Sign In

Việt Nam trên tiến trình xây dựng nền tảng pháp lý để loại bỏ nhựa khỏi đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh

06/11/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 5/11, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg về Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương và Hội thảo tham vấn Báo cáo: Hướng đến Kinh tế biển xanh tại Việt Nam

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, các địa phương có biển; các chuyên gia, đại diện một số tổ chức quốc tế và trong nước; lãnh đạo một số đơn vị có liên quan trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

 
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm cho biết, trong khoảng 2 năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra tuyên bố khu vực kêu gọi một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa; thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế biển, đặc biệt với chủ trương Việt Nam tiên phong trong khu vực về giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương.

 
Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia thoả thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng thỏa thuận. Hội thảo ngày 05/11 là lần đầu tiên Quyết định 1407/QĐ-TTg được chính thức đưa ra lấy ý kiến từ các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của các bộ, ban, ngành có liên quan, nhằm góp phần hoàn thiện và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định. 

Hội thảo đã ghi nhận được nhiều đóng góp ý nghĩa của Quý đại biểu và sự ủng hộ mạnh mẽ của các Bộ, ngành và địa phương có biển liên quan Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá cao và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của Quý đại biểu để trên cơ sở đó, cùng với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan hình thành nên kế hoạch với những bước cụ thể để triển khai thực hiện Quyết định 1407 trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 5/11, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo: Hướng đến Kinh tế biển xanh tại Việt Nam. Đây là báo cáo tổng hợp kinh tế biển đầu tiên tại VN, được xây dựng với mục tiêu chỉ ra các tiềm năng của nền kinh tế biển Việt Nam hướng đến phát triển bền vững thông qua việc đánh giá đóng góp của các ngành kinh tế chính vào nền kinh tế đại dương, bao gồm: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; dầu khí; năng lượng tái tạo biển; du lịch biển và ven biển; hàng hải; và môi trường - hệ sinh thái. Từ đó, báo cáo đề xuất kịch bản phát triển bền vững cụ thể cho từng ngành và tìm kiếm các quỹ đạo phát triển, một mặt đảm bảo mở rộng kinh tế biển; mặt khác chú trọng duy trì, thậm chí nâng cao chất lượng môi trường.

 
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam chủ trì Hội thảo tham vấn Báo cáo: Hướng đến Kinh tế biển xanh tại Việt Nam

Báo cáo Hướng đến Kinh tế biển xanh tại Việt Nam khuyến nghị, các Bộ, ngành liên quan cần tính toán một cơ cấu kinh tế biển hợp lý, mang lại những giá trị cao nhất, đồng thời duy trì và gia tăng thêm được diện tích và giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Trong 10 đến 15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh hơn, nhờ vào các yếu tố khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học vẫn rất hiện thực. Báo cáo sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Việt Nam và Na Uy đồng chủ trì dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 tại Hà Nội.

Sau đây là một số hình ảnh các khác tại Hội Thảo:

 
TS. Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ KHQT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày tại Hội thảo

 
TS. Phạm Mạnh Hoài, WWF trình bày tại Hội thảo

 
Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Ý kiến

Khoa học, công nghệ biển - một trong 3 khâu đột phá chiến lược

Tại Hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ biển trong khuôn khổ ASEAN” diễn ra vào ngày 05/12 vừa qua, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược biển 2030, và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”

Ngày 10 tháng 3 năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 292/QĐ-BKHCN về việc thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển” (gọi tắt là Ban chủ nhiệm Chương trình).

Phê duyệt dự án và Kế hoạch thực hiện dự án “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở Châu Á và Thái Bình Dương”

Ngày 21 tháng 01 năm 2022 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành quyết định phê duyệt dự án và Kế hoạch thực hiện dự án “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở Châu Á và Thái Bình Dương”.