Sign In

Hội thảo “Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất và Rác thải Bao bì Nhựa tại Việt Nam”

21/12/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 20/12/2021, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu Nước Na Uy (NAVI) đã tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất và Rác thải Bao bì Nhựa tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Sở Tài nguyên và môi trường một số tỉnh, thành; các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB),...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quế Lâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa và hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường như duy trì tổ chức, tham dự nhiều diễn đàn, hội nghị trong và ngoài nước bàn luận về vấn đề chất thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng, đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện các chính sách, qui định, hướng dẫn thực thi, quy chuẩn kỹ thuật. Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và kế hoạch Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Theo ông Lâm, Việt Nam lần đầu tiên đưa vấn đề giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương thành một điều riêng (Điều 73) và một điều riêng về kinh tế tuần hoàn (Điều 142) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Liên quan đến Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (sau đây viết tắt là EPR), Luật BVMT năm 2020 đã quy định nhà sản xuất có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55).

 
Ông Nguyễn Quế Lâm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

EPR - một trong những công cụ quan trọng để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương – chủ đề của hội thảo ngày hôm nay. EPR - trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. ERP yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao bì là một trong số 6 loại sản phẩm nằm trong danh mục phải được tái chế. 
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Marianne Olsen - Giám đốc nghiên cứu NIVA cho biết, ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra đang là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đối đại dương, các loài sinh vật và cuộc sống của con người. Chính vì vậy, sự quan tâm đến các vấn đề môi trường liên quan tới ô nhiễm nhựa đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tháng 02/2022 các quốc gia trên thế giới sẽ nhóm họp tại UNEA5 và kết quả của cuộc họp sẽ là bước khởi đầu hướng đến một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

 
Tiến sĩ Marianne Olsen phát biểu khai mạc hội thảo

Hiện nay, ngành công nghiệp bao bì sử dụng nhựa nguyên sinh lớn nhất thế giới – tiêu thụ hàng triệu tấn nhựa nguyên sinh, gấp đôi lượng nhựa sử dụng của ngành xây dựng - ngành lớn thứ hai. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ngày càng tăng, chúng có tuổi thọ rất ngắn (một phút hoặc thậm chí ít hơn) dẫn đến lượng rác thải nhựa khổng lồ trên toàn cầu, gây lãng phí tài nguyên và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Vì vậy, chúng ta phải hành động ở cấp độ toàn cầu và tiếp cận các giải pháp theo toàn bộ vòng đời của sản phẩm nhựa từ thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu dùng (nhận thức, thái độ và thói quen của người tiêu dùng) và thải bỏ.

Quỹ Ellen McArthur đã tuyên bố rằng để ngăn chặn ô nhiễm bao bì nhựa, chúng ta cần tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy tính bền vững. Bên cạnh đó, các giải pháp với mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm nhựa là rất quan trọng. EPR là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ nhựa, tăng cường tái chế bao bì/chất thải nhựa. Các hệ thống EPR đã được triển khai từ những năm 70. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, giải pháp này mới được đẩy mạnh triển khai, áp dụng. Hệ thống EPR đã góp phần phát triển các kế hoạch thu gom hiệu quả cho các dòng chất thải riêng biệt, bao gồm cả bao bì nhựa. Ở Đông Nam Á, một số quốc gia đang xem xét thực hiện các sáng kiến EPR như Indonesia, Malaysia và Singapore.

Tại cuộc hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày trọng tâm về Chính sách EPR tại Châu Âu, kinh nghiệm triển khai EPR của Indonexia, cùng nhiều báo cáo sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tế liên quan đến EPR, đây là một cơ hội tốt để Việt Nam học hỏi, kế thừa những thành tựu quý báu của các nước có nhiều kinh nghiệm áp dụng EPR hiệu quả trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

 
Hình ảnh hội thảo

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý lần cuối cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, có nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Thông qua hội thảo này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ ghi nhận các kinh nghiệm, ý kiến của các đại biểu và phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Nghị định nêu trên và áp dụng vào quản lý chất thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng một cách hiệu quả.
Kết thúc hội thảo, bà Kathinka Furst, Viện Nghiên cứu Nước Na Uy cho rằng EPR đối với chất thải bao bì nhựa là một công cụ chính sách quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc đáp ứng các mục tiêu tái chế và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa. Để đảm bảo thực hiện EPR thành công, cần tập trung vào cơ sở hạ tầng thu gom và thu gom riêng các loại chất thải, tính phí bao bì nhựa một cách hợp lý, xác định rõ vai trò của các bên liên quan để đảm bảo không có xung đột về lợi ích; giáo dục, truyền thông cho người dân và đại diện các công ty sản xuất bao bì – nhân tố chính của các chương trình EPR. Bà Kathinka Furst một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kiến thức, các bài học kinh nghiệm, các kỹ thuật tốt nhất để đạt được sự tuần hoàn trong ngành nhựa./.

Ý kiến

Khoa học, công nghệ biển - một trong 3 khâu đột phá chiến lược

Tại Hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ biển trong khuôn khổ ASEAN” diễn ra vào ngày 05/12 vừa qua, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược biển 2030, và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”

Ngày 10 tháng 3 năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 292/QĐ-BKHCN về việc thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển” (gọi tắt là Ban chủ nhiệm Chương trình).

Phê duyệt dự án và Kế hoạch thực hiện dự án “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở Châu Á và Thái Bình Dương”

Ngày 21 tháng 01 năm 2022 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành quyết định phê duyệt dự án và Kế hoạch thực hiện dự án “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở Châu Á và Thái Bình Dương”.