Ngày 11/12, tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và Úc (Knowledge exchange on offshore wind development between Vietnam and Australia). Đồng chủ trì hội thảo gồm có: Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 11-12/12 theo hình thức trực tiếp kết hợp hợp trực tuyến. Tham dự Hội thảo gồm có: đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước, Cơ quan Khoa học Địa chất và các cơ quan của Úc; đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế; đại diện một số địa phương có biển; một số Viện, Trường, chuyên gia, nhà khoa học; một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Đồng chủ trì Hội thảo: Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn; Bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu
Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, đây là Hội thảo quốc tế quan trọng diễn ra ngày trước thời điểm tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, cùng với bối cảnh chung của thế giới về nhu cầu về năng lượng, Úc và Việt Nam là hai quốc gia biển có tiềm năng nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi. Việt Nam được thiên nhiên trao tặng một đường bờ biển dài và điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Úc cũng có tiềm năng điện gió tương tự và đã thực hiện các bước đi để hỗ trợ việc phát triển và quản lý ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt - Úc (EEES) 2021 nêu rõ năng lượng là một lĩnh vực tiềm năng, có khả năng đóng góp rất lớn vào việc mục tiêu hợp tác đầu tư và thương mại, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Kế hoạch thực hiện EEES bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, Việt Nam và Úc đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vào tháng 3 năm 2024, trong đó xác định năng lượng là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai quốc gia.
Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Chiến lược và Quy hoạch nêu trên đều nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu Khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Đức Toàn, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng của điện gió, chúng ta cần giải quyết nhiều thách thức, từ cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, công nghệ, đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và Úc là một trong các hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời tạo cơ hội để cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam và Úc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
“Tôi hy vọng rằng những kết quả quan trọng tại Hội nghị này sẽ góp phần tăng cường sự kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa hai quốc gia để cùng chung tay, góp sức phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ đại dương, bảo vệ tương lai của toàn nhân loại” – Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn nói.
Bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết Úc, giống như Việt Nam, đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Và năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng trong tương lai của Australia, và chúng ta cần tận dụng gió ngoài khơi như một nguồn tài nguyên biển quan trọng.
Chúng tôi khen ngợi quy hoạch không gian biển của Việt Nam là một phần quan trọng trong những nỗ lực này. Với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi này và đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Chính phủ Úc đang thực hiện điều này thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó có Sáng kiến Tài nguyên Biển.
Đây là chương trình trị giá 42 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước Đông Nam Á vượt qua những thách thức trong quản lý bền vững tài nguyên biển. Hội thảo hôm nay như một nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong việc phát triển ngành công nghiệp gió ngoài khơi và đảm bảo rằng người Úc có thể tiếp cận với năng lượng đáng tin cậy, an toàn và giá cả phải chăng.
Chúng tôi thấy rằng, kinh nghiệm của chúng tôi phù hợp với Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ thông qua trao đổi giữa các chính phủ, khóa đào tạo và hội tho kỹ thuật – giống như những gì chúng tôi đang tổ chức ngày nay. Tôi hy vọng, thông qua hội thảo này, sẽ mở ra một loạt các trao đổi giữa Chính phủ hai nước về phát triển điện gió ngoài khơi.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu khẳng định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh chóng và phức tạp, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Theo ông Lữ Thanh Tùng, điện gió ngoài khơi không chỉ là một trong những giải pháp quan trọng, mà còn được coi là mũi nhọn trong chiến lược phát triển năng lượng sạch và bền vững, là một trong 05 trụ cột ưu tiên phát triển của tỉnh Bạc Liêu, trong đó bao gồm: (1) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) phát triển năng lượng sạch; (3) du lịch; (4) giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) phát triển kinh tế biển).
Tỉnh Bạc Liêu, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự án điện gió Bạc Liêu – dự án điện gió trên biển đầu tiên của cả nước – đã khẳng định tiềm năng lớn của tỉnh và mở ra cơ hội cho việc mở rộng lĩnh vực này không chỉ ở quy mô tỉnh, mà còn trên cả nước. Đến nay, đã có Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất 469,2 MW. Hai dự án khác đang trong quá trình xây dựng, nâng tổng công suất dự kiến lên 660,2 MW, trong đó có 04 Nhà máy đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao khu vực biển. Điện gió đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực. Riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo đã thu hút hơn 81.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, trong quá trình phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu cũng gặp không ít những khó khăn thách thức như: Điều kiện thi công khó khăn do gió lớn và sóng mạnh, đặc biệt trong các dự án trên biển. Cơ chế giá điện thay đổi, giá FIT cũ bị thay thế bằng khung giá mới thấp hơn, làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án đang tiếp tục kiến nghị chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ cơ chế giá điện hợp lý hơn và đầu tư đồng bộ hạ tầng như lưới truyền tải để khắc phục các khó khăn này.
Chính vì vậy, tại Hội thảo này, ông Lữ Thanh Tùng cũng kỳ vọng sẽ nhận được những chia sẻ thiết thực từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách về: Các kinh nghiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới và Việt Nam, cụ thể là tại tỉnh Bạc Liêu; Giải pháp giải quyết các khó khăn, thách thức về mặt công nghệ, tài chính và quản lý; Đề xuất chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển ngành điện gió ngoài khơi bền vững.
“Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, chúng ta cần tiếp cận các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng. Hội thảo hôm nay là cơ hội quý báu để chúng ta cùng trao đổi, học hỏi và cùng nhau xây dựng một lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam” – Ông Lữ Thanh Tùng nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liệu cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hiện diện của những chuyên gia đầu ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, và sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, sự thành công của Hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thông qua Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tập trung vào một số nội dung: (1). Trao đổi các thông tin về chiến lược, chính sách, khung pháp lý và hiện trạng phát triển điện gió ngoài khơi tại Úc và Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, cơ hội, thách thức và giải pháp tiềm năng trong quá trình thiết lập ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi (2). Trao đổi, tìm hiểu về yêu cầu ưu tiên của các cơ quan Việt Nam trong xây dựng các cơ chế, khung pháp lý hỗ trợ phát triện điện gió ngoài khơi của Việt Nam (3). Xác định các cơ hội hợp tác hoặc hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi và các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.