Công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, Chiến lược thủy sản sẽ được thực hiện hiệu quả góp phần giúp cộng đồng ven biển và ngư dân cải thiện sinh kế...
Đó là chia sẻ của PGS, TS. Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường về việc hợp nhất 2 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường với kỳ vọng tạo sự thống nhất trong quản lý và sử dụng hiệu quả không gian biển.

PGS. TS. Vũ Thanh Ca. Ảnh: Trường Giang
Thống nhất trong quản lý và sử dụng hiệu quả không gian biển
Ông đánh giá thế nào về việc hợp nhất giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong mục tiêu bền vững biển?
Tôi cho rằng, việc hợp nhất Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bởi từ trước tới nay, 2 ngành này có nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước còn chồng chéo, giao thoa.
Riêng về lĩnh vực biển, ví dụ, trước đây, ngành tài nguyên môi trường quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học biển, còn ngành nông nghiệp có nhiệm vụ quản lý các khu bảo tồn biển, trong khi đó, yêu cầu đặt ra là bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn chặt với khu bảo tồn biển.
Một trong những hoạt động thể hiện sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ đó là Bộ NN&PTNT được giao quản lý nghề cá (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản). Trong khi đó hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đều có ảnh hưởng, liên quan tới đa dạng sinh học biển là lĩnh vực giao cho Bộ TN&MT quản lý.
Một vấn đề khác, Bộ TN&MT có nhiệm vụ giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, trong khi đó Bộ NN&PTNT được giao khu vực biển để nuôi, trồng thủy sản.
Do đó việc hợp nhất 2 Bộ có ý nghĩa rất quan trọng tạo sự thống nhất trong quản lý và sử dụng hiệu quả không gian biển, góp phần phát triển KT-XH của đất nước, nâng cao đời sống của người dân.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ nguồn sống cho ngư dân
Việc hợp nhất này, theo ông sẽ mở ra cơ hội nào cho cộng đồng ven biển và ngư dân?
Thực tế là tại những khu vực có hoạt động du lịch phát triển thì đời sống của người dân ven biển tương đối tốt, nhưng tại những vùng thuần ngư, chưa xuất hiện dịch vụ du lịch thì cuộc sống của cộng đồng và ngư dân còn khó khăn.
Do đó, nếu chúng ta bảo tồn tốt đa dạng sinh học biển, bảo tồn tốt nguồn lợi cá biển thì chủ tàu và ngư dân có lợi, đảm bảo lợi ích lâu dài, bền vững. Song, thời gian qua, công tác bảo tồn còn hạn chế dẫn tới nguồn lợi thủy sản biển đang bị suy giảm cực kỳ nghiêm trọng dẫn tới nhiều tàu cá không thể đi biển vì chi phí xăng dầu, chi phí nhân công cao trong khi thu nhập từ nguồn cá tôm đánh bắt được lại thấp do sản lượng và chất lượng thấp.
Có một thực tế là trước đây chúng ta quy hoạch các đội tàu “hùng hậu” và khai thác quá mức. Nhiều chuyên gia ngành TN&MT đã cảnh báo nguồn lợi thủy sản đã suy giảm một cách cực kỳ nghiêm trọng cần phải thay đổi nhưng gần như sự cảnh báo đó chưa tác động nhiều.
Đặc biệt gần đây, đánh giá của Viện nghiên cứu hải sản và Viện Kinh tế thủy sản cho thấy nguồn lợi thủy sản của chúng ta bị khai thác quá mức cỡ khoảng 1,5 lần so với mức cho phép. Trên cơ sở các đề án, nghiên cứu khoa học, trước thực tiễn suy giảm nguồn lợi thủy sản biển và yêu cầu bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững, phát triển ngành thủy sản tới năm 2030, tầm nhìn 2045.
Vì vậy, theo tôi, việc hợp nhất 2 bộ thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường giúp gỡ một số rào cản trong chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng tốt hơn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển và nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, phát triển ngành thủy sản, góp phần quản lý tốt hơn nguồn lợi thủy sản biển – một trong những yếu tố giúp cộng đồng ven biển và ngư dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, đẩy nhanh hơn nữa công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng ven biển.
Việc hợp nhất cũng góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch không gian biển và quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, qua đó giúp chúng ta ta bố trí các khu dân cư, nguồn lực tại những vị trí nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của biển, thúc đẩy kinh tế khu vực ven biển phát triển.

Việc hợp nhất cũng góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch không gian biển và quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của biển, thúc đẩy kinh tế khu vực ven biển phát triển. Ảnh: minh họa
Dưới góc độ công tác tuyên truyền, Báo Nông nghiệp và Môi trường (trên cơ sở hợp nhất giữa báo TN&MT và Báo NN&PTNT) cần làm gì để tuyên truyền tốt hơn về nội dung này, thưa ông?
Tôi cho rằng, Báo Nông nghiệp và Môi trường cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật, nhất là về bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ví dụ trong Luật Thủy sản đã có quy định đánh bắt thủy sản phải có kích cỡ như thế nào; đánh bắt vào mùa nào… Tuy nhiên nỗ lực thực hiện việc này của cơ quan quản lý nhà nước hạn chế nhất định do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung này.
Một chi tiết tưởng nhỏ nhưng cần lưu ý đó là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ các loài chim nước (như cò, vác…) và một số loài tương tự. Trong quan niệm của ngư dân, thức ăn của các loài chim này là cá tôm nên việc chúng tồn tại có ảnh hưởng tới nguồn thủy sản. Tuy nhiên, trong hệ sinh thái, trừ những loài động vật nguy hiểm có tính hủy diệt môi trường còn thì sự xuất hiện của một loài nào đó đều nằm trong sự cân bằng sinh thái. Vì vậy, bảo vệ chim nước là để giữ cân bằng hệ sinh thái, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chọn lọc của tự nhiên làm cho hệ sinh thái biển khỏe hơn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền hạn chế việc đánh bắt thủy sản quá mức, chấm dứt ngay các phương pháp đánh bắt hủy diệt làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, làm chậm quá trình gỡ thẻ vàng IUU của ngành thủy sản trong hệ thống EC.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền làm rõ mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển cũng như các lĩnh vực phát triển bền vững kinh tế biển nhằm khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường thỏa mãn các nhu cầu của hiện đại nhưng không làm ảnh hưởng tới thế hệ tương lai.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần bám sát vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để phát huy sự phối hợp của các cơ quan trong Bộ cũng như các Bộ ngành liên quan và người dân để bảo tồn tốt nguồn lợi biển, không gian biển, cũng như bảo vệ tốt nhất nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển…
Xin cảm ơn ông!