Nuôi trồng thủy sản biển – “Nuôi biển” không phải là khái niệm xa lạ trên thế giới, nhưng còn khá mới tại Việt Nam. Hướng đi này đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu khi nguồn thủy sản biển ngày càng suy giảm do khai thác quá mức.

Thực tế cho thấy, hoạt động này không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển nghề cá bền vững. Với hệ sinh thái đa dạng, Tập đoàn PAN thực hiện nghiên cứu về tiềm năng phát huy nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển nghề cá, bảo tồn đa dạng sinh học hài hòa với sứ mệnh phát triển bền vững “nâng tầm nền nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam”.
Nuôi biển (marine aquaculture, mariculture, seaculture) là hình thức nhân giống, nuôi trồng và thu hoạch các loài sinh vật biển (cá, nhuyễn thể, giáp xác, rong tảo biển…) trong môi trường nước mặn. Nuôi biển có thể được thực hiện ngoài đại dương (trong lồng bè ở dưới đáy biển, trên mặt biển, dưới bề mặt biển) hoặc ngay cả trên đất liền trong các hệ thống ao nuôi nước mặn nhân tạo.
Bức tranh về nghề cá bền vững trên toàn cầu
Theo báo cáo “Tình hình Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới 2020” của FAO (SOFIA 2020), “để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới trong tương lai, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là một trong những hoạt động quan trọng nhất nhằm cung cấp nguồn thực phẩm, dinh dưỡng, và việc làm cho người dân”.
Ngành nuôi trồng thủy sản đã tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng, trong khi hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản tự nhiên chững lại từ những năm 1990. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức vẫn còn diễn ra và tồn tại hàng loạt thách thức để đảm bảo tính bền vững của nghề cá tại một số khu vực.

Ước tính đến năm 2020, sản phẩm thủy sản nuôi trồng toàn cầu (nội thủy và nuôi biển) đạt 84,4 triệu tấn, đóng góp 48% vào tổng sản lượng thủy sản sản xuất trên thế giới, cao hơn so với mức đóng góp 14,6% trong giai đoạn 1986 – 1995. Trong đó, nuôi biển chiếm khoảng 17% tỷ trọng với sản lượng đạt hơn 30 triệu tấn (năm 2018).


Biểu đồ: Tăng trưởng vượt bậc của nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thế giới
Hiện nay, Châu Á là khu vực có quy mô nuôi biển lớn nhất thế giới với 81,6% tỷ trọng sản lượng nuôi biển toàn cầu, tương ứng với 25,1 triệu tấn thủy sản. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia nuôi biển lớn nhất thế giới với phát triển nuôi biển được coi là quốc sách, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế và chính trị. Một số quốc gia khác cũng đẩy mạnh lĩnh vực nuôi biển là Na Uy, Chi Lê, Mỹ…
Các quốc gia Châu Á với khu vực biển nhiệt đới có khả năng nuôi trồng đa dạng các loại sinh vật biển. Trong đó, nhuyễn thể là nhóm sản phẩm có quy mô sản lượng lớn nhất với 63% tỷ trọng; cá biển và giáp xác đóng góp khoảng 35% quy mô sản xuất. Tại vùng biển của Châu Mỹ và Châu Âu thích hợp với nuôi cá biển và giáp xác - loài có giá trị cao nhất trong các sản phẩm thủy sản. Bên cạnh các loài động vật biển, rong và tảo biển cũng là sản phẩm được nuôi trồng với sản lượng lớn trên thế giới.

“Đánh thức” tiềm năng của nuôi biển Việt Nam
Với vùng biển có đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có tính đa dạng sinh học cao, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Với điều kiện trình độ công nghệ hiện nay, các quốc gia trung bình có thể nuôi biển trên 0,1% diện tích EEZ; và mỗi km2 vùng đặc quyền kinh tế có thể nuôi được 9.900 - 12.000 tấn cá biển (theo FAO). Như vậy, Việt Nam chỉ cần 0,1% diện tích EEZ tức 1.000 km2, về nguyên tắc có thể tạo ra sản lượng cá biển nuôi là 9,9 - 12,0 triệu tấn, gần gấp đôi tổng sản lượng thủy sản hiện nay (kể cả nuôi trồng và khai thác). Đó là chưa kể các loại hải sản khác (nhuyễn thể, rong biển nuôi kết hợp với cá). Trong tương lai, với các công nghệ tiên tiến hơn, năng suất nuôi biển còn cao hơn nhiều”.
Mặt khác, theo Tổng cục Thủy sản , tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta đạt khoảng 500.000 ha (5.000 km2), trong đó, vùng bãi triều rộng 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha; và vùng biển xa bờ đạt gần 167.000 ha, còn lại là các hình thức nuôi khác. Việt Nam kỳ vọng trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 đạt hơn 1,45 triệu tấn sản lượng nuôi biển, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2,0 tỷ USD.
Nếu lấy dấu mốc từ năm 2010, nuôi biển tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể cả về diện tích và sản lượng, với mức tăng trưởng kép đạt lần lượt 23% và 16%/năm. Tính đến năm 2019, diện tích nuôi biển hiện đạt trên 256.000 ha; sản lượng đạt 598.800 tấn, tương ứng với một nửa tiềm năng có thể khai thác.
Biểu đồ: Nuôi biển Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng có thể khai thác

