Những chính sách hỗ trợ khai thác thuỷ sản được ví như “chiếc phao” cùng ngư dân vượt trùng khơi ra biển cả. Không chỉ hỗ trợ thêm điều kiện để phát triển khai thác thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững hơn mà những chính sách ấy còn mang lại niềm tin vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng khẳng định: "Nghị định số 67/2014/NÐ-CP là chính sách lớn nhất, đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố khách quan như thời tiết, ngư trường, thủ tục thì một số bất cập trong các chính sách đã qua khiến ngư dân khó tiếp cận và nếu có thì quá trình tiếp cận gặp không ít khó khăn, đi vào hoạt động kém hiệu quả".
"Tôi nghĩ, để chính sách thật sự phát huy hiệu quả, ngư dân thụ hưởng, điều đầu tiên khi ban hành chính sách phải sát với thực tế từng vùng miền, địa phương. Khi tiếp cận chính sách, quan trọng hơn hết là sự chỉ đạo kỳ quyết của người đứng đầu, từ đó, khi ngư dân gặp khó phải kịp thời tháo gỡ", ông Bằng chia sẻ.
Sở NN&PTNT cũng đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện chính sách NN&PTNT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo thống kê, đã có 23 văn bản, chính sách của Trung ương, 10 văn bản của tỉnh về lĩnh vực NN&PTNT được ban hành. Qua đó, rà soát, đôn đốc, quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách trên lĩnh vực khai thác thuỷ sản nói riêng, lĩnh vực NN&PTNT nói chung.
Ðể chính sách đi vào thực tiễn, phải phát triển đồng bộ hạ tầng khai thác thuỷ sản, cần đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão để đáp ứng việc tàu cá phát triển về số lượng, kích thước và công suất tàu lớn như hiện nay; cần mở thêm những lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới; quan tâm hỗ trợ kỹ thuật khai thác hải sản, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau khai thác. Trang bị cho ngư dân kiến thức, kỹ năng sử dụng, vận hành tàu vỏ thép, hiện đại để phát huy tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị hiện đại trên tàu trong quá trình khai thác hải sản.
Ngư dân khai thác biển rất cần được hỗ trợ để họ yên tâm vươn khơi, bám biển
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công cho rằng: "Cửa biển Sông Ðốc không chỉ là cửa biển sầm uất của tỉnh mà còn chiếm ưu thế trong khu vực ÐBSCL. Thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai, quán triệt nội dung các chính sách, hướng dẫn đến chủ tàu, ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thụ hưởng chính sách. Trong đó, riêng Nghị định 67, đóng mới 26 tàu, hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo, chi phí vận chuyển với tổng kinh phí trên 283 tỷ đồng. Nhìn chung, chính sách đã tạo thêm sự phấn khởi cho ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, thời tiết trên biển diễn biến bất thường, nguồn lợi thuỷ hải sản cạn kiệt dần cùng với dịch Covid-19 kéo dài làm giá thành sản phẩm thuỷ hải sản sụt giảm mà giá nguyên, nhiên liệu cho chuyến biển lại tăng nên lợi nhuận thu về của tàu khai thác chưa cao, thậm chí thua lỗ sau mỗi chuyến biển.
"Trước tình hình trên, UBND huyện Trần Văn Thời kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét gia hạn thời gian trả nợ đối với các chủ tàu được hỗ trợ từ Nghị định 67 nhưng khai thác kém hiệu quả do các nguyên nhân khách quan, để họ có điều kiện tiếp tục bám biển vươn khơi, vừa cải thiện cuộc sống, vừa giữ vững chủ quyền biển đảo. Ðồng thời, hạn chế những thủ tục rườm rà, chuẩn hoá thủ tục của các chính sách để ngư dân dễ dàng tiếp cận", ông Trần Tấn Công kiến nghị.
Giám đốc Ngân hàng Agribank, chi nhánh Cà Mau Nguyễn Phú Hải cho biết: "Kể từ khi thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP, Agribank chi nhánh Cà Mau đã ký hợp đồng tín dụng với 9 khách hàng, tổng doanh số cho vay gần 100 tỷ đồng. Trong đó, 4 tàu dịch vụ hậu cần, 5 tàu khai thác thuỷ hải sản xa bờ (6 tàu vỏ thép, 3 tàu gỗ). Tổng doanh số thu nợ từ đầu chương trình đến nay trên 11,7 tỷ đồng; dư nợ đến thời điểm hiện tại hơn 87,6 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 35,6 tỷ đồng. Hiện tại, việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn do một số khách hàng không có ý thức trả nợ; tài sản thế chấp bị suy giảm giá trị; khách hàng không có nguồn thu khác để trả nợ, nên chúng tôi đã khởi kiện 3 khách hàng đến Toà án Nhân dân theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ vay với số dư nợ 37,720 tỷ đồng. Ðể tháo gỡ khó khăn cho đôi bên, thời gian tới, Agribank Cà Mau ngoài bám sát tình hình hoạt động của khách hàng, thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ gốc, nợ lãi sẽ thực hiện chuyển đổi chủ tàu khi khách hàng có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ðồng thời, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trả nợ như cơ cấu nợ vay; miễn, giảm lãi theo quy định".
Cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, cũng là một trong những cửa biển khá sầm uất của tỉnh, chỉ đứng sau cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn thời. Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh thông tin: "Khánh Hội hiện có 889 tàu cá đăng ký tham gia các hoạt động khai thác thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, với 3.835 thuyền viên. Trong đó, 232 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên với 1.317 thuyền viên".
Nghề khai thác thuỷ, hải sản tạo việc làm cho nhiều phụ nữ miền biển
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ ban hành khoảng 5 chính sách lớn nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, đến nay huyện U Minh chỉ triển khai được chính sách hỗ trợ vay vốn đóng mới 1 tàu dịch vụ hậu cần với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 919 người, với tổng số tiền 103,8 triệu đồng; hỗ trợ chi phí vận chuyển cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 103 chuyến biển với số tiền 4,320 tỷ đồng.
Theo đó, trên địa bàn huyện đã được đầu tư khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão với sức chứa trên 700 tàu. Bến cá xã Khánh Hội cũng đang trong quá trình xây dựng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
"Những chính sách hỗ trợ về khai thác thuỷ sản thời gian qua đã triển khai thực hiện và đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần kịp thời tháo gỡ. Do vậy, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo rà soát, kịp thời nắm những khó khăn, vướng mắc của các chính sách, cũng như những khó khăn của ngư dân để báo cáo các ngành chức năng tìm giải pháp căn cơ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra", ông Lê Hồng Thịnh cho biết./.