Chiều ngày 6 tháng 4 năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Inđonexia (CSEAS) và Viện Nghiên cứu nước Nauy (NAVI) và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo đối tác giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại thành phố Đà Nẵng. Mục đích của hội thảo bước đầu nhằm trao đổi, chia sẻ các thông tin về thực trạng ô nhiễm nhựa tại Đà nẵng và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại đây.
Tham dự hội thảo có Bà Grete Lochen, Đại sứ Nauy tại Việt Nam và Lào; Ông Nguyễn Quế Lâm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, lãnh đạo và chuyên gia của CSEAS, NAVI cùng các đối tác trong và ngoài nước.
Bà Grete Lochen, Đại sứ Nauy tại Việt Nam và Lào chia sẻ về dự án tại Hội thảo
Bà Đại sứ đã chia sẻ về dự án ASEANO do Nauy tài trợ dự kiến thực hiện tại Việt Nam. Đây là dự án tập trung vào vấn đề ô nhiễm nhựa và xả rác trên biển – một thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đại dương được coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác quốc tế của chính phủ Nauy và dành một khoản ngân sách là 180 triệu USD nhằm chống lại rác thải ở biển trong đó bao gồm hỗ trợ các quốc gia thành viên nhưa ASIAN thông qua ASEANO.
PTCT Nguyễn Quế Lâm phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng nhóm công tác ASEAN về Biển và Đới bờ cho biết, với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của kinh tế biển trên 65% GDP, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển xanh, trong đó, nhấn mạnh đến việc quản lý giảm thiểu rác thải nhựa. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 có mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đến 2025 và 75% đến năm 2030. Với vai trò cơ quan đầu mối quốc gia về tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong muốn được hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước xây dựng nội dung cụ thể, thiết thực gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật liên quan, thực hiện đánh giá thực trạng ô nhiễm nhựa, quan trắc vi nhựa, đánh giá ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và sức khỏe con người, nâng cao năng lực từ trung ương đến địa phương và đặc biệt điều phối các hoạt động để giúp chính phủ, địa phương đạt được mục tiêu đã đề ra.
Toàn cảnh hội thảo
Các báo cáo tại hội thảo tích cực chia sẻ nhiều hoạt động đã, đang và sẽ triển khai tại Đà Nẵng, với nhiều sáng kiến thú vị. Một số tổ chức đã thu được những kết quả cụ thể, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại đây như thu gom giảm thiểu ô nhiễm, sản phẩm tái chế có tính ứng dụng cao,…
Đại diện Viện Nghiên cứu nước Nauy (NIVA), Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Inđonexia (CSEAS) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) đồng kết luận rằng, để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và ảnh hưởng đến môi trường và con người ở cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu, cần nỗ lực hơn nữa từ các bên liên quan, trong đó vấn đề nâng cao năng lực có thể thực hiện thông qua chương trình đào tạo về phân tích vi nhựa, thiết kế quan trắc, … Đối phó với giảm thiểu ô nhiễm nhựa cần cách tiếp cận tổng thể và toàn diện. Các biện pháp áp dụng cần được dựa trên sự hiểu biết về các khía cạnh kinh tế-xã hội, động lực thúc đẩy, xây dựng được bản đồ ô nhiễm, xác định điểm nóng ô nhiễm cũng như giám sát sự phân bố rác trong môi trường. Hội thảo này một lần nữa khẳng định chúng ta cần sát cánh bên nhau mới thành công trong công tác bảo vệ đại dương xanh, sạch và đẹp.