Sign In

Hội thảo triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

16/04/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành của Trung ương và địa phương có biển; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cục, vụ, viện, văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

 
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chính của các nhiệm vụ lập quy hoạch này nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Thứ trưởng khẳng định, việc triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm triển khai các chính sách quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế. Đặc biệt là cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đồng thời, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với bảo vệ môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ rất khó và phức tạp, từ việc xác định phạm vi, nội dung, phương pháp thực hiện đến quá trình phối hợp với các cơ quan liên quan, trong khi đó kinh nghiệm lập quy hoạch liên quan đến biển ở nước ta còn hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo là đặc biệt cần thiết, nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các đề xuất cho quá trình lập quy hoạch biển của Việt Nam; cung cấp cơ sở cho việc xác định trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch, từ đó đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch chỉ đạo, phân công cho các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban, bộ và địa phương có biển phối hợp triển khai; và xác định một số định hướng ban đầu về quy hoạch phát triển của một số ngành kinh tế biển quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ trưởng mong muốn thông qua các trao đổi, thảo luận tích cực, trách nhiệm của các đại biểu tại Hội thảo sẽ làm sáng tỏ hơn về phạm vi, nội dung, phương pháp cũng như thành phần, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia lập quy hoạch; các giải pháp để thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như việc quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch sau này.

 
Tổng cục Trưởng Tạ Đình Thi trình bày tại Hội thảo

Tại Hội thảo, trình bày tóm tắt về các nhiệm vụ lập quy hoạch, phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch và sản phẩm của quy hoạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, mục đích chủ yếu của lập quy hoạch là nhằm: tăng nhu cầu sử dụng không gian biển; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng và giảm thiểu các xung đột không gian trong sử dụng đa ngành. Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch đa ngành; là phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; là định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển. Các quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái và trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định.

 
Ông Dinesh Aryal, điều phối viên Chương trình quản lý môi trường và kinh tế biển của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Cũng tại hội thảo, ông Dinesh Aryal, điều phối viên Chương trình quản lý môi trường và kinh tế biển của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, việc quản lý bền vững các khu vực biển và ven biển có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo tăng trưởng và việc làm. Nhiệm vụ lập quy hoạch cũng góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển, bảo tồn các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, chất lượng môi trường, duy trì khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Ông Dinesh và các Chuyên gia của WB đồng thời phát biểu khẳng định cam kết WB sẽ hợp tác lâu dài với Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững. 

 
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Chuyên gia Ngân hàng Thế giới chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lập quy hoạch không gia biển cùng các báo cáo tham luận của: Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, về “Định hướng quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo và sự tham gia của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của Tổng cục Du lịch”; Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng về “Thực trạng và định hướng quy hoạch phát triển các đô thị ven biển trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”; Viện Năng lượng, Bộ Công Thương về “Định hướng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo và sự tham gia của Bộ Công thương trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ sản về “Định hướng quy hoạch phát triển thuỷ sản và sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”; Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Chuyên đề về “Định hướng quy hoạch phát triển hàng hải và sự tham gia của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” cùng rất nhiều các ý kiến phát biểu, đóng góp ý thiết thực của các chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần làm rõ hơn về phạm vi, nội dung, phương pháp cũng như thành phần, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia lập quy hoạch. Đây là cơ sở quan trọng, là khởi đầu thuận lợi để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

Sau đây là một số hình ảnh các khác tại Hội Thảo:

 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì và Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

 
Bà Lệ Thu, Chuyên gia WB phát biểu khẳng định các cam kết hỗ trợ từ phía WB tại Hội thảo

 
Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Ý kiến

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển: tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biển, đảo

Trong năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký Kế hoạch và triển khai đầy đủ nội dung thực hiện đảm bảo các yêu cầu về nội dung theo Quy chế phối hợp hoạt động số 8403 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động và thu được nhiều kết quả thiết thực, quá trình thực hiện đã nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xây dựng, thực hiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và hoạt động kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo giữa 2 đơn vị.

Chính phủ công bố danh mục danh mục 34 cảng biển Việt Nam

Ngày 08 tháng 7 năm 2022, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành hành Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam.

Vùng 4 Hải quân: Nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

Những năm vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn phát huy nội lực làm tốt công tác huấn luyện làm chủ vững chắc vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nâng cao sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.