Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành và các địa phương có biển, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với các nhiệm vụ khác trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thì việc định hướng bố trí sử dụng không gian biển hợp lý góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển, đảo của nước ta. Quy hoạch định hướng sử dụng không gian biển theo các vùng: vùng biển và ven biển; các đảo và quân đảo; các khu bảo tồn biển; vùng trời; hoạt động lấn biển và nhận chìm. Đối với mỗi không gian này, Quy hoạch định hướng việc khai thác, phát huy tài nguyên biển đảo theo hướng bền vững.
Quy hoạch sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung và giải pháp chính của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng, quy hoạch quốc gia có liên quan và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, đối với vùng biển và ven biển, việc phân vùng sử dụng biển để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng, tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển. Bao gồm vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Tại vùng biển và ven biển phía Bắc: Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Bắc với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng- Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện - Đình Vũ (Hải Phòng)- Yên Hưng - Cái Lân - Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với Trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng được đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoạt động trong ngư trường vịnh Bắc Bộ, đóng sửa tàu cá. Phát triển nuôi trồng thủy hải sản tại các vùng đất ven biển, trong vùng với bảo tồn biển và du lịch quốc gia; xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, năng suất cao, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vùng biển và ven biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ: Phát triển cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với khu công nghiệp liên hiệp dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch. Phát triển công nghiệp biển gắn với thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế ven biển (Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Đông Nam Quảng Trị, Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong).
Phát triển các trung tâm du lịch biển lớn gắn với các khu du lịch quốc gia trọng điểm tại các địa phương ven biển là Phong Nha - Kẻ Bàng, Hội An - Cù Lao Chàm và Bắc Cam Ranh. Hình thành nhiều trung tâm phát triển có quy mô vừa và nhỏ, phân bố hợp lý, không quá tập trung vào các thành phố lớn. Kết hợp giữa phát triển có trọng điểm chuỗi đô thị ven biển trong vùng với việc hình thành một số chuỗi đô thị quy mô nhỏ hơn, đồng thời phát triển các đô thị vệ tinh ở phía Tây, để hỗ trợ sự nghiệp công nghiệp hoá nông thôn và hạn chế di dân ồ ạt, thiếu tổ chức vào các đô thị lớn. Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương, nghề vây, nghề chụp.
Tổ chức lại khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác, lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi nghề từ khai thác hải sản sang phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, dịch vụ du lịch sinh thái biển đồng thời khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động giáo dục, tham quan, du lịch. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng đất liền ven biển và trên biển, gắn với các hoạt động giáo dục, tham quan, du lịch sinh thái biển...
Mỗi một vùng biển sẽ được định hướng phát triển các ngành kinh tế phù hợp
Vùng biển và ven biển Đông Nam bộ: Phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ đảm bảo an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí; phát triển du lịch biển quốc tế. Ưu tiên phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển tại TP.HCM như du lịch biển, năng lượng tái tạo; từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển, bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống.
Phát triển Vũng Tàu thành trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan. Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Tổ chức hợp lý các nghề khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và duy trì khai thác thủy sản nội địa. Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, áp dụng mô hình đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển; phát triển nuôi trồng thủy sinh vật cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Vùng biển và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển công nghiệp dầu khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo (Bạc Liêu, Cà Mau). Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản trên các vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Phát triển nuôi tôm nước lợ theo mô hình công nghiệp, công nghệ hiện đại, siêu thâm canh, năng suất cao; mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường. Phát triển nuôi sinh thái, hữu cơ tại các vùng rừng ngập mặn, vùng tôm- lúa nhiễm mặn ven biển, gắn kết hài hòa với du lịch sinh thái biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi; áp dụng mô hình đồng quản lý ở vùng rừng ngập mặn ven biển.
Xây dựng thành phố Cà Mau và Rạch Giá trở thành những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, xứng tầm đô thị vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, làm căn cứ vững chắc để đẩy mạnh khai thác toàn diện vùng biển Tây Nam. Đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển các vùng kinh tế biển.
Đối với các đảo, quần đảo: Hoàn thành cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho một số đảo trọng điểm về kinh tế (Vân Đồn, Cát Hải, Phú Quốc), tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao và du lịch đẳng cấp để phát triển các đảo này thành các đảo trù phú, sầm uất có tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế biển, đảo của cả nước.
Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển tại các đảo Cô Tô - Thanh Lân, Lý Sơn, Phú Quý thành những vùng đảo có kinh tế khá phát triển; Bạch Long Vỹ trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; đồng thời các đảo này là căn cứ vững chắc để bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đối với các đảo nhỏ: đảo Trần, Hòn Mê, Cồn Cỏ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quần đảo Thổ Chu, quần đảo Hà Tiên và nhiều đảo khác, nhiệm vụ quan trọng là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để canh giữ và bảo vệ vững chắc các vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời kết hợp phát triển một số ngành kinh tế có lợi thế và bảo tồn thiên nhiên tại các đảo. Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn; phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền; trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, ổn định cuộc sống lâu dài trên huyện đảo. Tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.
Đối với các khu bảo tồn biển: Tăng cường nâng cấp 12 khu bảo tồn biển đã được thiết lập và đưa vào hoạt động. Thành lập đưa vào hoạt động 4 khu bảo tồn biển trước năm 2025, bao gồm: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Nam Yết và Phú Quý. Quy hoạch các khu bảo tồn biển mới, hướng tới mục tiêu đưa 40 khu vào hoạt động.
Đối với vùng trời: Vùng trời trong quy hoạch này được bố trí khai thác, sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển hàng không dân dụng và các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ luật pháp của Việt Nam, luật pháp quốc tế và các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, là thành viên. Thực thi quản lý vùng trời thuộc chủ quyền của Việt Nam; quản lý các vùng thông báo bay theo thỏa thuận quốc tế về hàng không dân dụng.
Đối với hoạt động lấn biển và nhận chìm: Các hoạt động lấn biển có thể được diễn ra nếu đáp ứng các tiêu chí sau đây: Hoạt động lấn biển phải hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng môi trường tự nhiên và hệ sinh thái ven biển, đảo; Hoạt động lấn biển phải làm tăng giá trị cảnh quan và phát huy lợi thế về vị trí địa lý bám biển; phải mở rộng không gian phát triển cho các địa phương ven biển, cho các đảo.
Các hoạt động này phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Các hoạt động nhận chìm có thể được diễn ra nếu đáp ứng các tiêu chí về vị trí khu vực biển sử dụng để nhận chìm; kích thước các khu vực nhận chìm; công suất khu vực nhận chìm; tác động của nhận chìm; thời gian nhận chìm; vật chất nhận chìm theo đúng quy định của pháp luật.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.260 km, theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, vùng ven biển Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo. Diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.
Do vậy, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ trong khả năng chống chịu, phục hồi của hệ sinh thái và chịu tải của môi trường để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng xanh, tuần hoàn, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng trên biển.