Theo Bộ trưởng “Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, biển và hải đảo, nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái”.
Lễ phát động năm nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tháng Hành động vì Môi trường, hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới và Môi trường Thế giới 2024
Năm nay, ngày Môi trường Thế giới đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa".
Việt Nam, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình. Hiện tượng El Nino, triều cường, kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong luôn ở mức thấp đã nghiêm trọng hóa tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, trên một phần ba tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp.
Trước tình trạng đó, giống với nhiều quốc gia, Việt Nam đang thực hiện chiến lược tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển nhằm bảo đảm nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển của quốc gia.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, biển có nhiều không gian để phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” nhằm phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển; bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Việt Nam.
Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng với Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng Biểu trưng của ngành tài nguyên và môi trường cho đại diện Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỉnh Khánh Hoà, Tổ chức WWF tại Việt Nam
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hoá, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với ngành tài nguyên và môi trường, thời gian qua, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…
Các đại biểu tham dự Lễ phát động
Các quan điểm, định hướng quan trọng đã được thể chế hoá tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên nước năm 2023; Luật Đất đai năm 2024 và đang trình Quốc hội dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Bộ đã hoàn thành xây dựng, tham mưu để trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đó là: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch các lưu vực sông và nhiều Đề án quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các ban, bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên đất, phòng chống hạn hán, sa mạc hoá, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường biển. Theo đó, nhiều chương trình, chiến dịch trồng rừng, hồi sinh nguồn nước và phục hồi đất được triển khai mạnh mẽ, điển hình là thực hiện Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh. Bộ đã ký kết Chương trình, Kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như: Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam…để huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của các bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hướng, thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước và công tác đối ngoại.
Tại sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh Khánh Hòa rất vui mừng, vinh dự được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn là nơi tổ chức “Lễ Phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới, năm 2024”.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại buổi Lễ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên các chủ trương, giải pháp, kế hoạch bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đã được triển khai chủ động, kịp thời, đồng bộ, các vấn đề về môi trường cơ bản được giải quyết.
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hoà sẽ có những chỉ đạo cho các Sở, ban, ngành và đoàn thể theo Nghị quyết liên tịch và các Chương trình phối hợp để làm thay đổi đáng kể từ tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường trong cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vào việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào "Phụ nữ tham gia phân loại và xử lý rác tại nguồn", đồng thời thúc đẩy chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027" giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, hướng đến mục tiêu: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe con người; Tạo thói quen, tinh thần tự giác phân loại rác thải tại nguồn cho mỗi gia đình và cộng đồng.
Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết, để công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ Đại dương đúng hướng, đúng trọng tâm, hàng năm, Trung ương Hội NCT tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn truyền thông và bảo vệ môi trường cho cán bộ Hội NCT các cấp Hội. Sau tập huấn các bộ phận đã tuyên truyền vận động đến các hội viên về bảo vệ môi trường sâu rộng trong tất cả các cấp Hội NCT. Người cao tuổi luôn gương mẫu trong phong trào “Tuổi cao – Gương sáng” về bảo vệ môi trường tại cơ sở. Vận động con cháu tích cực thu gom rác thải, tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương xanh, sạch, đẹp.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam: sẽ không còn thời gian cho phép chúng ta chần chừ. Đó là cuộc chạy đua với thời gian, cần hành động ngay lập tức, với sự tham gia của toàn xã hội để giải quyết ba thách thức: Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường và Mất đa dạng sinh học.
Đến năm 2025 là tròn 30 năm WWF đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi lại các hệ sinh thái, môi trường sống tự nhiên cả trên đất liền và ngoài đại dương. Trong kế hoạch hành động, WWF-Việt Nam và các đối tác luôn ưu tiên cho việc truyền cảm hứng và kêu gọi cộng đồng hành động.
Có thể kể đến những nỗ lực đưa rùa biển quay trở lại bãi biển, nơi chúng được sinh ra, để làm tổ sau khoảng 30 năm. Thông tin gần đây về việc rùa mẹ quay lại bãi biển Nhơn Hải, Quy Nhơn, Bình Định, làm tổ và đẻ trứng, hay mô hình tái thả rùa con ở Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm với trứng rùa mang từ Côn Đảo được ấp nở thành công luôn đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng tiếp tục hành động.
Quang cảnh Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024
Theo Ông Văn Ngọc Thịnh, mới đây nhất, sau khi khảo sát, năm 2020, WWF đã phối hợp với chính quyền địa phương phát động sự kiện dọn bãi biển với sự tham gia của 300 tình nguyện viên gồm người dân sống quanh khu vực Hòn Yến, tỉnh Phú Yên và thanh thiếu niên Câu lạc bộ Phú Yên Xanh. Năm “suối rác” và 500m bờ biển Hòn Yến đã được làm sạch bàn giao cho khu dân cư tự quản lý và tiếp tục giữ gìn, duy trì đến nay.
Trùng hợp với lời kêu gọi “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, của Ngày Đại dương thế giới năm nay, trong giai đoạn 2024-2025 WWF-Việt Nam thực hiện ráo riết kế hoạch thông điệp về việc cần thiết và cách thức thiết lập các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác, gọi tắt là OECMs trong tất cả các đối tác có liên quan tại Việt Nam. Các hoạt động này đóng góp thiết thực vào việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Quốc gia về Đa dạng Sinh học và Hành động (NBSAP), và cam kết của quốc gia đối với Sáng kiến Toàn cầu 30x30 về bảo tồn đại dương, đóng góp vào Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2020.
Sáng kiến truyền thông trên nằm trong chương trình bảo tồn mới của WWF, Mekong in Balance, tập trung vào Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, được thực hiện xuyên suốt ở 5 quốc gia trong khu vực bao gồm Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.
Thông qua Lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi to lớn trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của các vùng, các địa phương cùng nhau phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần để Việt Nam phấn đấu hướng đến mục tiêu xây dựng tương lai bền vững “hài hòa với thiên nhiên”, đưa Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.