Ngày 18/4, Cục Khí tượng thủy văn phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam.
Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện, cập nhật và có độ phân giải cao về tiềm năng tài nguyên gió biển của Việt Nam - một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực.
Mục tiêu chính của báo cáo là xây dựng một bộ dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ về khí hậu gió biển Việt Nam trong 30 năm (1991 - 2020), phục vụ cho việc xác định tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi tại các vùng biển ven bờ (tới 6 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Lễ công bố Báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net Zero tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Nguồn năng lượng này sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Tuy nhiên, các thiên tai có nguồn gốc từ biển cũng hoạt động hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tính ổn định của việc vận hành và khai thác nguồn năng năng lượng tái tạo này. Chính vì vậy, việc đánh giá khách quan tiềm năng năng lượng gió biển, có xét đến tác động, rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên cần thiết và có ý nghĩa.
Báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.
Theo báo cáo, mật độ năng lượng gió trung bình năm ở trung tâm Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu mô phỏng bởi WRF-3 km là 500 - 900 W/m2 và 400 - 600 W/m2 ở độ cao 100m, trong khi kết quả do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là 500 - 700 W/m2 và 300 - 500 W/m2 tương ứng.
Về tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (toàn vùng đặc quyền kinh tế - EEZ), báo cáo ước tính tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác 1068 GW (tính ở độ cao 100m), trong đó công suất vùng biển phía Bắc khoảng 174 GW, phía Nam khoảng 894 GW.
Về tiềm năng ven bờ (đến 6 hải lý), tổng công suất kỹ thuật là 57,8 GW, trong đó có một số tỉnh có tiềm năng ven bờ nổi bật là khu vực Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tổng tiềm năng ven bờ (trên 16 GW).
Khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận có tổng cộng trên 24 GW, tập trung tại vùng ven các huyện Ninh Phước, Tuy Phong; Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có tiềm năng nhỏ hơn nhưng ổn định về tốc độ gió vào mùa đông;
Riêng đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạt 0,17 GW, chủ yếu do vùng nước cạn, quy hoạch hạn chế và giao cắt vùng bảo tồn.
Theo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, báo cáo tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi chưa phải là thông tin cuối cùng để xác định khu vực đầu tư. Cục hiện đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện điều tra, khảo sát, xác định các khu vực biển có tiềm năng ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi. Trước mắt sẽ khảo sát tại khu vực biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau.
Trên cơ sở dữ liệu tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi Việt Nam, sau khi khảo sát, cơ quan quản lý sẽ xác định các vấn đề chồng lấn không gian biển - bao gồm hệ thống cáp quang, khu vực tiềm năng dầu khí, ngư trường khai thác hải sản, luồng di cư của cá và chim biển… Một phần không thể thiếu là đánh giá điều kiện địa chất, thủy văn, động lực học ven biển... để phân định rõ khu vực phù hợp phát triển điện gió móng cố định hay móng nổi. Từ đó mới có thể xây dựng bản đồ điện gió “sạch”, chỉ ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Kết quả cuối cùng sẽ được tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia, làm cơ sở để các tổ chức, doanh nghiệp triển khai bước tiếp theo như khảo sát chi tiết, đánh giá tác động và xác định tổng mức đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi.