục; tuyên truyền qua các cơ sở kinh doanh dịch vụ; các khu, điểm du lịch; tổ chức các cuộc ra quân, phát động hưởng ứng theo chủ đề về phòng, chống rác thải nhựa; tổ chức “Giải báo chí tuyên truyền về nâng cao nhận thức phòng, chống rác thải nhựa”.

- Tổ chức biên soạn, phát hành các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông: xuất bản sách chuyên khảo, sổ tay, tờ rơi, tờ gấp...; sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, biên dịch, biên soạn các tài liệu của các học giả trong và ngoài nước về công tác tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa; sản xuất và phát hành các sản phẩm truyền thông dạng đồ họa trực quan (infographic), đồ họa chuyển động (motion graphics)...

- Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền: xây dựng phần mềm, số hóa hệ thống lưu trữ, chia sẻ và quảng bá các tài liệu tuyên truyền, các hoạt động truyền thông về phòng, chống rác thải nhựa theo chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng, vận hành tổng đài hỗ trợ, thiết lập đầu số nhắn tin, đường dây nóng về rác thải nhựa.

- Tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá các nội dung thuộc Đề án theo từng giai đoạn, trong đó có nội dung tôn vinh, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa theo các đối tượng thuộc phạm vi Đề án.

* Nguồn nhân lực thực hiện Đề án bao gồm: chuyên gia ở các viện, trường đại học, cơ quan quản lý và các hội nghề nghiệp có kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến quản lý, phòng chống rác thải nhựa; lực lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các sở, ngành liên quan; Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể tại địa phương; đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở trung ương và địa phương; đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên ở các bậc học được lựa chọn.

* Giải pháp về tổ chức thực hiện là: phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh, truyền hình từ trung ương đến địa phương trên cả nước để nâng cao hiệu quả truyền thông của Đề án cả về chiều rộng và chiều sâu; lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, đề án, dự án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác có liên quan để triển khai có hiệu quả Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động của Đề án nhằm tăng cường sự tiếp cận rộng rãi của mọi đối tượng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông Đề án.

* Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và được huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác.

* Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Đề án hướng đến mục tiêu chung là: Tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường./.

Nguyễn Thanh Tùng

Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, TCBHĐVN

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Đề xuất của Nhật Bản về các phương án tiềm năng cho các yếu tố hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về rác nhựa

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2022, Thư ký điều hành của Ban thư ký ô nhiễm nhựa INC đã gửi thông báo mời các thành viên của Ủy ban và các bên liên quan gửi văn bản đệ trình.

Chùm ảnh Hội nghị tổng kết thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”

Nhằm tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án, Hội nghị tổng kết thường niên về thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được tổ chức để nghe đại diện các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Dự án báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các hoạt động, hợp phần của Dự án đến thời điểm hiện. Hội nghị được tổ chức vào ngày 25/11/2022 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức.