Ngày 20/02, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BTNMT quy định chi tiết phạm vi điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư quy định chi tiết phạm vi điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm phạm vi về: nội dung và mức độ điều tra; không gian điều tra; kết quả điều tra.
Tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới quy định tại Thông tư này bao gồm: tài nguyên điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt; tài nguyên điện sóng biển, điện thủy triều; tài nguyên điện từ chất thải rắn sinh hoạt và đô thị, chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh; tài nguyên điện từ sinh khối; tài nguyên thủy điện.
Phạm vi điều tra cơ bản về tài nguyên thủy điện; tài nguyên điện sóng biển, điện thủy triều và các dạng tài nguyên điện khác từ năng lượng đại dương thực hiện theo quy định tại Thông tư này và pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Nguyên tắc xác định phạm vi điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Thông tư quy định thứ nhất, điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu, khảo sát, đo đạc, phân tích, đánh giá về tài nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh của Thông tư này nhằm cung cấp thông tin, số liệu về hiện trạng, đặc điểm và đánh giá tiềm năng của tài nguyên phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ưu tiên thực hiện tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nơi đang thiếu nguồn cung điện; nơi sẵn có hệ thống lưới điện nhằm phát huy lợi thế tự nhiên, hạ tầng lưới điện, chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng các-bon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển hệ thống điện bền vững.
Thứ ba, việc điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện; bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng quốc gia; khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bền vững.
Thứ tư, căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện, tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Điện lực triển khai thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc phạm vi quản lý.
Yêu cầu chung đối với hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
Hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được thực hiện thông qua các đề án, chương trình, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, giao triển khai thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới quyết định, phê duyệt các nội dung, hoạt động cần thực hiện (thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu; khảo sát, đo đạc bổ sung; mức độ phân tích, đánh giá; nội dung, tỷ lệ bản đồ,...) để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh.
Thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu hiện có về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới từ các nguồn chính thống được thừa nhận, bảo đảm độ tin cậy, chính xác, cập nhật; sử dụng các thiết bị, phương tiện quan trắc, đo lường, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khảo sát, đo đạc trực tiếp tại hiện trường, phân tích, đánh giá tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu; khảo sát, đo đạc, phân tích, đánh giá về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ và văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Phân bố tiềm năng tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được thể hiện trên nền bản đồ địa hình do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản với tỷ lệ thích hợp, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh; nội dung thể hiện các vùng có tiềm năng tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới theo 03 (ba) mức: thấp, trung bình, cao.
Kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải được đánh giá chất lượng, nghiệm thu; thông tin, số liệu, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải được rà soát, xử lý, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và giao nộp về cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp thông tin, dữ liệu trên toàn quốc.
Kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật Điện lực. Khuyến khích, huy động nguồn tài chính hợp pháp và đóng góp về khoa học, kỹ thuật của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Thông tư quy định cụ thể phạm vi điều tra cơ bản: tài nguyên điện mặt trời; tài nguyên điện gió; tài nguyên điện địa nhiệt; tài nguyên điện sóng biển; tài nguyên điện thủy triều; tài nguyên điện từ chất thải rắn sinh hoạt và đô thị, chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh; tài nguyên điện từ sinh khối; tài nguyên thủy điện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2025.