Ngày 25/2/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2025/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Về trồng trọt và bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động trồng trọt; việc phát triển vùng cây trồng, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; sản xuất trồng trọt giảm phát thải, sản xuất tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện về cơ cấu cây trồng; canh tác, kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch; tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất trồng trọt hàng năm; ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; chỉ đạo, hướng dẫn về trồng trọt hữu cơ; về giống cây trồng nông nghiệp, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật...
Về chăn nuôi và thú y, xây dựng, trình Chính phủ ban hành danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu; thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi; quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y...
Về lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp; quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; bảo vệ các hệ sinh thái rừng, các loài sinh vật rừng; chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang mục đích khác theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về phòng cháy và chữa cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản kết hợp nuôi, trồng phát triển, thu hoạch lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu trong các loại rừng theo quy định của pháp luật...
Về thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy định quản lý về an toàn tàu cá, thông tin phòng tránh thiên tai cho ngư dân và tàu cá trên biển; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản; quy trình, kỹ thuật, mùa vụ nuôi trồng thủy sản; tổ chức thực hiện lưu giữ giống gốc, loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế...
Về thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác điều tra cơ bản về thủy lợi, tiêu và thoát nước (không bao gồm thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và khu công nghiệp); đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi, công trình nước sạch nông thôn; vận hành các hồ chứa thủy lợi, công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về quy trình kỹ thuật, chính sách tưới, tiêu; về quản lý tưới tiêu, quản lý khai thác công trình thủy lợi; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi...
Về đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra việc đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất; hướng dẫn, kiểm tra công tác thống kê, kiểm kê đất đai; tổ chức thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ; hướng dẫn, kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; hướng dẫn, kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất; công tác phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất...
Về tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông, nguồn nước theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước; lập, điều chỉnh các quy hoạch về tài nguyên nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và tố chức thực hiện; phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh theo thẩm quyền; chủ trì xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước theo quy định; chủ trì xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hoà, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, tích trữ nước, phục hôi nguôn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các hoạt động khác liên quan đến tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Về địa chất và khoáng sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; các quy hoạch về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản và phân công của Chính phủ; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép; tổ chức thực hiện đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thống kê, kiểm kê tài nguyên địa chất và trữ lượng khoáng sản; tổ chức kiểm tra việc tuân thủ nội dung giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép; kiểm soát hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản trên phạm vi cả nước.
Về môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; nội dung, tiêu chí về bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định của pháp luật; tổ chức xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn bộ, ngành, địa phương về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường; tổng hợp, đề xuất phân bố dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề xuất chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường, phát hành trái phiếu xanh và các công cụ kinh tế khác để huy động, sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật...
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tố chức lập, trình phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và đánh giá việc thực hiện quy hoạch bảo tôn đa dạng sinh học quốc gia theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập, quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chủ trì tổ chức lập dự án, trình phê duyệt thành lập, tổ chức quản lý sau khi được phê duyệt đối với khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng, khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên theo quy định của pháp luật; trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền danh mục và chế độ quản lý, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ; hướng dẫn quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đối gen và sản phẩm của sinh vật biến đồi gen; lập danh mục và hướng dẫn công tác ngăn ngừa loài ngoại lai xâm hại; hướng dẫn việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, thu thập, lưu trữ nguồn gen, bảo tồn quỹ gen theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn phân loại, quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên; công tác điều tra, đánh giá, lập, tổ chức thẩm định, ban hành danh mục, chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững, chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với các vùng đất ngập nước quan trọng; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiếp cận cảnh quan, xác lập, quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên quan trọng theo quy định của pháp luật;….
