Sign In

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

11:15 20/08/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường). Về phía tỉnh Long An, có ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Về phía WWW - Việt Nam, có bà Vũ Nguyễn Hoàng Giang, cùng các đại biểu đến từ các địa phương liên quan.

Quang cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ dự án “Quản lý rác thải tỉnh Long An” và “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Đức tài trợ thông qua Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), tỉnh Long An được chọn là một trong số các địa phương triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn và giảm rác thải nhựa cho khu vực đô thị lẫn nông thôn từ năm 2018. 

Sau 1 năm thí điểm ở khu vực đô thị, mô hình đã mang đến một số tín hiệu khả quan về việc triển khai phân loại rác tại nguồn, dự án tiếp tục đồng hành với tỉnh Long An để triển khai mô hình ở khu vực nông thôn - thí điểm tại huyện Vĩnh Hưng theo Kế hoạch số 1135/KH-UBND ngày 27/4/2023 của UBND tỉnh Long An.

Với đặc điểm chung của khu vực dân cư nông thôn của Đồng bằng sông Cửu Long, một phần dân cư của huyện Vĩnh Hưng tập trung ở khu vực thị trấn, trung tâm thường có ít đất đai, vườn tược và được tiếp cận với hệ thống thu gom rác của địa phương trong khi đó phần còn lại sống rải rác ở các tuyến dân cư với nhiều ruộng vườn và khó tiếp cận với hệ thống thu gom hiện tại lại có lợi thế tận dụng nguồn hữu cơ sau khi phân loại để tái sử dụng cho các mục đích sử dụng cho gia đình.

Ngoài ra, huyện Vĩnh Hưng còn là huyện nông nghiệp với phần lớn diện tích đất được sử dụng cho trồng lúa, cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi gia súc. Mặc dù là một địa phương dồi dào nguồn tài nguyên để sản xuất phân bón hữu cơ, nhưng phương pháp truyền thống sử dụng phân hóa học vẫn được dùng ưu tiên. Điều này không chỉ gây áp lực về chi phí mà còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hơn nữa, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, lục bình đang là vấn nạn đối với môi trường nước và giao thông thuỷ.

Sau gần 1 năm triển khai thí điểm ở huyện Vĩnh Hưng, có nhiều mô hình và nghiên cứu liên quan đến khả năng tái sử dụng nguồn rác hữu cơ từ sinh hoạt, từ nông nghiệp lẫn lục bình được thử nghiệm và đạt được kết quả khả quan, có khả năng nhân rộng ra các địa bàn khác ở Long An lẫn các tỉnh khác của dự án trong bối cảnh quy định về phân loại rác tại nguồn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. 

Tại Hội thảo lần này, đã có 07 báo cáo tham luận với các nội dung liên quan đến những vấn đề mà nhiều địa phương quan tâm như: Định hướng công nghệ xử lý rác sau phân loại; Đánh giá ưu và nhược điểm của việc đốt rác phát điện và sản xuất compost trong bối cảnh phân loại rác tại nguồn; Sản xuất compost quy mô tập trung và thực nghiệm trên cây lúa và cải xanh; Mô hình ủ compost tại hộ gia đình và cộng đồng; Mô hình ủ compost từ rác hữu cơ nông nghiệp và lục bình - giải quyết ô nhiễm; Mô hình sản xuất phân trùn quế - sinh kế cho nông dân.

Tại Hội thảo, bà Vũ Nguyễn Hoàng Giang giới thiệu sơ bộ dự án “Quản lý rác thải tỉnh Long An”, mô hình quản lý rác thải tại tỉnh Long An cũng như các hoạt động giảm nhựa: ký kết đô thị giảm nhựa, xây dựng trường học không rác thải nhựa, mô hình ngôi nhà xanh, chợ không rác thải nhựa…

