Sign In

Xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

22/01/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 21/01/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 510/VPCP-NN chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý II năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

Chính sách của UNEA đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương là cụ thể hóa và thúc đẩy các quốc gia, tổ chức thực hiện được mục tiêu 14.1 của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Trải qua 04 kỳ họp, ngay từ kỳ họp đầu tiên và mỗi kỳ họp sau này, UNEA đều có mục riêng hoặc những nghị quyết riêng về rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa.

Căn cứ vào các đề xuất của mỗi nước lên UNEA, hiện nay có hơn 80 nước nhất trí cần phải có một Thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Mục tiêu Thoả thuận cần hướng đến là: (i) Giảm thiểu toàn diện rác thải nhựa bằng cách can thiệp các biện pháp chính sách, kỹ thuật theo mỗi khâu trong vòng đời của nhựa, đồng thời có chế độ báo cáo chặt chẽ; (ii) Thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa một cách bền vững theo chuỗi giá trị của nhựa; (iii) Quản lý bền vững theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

Thỏa thuận toàn cầu do Hội đồng môi trường Liên hợp quốc khởi xướng sẽ đảm bảo cho việc thực hiện tốt hơn từ tất cả các quốc gia thành viên. Thỏa thuận nếu được thông qua sẽ đảm bảo rằng, đây không phải là gánh nặng đặt lên vai một số ít các nước phát thải lớn rác thải nhựa đại dương mà là trách nhiệm chung toàn cầu. Thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh và chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa biển từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới.

Xem chi tiết Công văn số 510/VPCP-NN tại đây.

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Đề xuất của Nhật Bản về các phương án tiềm năng cho các yếu tố hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về rác nhựa

Vào ngày 9 tháng 12 năm 2022, Thư ký điều hành của Ban thư ký ô nhiễm nhựa INC đã gửi thông báo mời các thành viên của Ủy ban và các bên liên quan gửi văn bản đệ trình.

Chùm ảnh Hội nghị tổng kết thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”

Nhằm tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án, Hội nghị tổng kết thường niên về thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được tổ chức để nghe đại diện các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Dự án báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các hoạt động, hợp phần của Dự án đến thời điểm hiện. Hội nghị được tổ chức vào ngày 25/11/2022 do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức.