Văn bản do Chủ tịch Ủy ban đàm phán liên chính phủ công bố vào ngày 1 tháng 12, nhằm mục đích phản ánh tiếng nói của tất cả các bên, dường như đã làm loãng ngôn ngữ đến mức có nguy cơ không giải quyết được các vấn đề cốt lõi mà hiệp ước toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa cần phải giải quyết.
Mặc dù cách tiếp cận này có thể đưa tất cả các bên liên quan đến một thỏa thuận, người ta sẽ phải đặt câu hỏi về giá trị của một thỏa thuận không giải quyết hiệu quả vấn đề cấp bách về ô nhiễm nhựa. Sau hai ngày loại trừ các nhà quan sát khỏi các cuộc đàm phán, những gì đã xuất hiện là một văn bản có vẻ không xứng đáng với thời gian, công sức và nguồn lực đã đổ vào quá trình này.

Các đại biểu tham dự Phiên họp thứ 5
Văn bản đã được phân tích sâu rộng, xem xét phần mở đầu và 13 điều quan trọng để đánh giá tham vọng và phạm vi của hiệp ước được đề xuất. Điều đáng buồn là, kết quả cho thấy một bức tranh thỏa hiệp hơn là sự thuyết phục, với những cơ hội quan trọng cho hành động có ý nghĩa bị hy sinh trên bàn đàm phán của sự đồng thuận.
Lời mở đầu trong văn bản đặt ra sắc thái bằng cách thay thế việc công nhận cụ thể những hoàn cảnh đặc biệt mà các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Các Quốc đảo Phát triển Nhỏ (SIDS) và Các Quốc gia Kém Phát triển Nhất (LDCs), bằng một tham chiếu chung về hoàn cảnh quốc gia. Sự thay đổi này làm giảm sự chú trọng đến công bằng và không tính đến tác động không cân xứng của ô nhiễm nhựa đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, từ đó giảm bớt sự hỗ trợ cần thiết cho những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Định nghĩa đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phạm vi và khả năng thực thi của bất kỳ hiệp ước nào, nhưng văn bản của Chủ tịch lại có “sự sai lệch đáng kể”. Mặc dù làm rõ các thuật ngữ như “các Bên”, “nhựa”, “sản phẩm nhựa” và “Tổ chức Tích hợp Kinh tế Khu vực”, nhưng lại không thể giải thích được khi bỏ qua các định nghĩa quan trọng về vòng đời, vi nhựa, nano nhựa, polyme nhựa nguyên sinh và tái chế. Việc không có các thuật ngữ này tạo ra lỗ hổng và sự mơ hồ, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức mới nổi như sự gia tăng của vi nhựa và nano nhựa.
Các quy định về sản phẩm và hóa chất có một số tiến triển khi đưa ra các tham chiếu đến nhựa dùng một lần và nhựa có tuổi thọ ngắn, trước đây không có. Phụ lục liệt kê các sản phẩm bị cấm báo hiệu một bước tiến tới hành động toàn cầu. Tuy nhiên, các tiêu chí pha loãng đối với quy định về sản phẩm, hiện phụ thuộc vào bằng chứng khoa học "đủ" để chứng minh mối đe dọa đối với sức khỏe hoặc môi trường, gây ra sự chậm trễ không cần thiết. Việc tập trung hẹp vào các hóa chất được sử dụng trong các ứng dụng tiếp xúc với thực phẩm, đồ chơi và sản phẩm dành cho trẻ em khiến các lĩnh vực khác không được giải quyết thỏa đáng, cản trở hành động toàn diện.
Điều khoản “Miễn trừ” vẫn là một lĩnh vực gây tranh cãi. Việc đưa ra danh sách miễn trừ công khai có vai trò thúc đẩy tính minh bạch, nhưng việc cho phép các Bên nộp đơn xin và gia hạn miễn trừ tạo ra cơ hội cho tình trạng không hành động. Nếu không có tiêu chí nghiêm ngặt để cấp hoặc gia hạn, hiệp ước có nguy cơ trở thành mảnh đất của những điều không nhất quán, làm suy yếu hiệu quả chung.
Trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, việc nhấn mạnh vào các hệ thống tái sử dụng không độc hại và giảm thiểu phát thải vi nhựa thông qua thiết kế tốt hơn là một sự bổ sung đáng hoan nghênh. Hướng dẫn cụ thể do Hội nghị các bên (CoP) xây dựng sẽ cung cấp sự linh hoạt để thực hiện. Tuy nhiên, việc không yêu cầu thiết kế lại sản phẩm mạnh mẽ hơn để loại bỏ nhựa có vấn đề cho thấy sự thiếu tham vọng trong lĩnh vực này.
Các điều khoản về cung ứng và sản xuất đưa ra báo cáo bắt buộc về dữ liệu thống kê, tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, ngôn ngữ đã bị làm loãng, với các thuật ngữ như “duy trì/quản lý” (manage/maintain) thay thế cho “giảm” (reduce), làm suy yếu đáng kể quyết tâm của hiệp ước trong việc hạn chế sản xuất nhựa. Sự chậm trễ trong việc quyết định định dạng báo cáo và phương pháp luận cho đến CoP đầu tiên, kết hợp với chu kỳ đánh giá năm năm không thường xuyên, phản ánh một cơ hội bị bỏ lỡ để giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang nhanh chóng.
Đồng thời, các điều khoản tài chính phụ thuộc rất nhiều vào Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và các công cụ kinh tế, để lại quá nhiều quyền tự quyết cho việc thực hiện của quốc gia mà không có các cam kết ràng buộc.
Các điều khoản liên quan đến quá trình chuyển đổi công bằng cũng chưa thể hiện sự giám sát rõ ràng. Việc không đề cập đến các quỹ chuyên dụng hoặc các phương thức cụ thể để hỗ trợ người lao động không chính thức và các cộng đồng bị ảnh hưởng có thể dẫn đến thiếu sự quan tâm đối với những bên liên quan quan trọng. Quá trình chuyển đổi sang các hệ thống bền vững cần phải công bằng, tuy nhiên, hiệp ước chưa đưa ra những cam kết rõ ràng để đảm bảo điều này.
Những bất cấp này cho thấy, việc đạt được một thỏa thuận chắc chắn là đích đến quan trọng, nhưng điều này không nên được đánh đổi bằng những hành động thiếu hiệu quả. Một hiệp ước không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm nhựa khó tránh khỏi chiếc nhãn “chiến thắng suông”.
(Văn bản được lược dịch nhằm giới thiệu quan điểm của các quốc gia. Nội dung này không phản ánh quan điểm của Việt Nam).
Nguồn: https://www.downtoearth.org.in/waste/inc-5-chairs-text-released-before-closing-plenary-risks-making-plastic-treaty-exercise-in-rhetoric-than-resolve