Mô hình quản lý rác thải tại tỉnh Long An

Cũng tại Hội thảo ông Đàm Văn Vệ, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đưa ra một số giải pháp công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt cần thực hiện như: (1) Xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng tại Việt Nam làm căn cứ đánh giá lựa chọn công nghệ, các tiêu chí đánh giá được tập trung vào các nội dung về kĩ thuật, công nghệ, kinh tế, môi trường và tiêu chí khuyến khích theo hướng kinh tế tuần hoàn, phù hợp với CTRSH đã được phân loại. (2) Đề xuất công nghệ xử lý CTRSH được khuyến khích áp dụng với yêu cầu của từng địa phương. Chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế CTRSH thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu CTRSH phải chôn lấp, kéo dài tuổi thọ của bãi chôn lấp. Công nghệ xử lý CTRSH phải phù hợp với vùng đô thị, vùng đô thị xen lẫn nông thôn, vùng nông thôn Đồng bằng, vùng trung du, vùng miền núi. (3) Đề xuất mô hình xử lý khu liên hợp cấp huyện, liên xã, liên vùng có phối hợp các công nghệ tái chế, tái sử dụng CTRSH đã phân loại, kết hợp xử lý nhằm giảm thể tích chất thải (nhiệt, đóng rắn), và chôn lấp hợp vệ sinh. (4) Đánh giá tính khả thi, bền vững của công nghệ được đề xuất của dự án đầu tư, chú ý các rủi ro có thể dẫn đến các hậu quả môi trường, có phương án xử lý sự cố môi trường xấu nhất và tính đến sức chịu tải của môi trường.

TS. Dương Công Chinh, đại diện nhóm tư vấn của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh trình bày kết quả “Sản xuất compost quy mô tập trung và thực nghiệm trên cây lúa và cải xanh”

Trong quá trình triển khai phân loại rác tại hộ gia đình, một lượng lớn rác hữu cơ sẽ được các hộ gia đình phân loại riêng, được vận chuyển đến các cơ sở xử lý. Đây là nguồn có thể tái sử dụng thông qua việc ủ compost, phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp. Dưới sự hỗ trợ của Dự án, dây chuyền sản xuất compost 5 tấn/ngày đã được đưa vào vận hành tại Vĩnh Hưng. 

TS. Dương Công Chinh cho biết, phân compost sản xuất từ rác sinh hoạt của nhà máy là chưa có tiền lệ tại địa phương nên địa phương còn băn khoăn trong việc sử dụng phân compost, hiệu quả khi sử dụng đối với cây trồng, đầu ra cho sản phẩm. Địa phương cần phải đăng ký chất lượng để đưa vào sử dụng trong lâu dài.

Sau thời gian thử nghiệm trên cây lúa, phân hữu cơ sản xuất từ nhà máy rác Vĩnh Hưng hoàn toàn phù hợp để bón cho cây lúa. Sử dụng với lượng 5 tấn/ha đã có tác dụng cải tạo đất (giảm độ chua phèn, tăng độ phì nhiêu cho đất) ngay sau 1 vụ sản xuất. Khi giảm 40% phân bón hóa học không làm giảm năng suất mà con tăng năng suất của cây lúa cao hơn 16% so với công thức đối chứng. Với hàm lượng sử dụng 20 tấn/ha đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa mà không cần phải sử dụng thêm phân bón hóa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi về các vấn đề liên quan như: khó khăn trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Cơ chế sản xất rác hữu cơ đầu vào, đầu ra, hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rác hữu cơ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Muôn Nguyễn

Ý kiến

Đề xuất của Nhật Bản về các phương án tiềm năng cho các yếu tố hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về rác nhựa

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2022, Thư ký điều hành của Ban thư ký ô nhiễm nhựa INC đã gửi thông báo mời các thành viên của Ủy ban và các bên liên quan gửi văn bản đệ trình.

Chùm ảnh Hội nghị tổng kết thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”

Nhằm tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án, Hội nghị tổng kết thường niên về thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được tổ chức để nghe đại diện các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Dự án báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các hoạt động, hợp phần của Dự án đến thời điểm hiện. Hội nghị được tổ chức vào ngày 25/11/2022 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức.

Chủ động hợp tác quốc tế vì một đại dương không rác thải nhựa

Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về giảm rác thải nhựa, thời gian qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch đã rất chủ động trong việc tìm kiếm và kêu gọi các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.