Nuôi biển đã và đang được phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang, Cà Mau… bởi cả doanh nghiệp và người dân địa phương, với các chủng loại như nhuyễn thể (ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương...); cá biển (cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng,...); giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...); rong tảo biển (rong câu, rong nho, rong sụn, vi tảo biển…), và các loài sinh vật thủy sinh khác.
Tuy nhiên, nghề nuôi biển nước ta hiện vẫn còn khá sơ khai. Cả nước có khoảng 50.000 hộ ngư dân nuôi hải sản ở vùng ven bờ, với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, chủ yếu nuôi lồng bè truyền thống gần bờ, sử dụng cá tạp làm thức ăn chăn nuôi, dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp và không bền vững. Bên cạnh đó, nhuyễn thể đang là sản phẩm chính trong cơ cấu sản lượng nuôi biển tại Việt Nam, với khoảng 90% tỷ trọng. Những loài có giá trị gia tăng cao hơn như cá biển, giáp xác, rong và tảo biển vẫn chưa được chú trọng khai thác và phát triển. Nhìn chung, tỷ trọng đóng góp của sản lượng thủy sản từ nuôi biển trong tổng sản lượng thủy sản của cả nước hiện khá khiêm tốn với chỉ 4%.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các tỉnh thành và doanh nghiệp đã dần nhận thấy tầm quan trọng và hướng đi chiến lược của hoạt động nuôi biển công nghệ cao theo hướng công nghiệp với mức đầu tư lớn cho cơ sở vật chất. Một số đơn vị đã đầu tư nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị cao như cá biển, giáp xác, rong biển, trai ngọc… tại các vùng biển xa bờ với công nghệ hiện đại thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết như: Công ty TNHH Thủy sản Australis (doanh nghiệp FDI của Mỹ tại Khánh Hòa), Công ty TNHH Trấn Phú (Phú Quốc, Kiên Giang), Công ty Maritec (ở Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Ngoài cá biển, nhiều dự án nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và rong biển cũng đã và đang được hình thành, như Đề án phát triển chuỗi giá trị nuôi và chế biến, xuất khẩu ngao ở Nam Định (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam), Trại nuôi hàu Thái Bình Dương ở Vân Đồn (Công ty Bavabi, Quảng Ninh), Dự án trang trại trồng rong trên vải và nhà máy chế biến tấm nori (Công ty TNHH Trí Tín, Khánh Hòa)…
Trao đổi với nhóm nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: “Vấn đề áp dụng công nghệ tiên tiến cho nuôi biển phải là vấn đề ưu tiên số 1 để phát triển bền vững. Giá trị của hải sản nuôi biển có thể lớn gấp nhiều lần so với thủy sản nước ngọt, chưa kể nhu cầu và mức độ chấp nhận của thị trường là rộng hơn nhiều. Phát triển nuôi biển còn có thể đem lại những tiềm năng lớn và hiệu quả để phát triển kinh tế biển nếu được kết hợp với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, điện gió – điện thủy triều, đóng tàu, hàng hải, khai khoáng biển…”.
Doanh nghiệp là “chủ thể” phát triển nuôi biển.

CEO Tập đoàn PAN Nguyễn Thị Trà My trong một buổi công tác tìm hiểu về mô hình nuôi biển hồi tháng 6.2021.
Dẫu vậy, chia sẻ về tầm nhìn dài hạn, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng nhận định, quá trình hình thành ngành nuôi biển công nghiệp ở Việt Nam chỉ mới ở điểm khởi đầu và phải đối diện với rất nhiều thách thức. Trong đó, về phía sản xuất, những thách thức lớn nhất cần đối mặt là lực lượng doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp còn quá mỏng, trình độ công nghệ còn lạc hậu; Thiếu nguồn lực về vốn và tiếp cận tín dụng với ngân hàng để đầu tư vào công nghệ tiên tiến để nuôi xa bờ; Thiếu nguồn lao động chuyên nghiệp, được đào tạo; Quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị (giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối…) chưa được xây dựng. Về phía quản lý Nhà nước cũng tồn tại những “điểm nghẽn”, trong đó lớn nhất là thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.
Để có thể tận dụng hết tiềm năng trong hoạt động nuôi biển tại Việt Nam, doanh nghiệp chính là “chủ thể” phát triển nuôi biển với ba yếu tố quan trọng nhất chính là “vốn, công nghệ, và thị trường”. Theo đó, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng trong các khâu (1) giống; (2) phương tiện nuôi biển – đảm bảo hoạt động ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; (3) thức ăn chăn nuôi; (4) thu hoạch. Trong đó, công nghệ và nhân lực sẽ là những yếu tố tiên quyết để có thể phát triển nuôi biển với mục tiêu “kép” về kinh tế và bảo vệ môi trường.