Sign In

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"

16:47 07/05/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Kính thưa các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!

Thưa quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài!

Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào của cả nước, tại thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".

Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Nhân buổi Lễ long trọng này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc Lễ kỷ niệm của chúng ta thành công tốt đẹp!

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau 70 năm ngày Chiến thắng, chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi khi còn đó nhiều liệt sĩ chưa xác định được đủ thông tin; nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường; máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa quện vào lòng đất Điện Biên - Tây Bắc, để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do và Nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung của dân tộc, chúng ta chân thành biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu Ba nước Đông Dương đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam nói chung.

Thưa các vị khách quý và đồng bào, chiến sĩ cả nước!

Thừa hưởng những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và niềm vui độc lập chưa lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, với tinh thần "Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhất tề đứng lên kháng chiến và lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã đánh giá tình hình và quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên các mặt trận, phối hợp chặt chẽ trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương với phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt"; dẫn đến sự đảo lộn của Kế hoạch Na-va, buộc địch bị động chống đỡ và ngày càng lún sâu vào thất bại trên khắp các chiến trường. Trước sự tăng cường hoạt động của ta trên hướng Tây Bắc và các chiến trường khác, địch vội cho quân đánh chiếm Điện Biên Phủ với âm mưu biến nơi đây thành "một tập đoàn cứ điểm mạnh", "một pháo đài khổng lồ không thể công phá".

Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước  đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được". Điện Biên Phủ đã trở thành "điểm quyết chiến chiến lược" giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".

Ý kiến

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ giao khu vực biển

Ngày 10 tháng 02 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/NĐ-CP quy định về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Cung cấp dữ liệu để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được quy định như thế nào?

Cung cấp dữ liệu để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được quy định như thế nào?

Ngày 28 tháng 12 năm 2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.