Về khí tượng thuỷ văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thuỷ văn; quản lý, hướng dẫn hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn của các công trình và các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng khác theo quy định của pháp luật; xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn quốc gia, quan trắc định vị sét, giám sát biến đổi khí hậu; tổ chức bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn quốc gia; quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn; truyền phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn; dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn quốc gia; xây dụng bộ chuẩn khí hậu quốc gia; ban hành, cung cấp, phát tin chính thức dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định; tổ chức thu thập và xử lý thông tin, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai; tiếp nhận thông tin phản hồi của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân về chế độ phát tin, chất lượng, độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai, việc sử dụng cấp độ rủi ro thiên tai trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ hằng năm theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước theo quy định; tố chức thẩm định các kịch bản cảnh báo sóng thần đối với Việt Nam theo quy định của pháp luật; thẩm định nội dung về khí tượng thuỷ văn trong quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án đầu tư xây dựng trọng điểm quốc gia và trong quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật;….
Về biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; thể chế hóa các cơ chế, chính sách, điều ước, sáng kiến quốc tế về biến đôi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh phù hợp với điều kiện và bảo đảm lợi ích quốc gia; tổ chức giám sát biến đổi khí hậu, đánh giá khí hậu quốc gia; xây dựng, cập nhật, công bô và hướng dân thực hiện kịch bản biên đôi khí hậu; hướng dân, giám sát đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; hướng dẫn lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch; hướng dẫn, thực hiện giám sát phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính; hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thấm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hướng dẫn việc quản lý, loại trừ, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hướng dẫn thực hiện hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng dẫn việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tố chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới; quản lý, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quản lý tín chỉ các-bon và cấp văn bản chấp thuận dự án, chuyển giao tín chỉ các-bon theo quy định phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng, cập nhật, tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đối khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, cập nhật, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo quy định của pháp luật, hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia, công trình hạ tầng đo đạc cơ bản, cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; ban hành danh mục địa danh thể hiện trên bản đồ; cung cấp sản phẩm đo đạc và bản đồ; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm nghiệm phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thẩm định về sự cần thiết, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ của nội dung đo đạc và bản đô trong các chương trình, dự án, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách trung ương do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện; thâm định dự án, nhiệm vụ đo đạc và bản đồ cơ bản do ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện; kiểm tra việc thực hiện nội dung hoạt động đo đạc bản đồ đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; kiểm tra việc xuất bản, phát hành bản đồ; đình chỉ việc phát hành và chỉ đạo thu hồi các xuất bản phẩm bản đồ trái quy định của pháp luật; thành lập, cập nhật, xuất bản và phát hành các sản phẩm bản đồ theo quy định của pháp luật;….
Về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy hoạch về biển và hải đảo; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, quản lý tài nguyên hải đảo; quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; hướng dẫn, chỉ đạo việc thiết lập và bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; xác định, điều chỉnh đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; đường ranh giới ngoài của các vùng biển theo quy định của pháp luật;….
Về viễn thám, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý, hướng dẫn hoạt động thu nhận dữ liệu viễn thám, vận hành, bảo trì, bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám; xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám thuộc phạm vi quản lý của bộ; tổng hợp nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu viễn thám của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo nhiệm vụ đột xuất được giao để xây dựng kế hoạch thu nhận dữ liệu viễn thám; hướng dẫn xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám; xây dựng, quản lý, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; tổng họp và công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; cung cấp sản phẩm viễn thám; quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc ứng dụng viễn thám trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo quy định;….
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đơn vị gồm:
1- Vụ Hợp tác quốc tế.
2- Vụ Kế hoạch - Tài chính.
3- Vụ Khoa học và Công nghệ.
4- Vụ Pháp chế.
5- Vụ Tổ chức cán bộ.
6- Văn phòng bộ.
7- Thanh tra bộ.
8- Cục Chuyển đổi số.
9- Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
10- Cục Chăn nuôi và Thú y.
11- Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
12- Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm.
13- Cục Quản lý và Xây dựng công trình thuỷ lợi.
14- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
15- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
16- Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
17- Cục Quản lý đất đai.
18- Cục Quản lý tài nguyên nước.
19- Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
20- Cục Môi trường.
21- Cục Biến đổi khí hậu.
22- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
23- Cục Khí tượng Thủy văn.
24- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
25- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
26- Cục Viễn thám quốc gia.
27- Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường.
28- Báo Nông nghiệp và Môi trường.
29- Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường.
30- Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Các đơn vị từ 1 đến 26 là các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ 27 đến 30 là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc bộ theo quy định.
Nghị định số 35/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025, thay thế Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nghị định số 105/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.