Sign In

Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

02/06/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Cũng như các nước trên thế giới, các hệ sinh thái của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, săn bắn trộm động vật hoang dã... Trong bối cảnh này, Việt Nam đang nỗ lực để bảo tồn các hệ sinh thái (HST) tự nhiên.

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay, diện tích các khu vực có HST tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Hiện, diện tích rừng tự nhiên giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Đối với HST biển và ven biển, lượng san hô cứng đang giảm dần. 63,5% rạn đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%).

Những năm gần đây các hệ sinh thái biển đạng bị xuống cấp nghiêm trọng

 

Trước tình trạng HST bị suy thoái sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Việt nam đang nỗ lực để bảo tồn các HST tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế và thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Đến nay, Việt nam đã thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng 3 khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tại Khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia (Vườn Quốc gia Phù Mát - Nghệ An; Khu bảo tồn Sốp cộp - Sơn La và Vườn Quốc gia Yok Đôn - Đắk Lắk); phối hợp với Lào và Campuchia xây dựng Cụm bảo tồn xuyên biên giới Virachay, Dong Am Phan và Chư Mom Rây; điều tra, đánh giá giá trị và dịch vụ HST của các khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu ha; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên đối với các lưu vực sông trọng yếu; ưu tiên cho các hệ thống sông quan trọng như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba - sông Côn, sông Đồng Nai và sông Cửu Long…

Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phục hồi 25% diện tích HST tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Nhân rộng các khu bảo tồn góp phần xây dựng thương hiệu "biển Việt Nam"

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển... Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu "biển Việt Nam".

Tin ảnh: Lễ trao Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2021

Chiều ngày 10/12, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Lễ trao Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” được tổ chức vinh danh 13 tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm dự và phát biểu tại buổi lễ.