Tại Hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ biển trong khuôn khổ ASEAN” diễn ra vào ngày 05/12 vừa qua, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược biển 2030, và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ thông tin tại Hội thảo
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, biển nước ta đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử phát triển dân tộc và ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cho nên, đặt biển vào vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước là một hướng đi đúng, một tầm nhìn dài hạn, phù hợp với ước nguyện của nhân dân và xu thế chung của thời đại. Biển nước ta không chỉ giàu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) của dân tộc. Vì lẽ đó, Việt Nam xác định mục tiêu chiến lược và bao trùm là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển; phát triển kinh tế biển bền vững,...
Khoa học và công nghệ biển giữ vai trò then chốt trong: phát triển lực lượng sản xuất; phân bố lại lực lượng lao động ở vùng ven biển, trên các đảo và ở các vùng biển; nâng cao trình độ quản lý biển, đảo; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá từ biển; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường-sinh thái biển; bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của kinh tế biển. Đặc biệt, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn còn lạc hậu so với khu vực và thế giới thì đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển trở thành vấn đề ưu tiên cao nhất của Chính phủ để bứt phá nhanh chóng ra khỏi tình trạng tụt hậu phát triển trong lĩnh vực biển.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để đạt được mục tiêu như vậy, khoa học và công nghệ biển được xem là một nhiệm vụ quan trọng và mang tính đột phá trong việc thực hiện các Chiến lược biển 2020 và 2030. Theo đó, khoa học và công nghệ biển giữ vai trò then chốt trong: (i) Định hình chính sách quản lý (Management) và quản trị (Governance) biển và đại dương; (ii) Cung cấp các cứ liệu khoa học giúp nhận dạng các hệ thống tự nhiên và tài nguyên biển vốn khác nhau về bản chất để có chiến lược và biện pháp sử dụng và quản lý phù hợp; (iii) Góp phần hoạch định chính sách và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước; (iv) Góp phần khẳng định “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế trong phát triển khoa học - công nghệ biển tại nước ta, cụ thể: (i) Khoa học - công nghệ biển nước ta chưa thực sự trở thành động lực phát triển, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác quản lý và quản trị biển (ii) Thiếu cán bộ khoa học - công nghệ biển trong các hướng nghiên cứu chuyên sâu phục vụ quản lý, quản trị biển; khả năng cập nhật các hướng quản lý mới của thế giới còn hạn chế (iii) Trang thiết bị nghiên cứu còn lạc hậu và thiếu một số phương pháp trong nghiên cứu quản lý, chính sách, chiến lược biển (iv) Tập trung nhiều ở vùng biển nông ven bờ, chưa vươn nhiều ra vùng biển sâu xa bờ (v) Khả năng đầu tư của Nhà nước cho hoạt động điều tra, khảo sát biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khoa học - công nghệ biển lớn đang đặt ra, đặc biệt là yêu cầu khảo sát chi tiết, liên tục để có thể giải quyết dứt điểm những vấn đề cơ bản của biển và ở từng khu vực biển;
(vi) Chưa chú trọng lồng ghép nghiên cứu khoa học xã hội và văn hóa biển, khảo cổ biển trong nghiên cứu quản lý biển,...(vii) Khả năng điều hòa phối hợp lực lượng các ngành, các cơ quan, để tránh trùng lặp, phân tán còn gặp nhiều khó khăn; chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, tập trung giải quyết có hiệu quả từng nhiệm vụ khoa học - công nghệ biển phục vụ quản lý biển (viii) Việc khai thác, sử dụng và chia sẻ tư liệu/kết quả nghiên cứu còn rất khó khăn, nhiều khi bị ngăn trở bởi những quan hệ phức tạp giữa các đơn vị có dữ liệu và cần dữ liệu (ix) Ít công bố và xuất bản quốc tế, ít tham gia hoặc chiếm lĩnh các vị trí trong các tổ chức và diễn đàn khoa học - công nghệ biển/đại dương khu vực và thế giới (x) Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có chiều hướng phức tạp và kéo dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ biển, mà còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng không gian hoạt động của khoa học - công nghệ biển nước ta trong thời gian tới.
Trung ương Đảng đánh giá khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa thực sự trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Cho nên, ngày 22 tháng 10 năm 2018, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36- NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược biển 2030, và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Các nghị quyết này đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ biển với các yêu cầu cụ thể: (i) Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; (ii) Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có; (iii) Đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển đảo của nước nhà; (iv) Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (v) Thúc đẩy và tham gia tích cực các hoạt động quốc tế hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững của IOC-UNESCO và trong khuôn khổ ASEAN.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, trong một thế giới chuyển đổi xanh với vai trò to lớn của biển và đại đương như vậy đòi hỏi các quốc gia biển, đảo, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững biển, đảo. Đặc biệt trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau trong toàn cầu hóa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu. Vì thế, liên kết quốc tế và đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ biển là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức không của riêng ai, để giải bài toán phát triển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.