Chiều 19/02, Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Lê Công Thành, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Võ Văn Hưng; cùng Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội nghị được triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thành lập một số Bộ trên cơ sở tổ chức lại một số Bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ, ngày 18/2Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Tân Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo tới Hội nghị Công văn số 08/CV-BCĐ về việc Tổ chức triển khai các nhiệm vụ về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới kể từ ngày 01/3/2025, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Chỉ đạo) yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hai Bộ) tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ, cụ thể:
Về sắp xếp tổ chức bộ máy: Các đơn vị cần rà soát và hoàn thiện Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của mình; Các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị phải được rà soát để đảm bảo tính hợp lý, tránh trùng lặp và phù hợp với việc hợp nhất hai Bộ; Cơ cấu tổ chức của các đơn vị phải được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối không cần thiết.
Đối với công tác cán bộ: Cần thực hiện điều chuyển và bố trí lại công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ và yêu cầu công việc của đơn vị trong bộ máy mới; Phân công cán bộ lãnh đạo các đơn vị cần được thực hiện một cách minh bạch và có căn cứ rõ ràng, với tiêu chí đánh giá cụ thể; Thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là đối với những người có nguyện vọng nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác.
Đối với nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hai Bộ: nhiệm vụ này sẽ được rà soát, sắp xếp lại để tránh trùng lặp và đảm bảo hiệu quả công tác; Những đơn vị có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp sẽ được sáp nhập hoặc tổ chức lại để nâng cao tính tự chủ và hiệu quả hoạt động.
Về công tác Đảng và chính trị: Ban Chỉ đạo đề nghị cần chuẩn bị các văn bản, quy chế làm việc của Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thực hiện các bước kiện toàn công tác Đảng trong bộ máy mới, bao gồm việc phân công nhiệm vụ cho các cán bộ trong Đảng ủy Bộ, bổ sung thành viên Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra.
Trong công tác pháp chế và pháp lý: Đảm bảo việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp lý thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cập nhật và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để hỗ trợ việc thực thi công tác tổ chức bộ máy trong thực tế.
Đối với nhiệm vụ quản lý tài chính và tài sản: Các đơn vị sẽ phải rà soát và đề xuất giải pháp đối với việc xử lý tài chính, tài sản công trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Về tổ chức hành chính, văn phòng: Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về con dấu, hệ thống quản lý văn bản, và các hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho bộ máy mới; Các thủ tục hành chính cần được hoàn thiện để không gây ảnh hưởng đến công tác quản lý và hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo nêu rõ, để đảm bảo kế hoạch thực hiện thành công, việc hợp nhất hai Bộ không chỉ là quá trình sắp xếp lại bộ máy mà còn đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp lãnh đạo, đơn vị chức năng và các cán bộ, công chức trong quá trình triển khai. Cả hai Bộ sẽ cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, hoàn thành đúng thời gian, đồng thời không để gián đoạn các công tác chuyên môn của Bộ và các đơn vị trực thuộc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, một trong những thành quả quan trọng đầu tiên của Ban Chỉ đạo là việc Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tiếp nhận thêm nhiệm vụ giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chỉ còn 10 ngày nữa sẽ chính thức chuyển tiếp từ mô hình cũ sang mô hình mới - Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan, đơn vị của 2 bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời các công việc để Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/3 tới.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, việc hợp nhất này không chỉ đơn giản là một sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả công việc của cả hai Bộ. Việc hợp nhất sẽ giúp nâng cao tính hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp, từ bảo vệ tài nguyên đất, nước cho đến kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo Bộ yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Văn phòng Đảng ủy Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ nhằm ra quyết định thành lập Đảng bộ Bộ và chỉ định các chức danh trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra của Đảng bộ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, hiện nay, hồ sơ trình đã đủ điều kiện để Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ xem xét quyết định thành lập Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Các phương án tổ chức và chỉ định đã đảm bảo tuân thủ các quy định của Trung ương, đặc biệt trong bối cảnh các bộ và tổ chức đảng đang trong quá trình hợp nhất.
Ngoài ra, Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ sớm thông qua quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, quyết định phân công nhiệm vụ đối với các ủy viên trong bộ máy đảng. Dự kiến, Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ họp phiên đầu tiên vào khoảng ngày 22 - 23 tháng 02 năm 2025 để triển khai công tác cán bộ và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp và ngành môi trường như "một của hai", "hai trong một" và còn quá nhiều dư địa để phát triển. Theo ông, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, không giữ gìn tài nguyên, thì chính nền nông nghiệp của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp không chỉ là một ngành phụ thuộc vào môi trường, mà nếu biết cách, chính nông nghiệp có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất.
"Chúng ta không thể chọn giữa nông nghiệp phát triển hay bảo vệ môi trường, vì đó không phải là hai lựa chọn tách biệt. Chúng ta cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy "tận dụng tài nguyên" sang tư duy "hài hòa với thiên nhiên". Chúng ta cần chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thay đổi cách tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nơi giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái bền vững.
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Đề án hợp nhất hai Bộ đã đánh giá cao công tác chuẩn bị và triển khai của các đơn vị. Các lãnh đạo Bộ, cùng các cơ quan, đơn vị, đã chủ động và khẩn trương thực hiện một khối lượng công việc lớn để xây dựng Đề án hợp nhất với chất lượng cao, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, Đề án hợp nhất của hai Bộ đã được Ban Chỉ đạo Chính phủ đánh giá cao về tính chủ động, kỹ lưỡng và bài bản.
Ban Chỉ đạo cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Nông nghiệp và Môi trường phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, để nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy ngay từ những ngày đầu thành lập, phấn đấu duy trì đà phát triển và tăng trưởng vững chắc và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Theo dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có vị trí, chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước với 45 chức năng, nhiệm vụ về các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Về cơ cấu tổ chức, sẽ có 30 đầu mối trực thuộc (giảm 25 đầu mối, tương đương hơn 45%) cụ thể: (1) Vụ Hợp tác quốc tế; (2) Vụ Kế hoạch - Tài chính; (3) Vụ Khoa học và Công nghệ; (4) Vụ Pháp chế; (5) Vụ Tổ chức cán bộ; (6) Văn phòng Bộ; (7) Thanh tra Bộ; (8) Cục Chuyển đổi số; (9) Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; (10) Cục Chăn nuôi và Thú y; (11) Cục Thủy sản và Kiểm ngư; (12) Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; (13) Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi; (14) Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; (15) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; (16) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; (17) Cục Quản lý đất đai; (18) Cục Quản lý tài nguyên nước; (19) Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; (20) Cục Môi trường; (21) Cục Biến đổi khí hậu; (22) Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; (23) Cục Khí tượng Thủy văn; (24) Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; (25) Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; (26) Cục Viễn thám quốc gia; (27) Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường; (28) Báo Nông nghiệp và Môi trường; (29) Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường; (30) Trung tâm Khuyến nông quốc gia.