Sign In

Đà Nẵng: Khai thác tài nguyên biển phục vụ tăng trưởng xanh

08:41 10/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Những năm qua, Đà Nẵng đã và đang tập trung khai thác hiệu quả tài nguyên biển gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển biển bền vững, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh trong dài hạn.

Đà Nẵng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Thành phố có 6/8 quận, huyện tiếp giáp với biển với hơn 92 km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển.

Với hơn 30 km đường bờ biển, Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp. Dải các bãi biển đẹp, có điều kiện lý tưởng từ Liên Chiểu đến Non Nước (Nam Ô, Xuân Thiều, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê...).

Đáng chú ý, vùng biển Đà Nẵng là nơi thích hợp cho sinh vật phù du, cá, tôm, san hô… phát triển, đem lại nguồn lợi hải sản lớn cho thành phố. Sinh vật biển Đà Nẵng rất đa dạng, với hơn 266 loài có giá trị kinh tế cao, riêng về cá có hơn 600 loài (30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao). Trữ lượng hải sản lớn, khoảng 1.136 nghìn tấn, khả năng khai thác hằng năm là 60.000 - 70.000 tấn hải sản các loại.

Sản lượng thủy sản khai thác bình quân giai đoạn 2021 - 2024 tăng 1,4%/năm. Lĩnh vực khai thác thủy sản từ lâu được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản, đóng góp chính trong giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước xây dựng cảng cá, chợ cá, khu neo đậu văn minh, hiện đại gắn với phát triển du lịch nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án “Nâng cấp, cải tạo cảng cá Thọ Quang” giai đoạn 2, với kinh phí 250 tỷ đồng. Để đồng bộ cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá, TP Đà Nẵng đang nghiên cứu tham mưu báo cáo khả thi thực hiện Dự án “Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang” giai đoạn 3, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới”.

Đà Nẵng có đường bờ biển dài với tài nguyên phong phú.

Bên cạnh đó, cùng với các chính sách của Trung ương, TP Đà Nẵng đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân trên địa bàn vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo UBND TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 1.553 tàu cá (chiều dài từ 6m trở lên), trong đó tàu cá vùng lộng, vùng khơi: 818 chiếc (chiếm 52,67%); tàu cá ven bờ: 735 chiếc (chiếm 47,33%). Năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt 39.170 tấn (tăng 6,4% so với năm 2023).

Để có đội tàu mới, công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7068/QĐ-UBND và Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản.

Theo đó, ngư dân đóng mới tàu từ 400 đến dưới 600CV được hỗ trợ bằng tiền mặt 500 triệu đồng/tàu; từ 600 đến dưới 800CV được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu; trên 800CV được hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu. Thực hiện chính sách trên, từ năm 2012 đến 2019, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 184 tàu cá công suất 400CV trở lên, với số tiền hơn 120 tỷ đồng. Sau khi số lượng tàu cá khai thác vùng biển khơi đã đạt mục tiêu đề ra, ngày 1-2-2019, UBND TP Đà Nẵng quyết định dừng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá. HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025.

Theo nghị quyết này, TP Đà Nẵng hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngoài mức hỗ trợ 50% theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm, máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản. Từ năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt hỗ trợ gần 959 tỷ đồng cho các chủ tàu cá trên địa bàn.

Biển mang lại nguồn tài nguyên hải sản lớn cho ngư dân Đà Nẵng.

Đồng thời, tại Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 11-1-2024 về “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3-4-2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, UBND TP Đà Nẵng xác định mục tiêu tổng quát thời kỳ đến năm 2030 là “hướng tới mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước” và tầm nhìn đến năm 2050 là “đưa Đà Nẵng trở thành đô thị biển quốc tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên”.

TP Đà Nẵng xác định phát triển bền vững các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; công nghiệp ven biển; khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Du lịch và dịch vụ biển có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển các ngành kinh tế biển, tạo nên thương hiệu Đà Nẵng.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kiến nghị, thành phố cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột như: Du lịch biển cao cấp, du lịch văn hóa-lịch sử gắn với văn hóa bản địa, du lịch MICE, du lịch đô thị và du lịch sinh thái. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về văn minh du lịch, bảo đảm chuyên nghiệp, uy tín.

Đẩy nhanh các dự án chống ô nhiễm bãi biển, bãi tắm; khuyến khích chuyển đổi sang các loại phương tiện giảm xả thải theo hướng Net Zero, hình thành hệ sinh thái xanh trong tất cả hoạt động của thành phố.

Việc khai thác tài nguyên biển phục vụ tăng trưởng xanh là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Với lợi thế đường bờ biển dài, hệ sinh thái đa dạng và vị trí chiến lược ở miền Trung, Đà Nẵng có đầy đủ tiềm năng để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển như cảng biển, du lịch biển, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo từ biển… Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phải đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường biển.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố cần tiếp tục đầu tư đồng bộ về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực; tăng cường công tác quy hoạch, giám sát tài nguyên biển; đồng thời thu hút doanh nghiệp tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế biển tuần hoàn, ít phát thải. Khai thác biển một cách có trách nhiệm không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn bảo đảm sinh kế lâu dài cho cộng đồng ven biển. Đây chính là nền tảng để Đà Nẵng trở thành đô thị biển sinh thái, hiện đại và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Theo: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường

Ý kiến

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký loạt thỏa thuận về khoa học công nghệ

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký loạt thỏa thuận về khoa học công nghệ

Sáng 10/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký loạt thỏa thuận hợp tác về phát triển khoa học công nghệ với các hiệp hội chuyên ngành.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Kiến tạo đột phá từ nền tảng khoa học công nghệ

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành nông nghiệp và môi trường trong kỷ nguyên mới.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 122/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kế hoạch).