Ngày 01/4, tại “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh’, nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Thông qua Hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Ký mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để nuôi biển Quảng Ninh có bước phát triển đột phá và bền vững.
Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Quảng Ninh là một trong 3 đầu tàu phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, liên thông, tổng thể đứng đầu khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng và toàn cầu như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử…, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, có nền tảng văn hóa lâu đời… Đó là những điều kiện để xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển, vận tải đa phương thức, trung tâm kinh tế biển.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc Hội nghị
Với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững dựa trên các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh, đặt người dân ở vị trí trung tâm, trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, năm 2023 đạt hơn 11%, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, quy mô kinh tế đứng thứ ba khu vực phía Bắc. Quảng Ninh còn giữ vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, 4 năm dẫn đầu các chỉ số cải cách hành chính, định hình thương hiệu Quảng Ninh là điểm đến đầu tư an toàn - thuận lợi - minh bạch - hấp dẫn và thành công.
Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là địa phương thành công trong chuyển đổi từ nâu sang xanh, đi đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn ngọt. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên 55%; là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc.
"Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá" - Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững…
Nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ. Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.
Tại hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong muốn nhận được ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tiếng nói của các doanh nhân, hợp tác xã, nhà đầu tư để kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh nói chung và nuôi biển nói riêng có bước phát triển đột phá và bền vững. Tỉnh Quảng Ninh luôn chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đầu tư vào nuôi biển.
Cũng tại Hội nghị, mượn ý nghĩa của vòng tròn thủy sản đồng tâm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn Quảng Ninh sẽ tiên phong trong sứ mệnh làm giàu từ biển bằng nuôi biển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức là cơ hội để các cơ quan quản lý, các chủ thể nuôi biển, cộng đồng ngồi cùng nhau để nhìn thẳng vào sự thật, những tồn tại, vướng mắc để từ đó bàn biện pháp, giải pháp tháo gỡ. “Nhưng, điều quan trọng, đó là sau Hội nghị này, rồi sao nữa?”. Đặt câu hỏi để dẫn giải câu trả lời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết tại Hội nghị: Bộ NN-PTNT sẽ ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ, không khuyến khích bà con nuôi biển khi trên biển còn quá nhiều các hàng rào; mong bà con hãy hết sức bình tĩnh để chúng ta cùng giải quyết từng phần; sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua.
Cùng các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu, để các sản phẩm thủy sản trở thành các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm…
Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.
Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương - cộng đồng doanh nghiệp - các Viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế; Tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển; người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện “thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó” và ngược lại.
Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Na Uy. Đại sứ cho biết, đây là lần thứ 2 bà tới Quảng Ninh trong 2 tuần vừa qua. Việc bà có thêm nhiều đối thoại về nuôi biển ở địa phương này là tín hiệu tích cực cho những hợp tác tương lai.
Theo bà Hilde Solbakken, Việt Nam và Na Uy đều là nước có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trong đó Na Uy là nước lớn thứ hai và Việt Nam là nước lớn thứ ba. Đại sứ Na Uy bày tỏ: “Điều quan trọng nhất là hai quốc gia đang tích cực trao đổi chứ không cạnh tranh thị trường, mang lại những cơ hội quý giá để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Hợp tác nuôi trồng thủy sản biển và hải sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy”.
Định hướng phát triển ngành thủy sản ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Na Uy. Khai thác tài nguyên biển bền vững là ưu tiên hàng đầu của nước bạn, nhấn mạnh việc khai thác có trách nhiệm. Ngành nuôi biển Na Uy nỗ lực đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng ven biển và an toàn môi trường biển.
“Tôi hy vọng những khía cạnh khác nhau về nuôi biển bền vững ở Na Uy sẽ truyền cảm hứng cho bạn bè Việt Nam tại Hội nghị. Sự trao đổi lâu dài giữa Việt Nam và Na Uy trong ngành nuôi trồng thủy sản biển - thông qua các dự án tài trợ, hội thảo tập huấn, tọa đàm và hội nghị như dịp này, sẽ khai phá tiềm năng nguồn lợi đại dương của hai nước” - bà Hilde Solbakken nói.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn (giữa) trao giấy phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển cho 6 đơn vị
Nhân dịp sự kiện hội nghị về vấn đề nuôi biển, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã tổ chức ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025 với 7 đơn vị.
Trong đó có 4 viện nghiên cứu gồm 3 viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản (Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Viện Hải sản) và 1 viện nghiên cứu ứng dụng (Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo MEKONG).
Ba doanh nghiệp gồm doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi biển (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung GROUP), doanh nghiệp lĩnh vực sơ chế, chế biến (Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam), doanh nghiệp nuôi biển (Công ty Cổ phần tập đoàn STP).
Ngay sau khi bản ghi nhớ được hoàn thành, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức trao giấy phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển cho một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.