Tại Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn chấp nhận nào cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trong vùng biển biển Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các yêu cầu kỹ thuật của các chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Ngày 30/12/2020, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BTNMT để quy định kỹ thuật cho nội dung này.
Trên thế giới, chất phân tán đã được nghiên cứu và thử nghiệm trong vòng 30 năm qua. Lần đầu chất phân tán được sử dụng dưới dạng một chất tẩy rửa trong vụ tràn dầu Torrey Canyon năm 1967 tại vịnh Persian ở nước Anh. Các nhà khoa học Anh có quan điểm cho rằng việc phân tán dầu là một biện pháp ứng phó có căn cứ và hợp lý. Tuy nhiên, chất hóa học được sử dụng trong vụ tràn dầu Torrey Canyon quá độc hại, không đủ hiệu quả và không được sử dụng đúng cách do thiếu sự hướng dẫn cũng như các quy tắc sử dụng chất hóa học một cách hiệu quả. Một số nước khác cũng bắt đầu xây dựng các quy tắc sử dụng chất phân tán, điển hình như Na Uy. Na Uy đã ra một quy chế về sử dụng chất phân tán trong đó yêu cầu phải xem xét tới các hậu quả môi trường trong các kịch bản sử dụng chất phân tán. Giữa những năm 1970, việc sử dụng chất phân tán như một biện pháp chiến lược để ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển đã được chấp nhận tại Anh và nhiều nước trên khắp thế giới.
Theo Hiệp hội các Tổ chức Khai thác Dầu khí Quốc tế (OGP- International Association of Oil & Gas Producers), mỗi quốc gia nên nghiên cứu và ban hành một danh mục các chất phân tán nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm phù hợp mới được phép sử dụng khi có sự cố tràn dầu. Nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành danh mục các chất phân tán được phép và đảm bảo sẵn sàng để sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu như: Hoa Kỳ (18 chất), Úc (7 chất), Niu Dilân (06 chất), Anh (19 chất), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (06 chất), Xinh-ga-po (226 chất)...
Hiện nay, tổ chức quan hệ đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) đã xây dựng danh mục các chất phân tán dự kiến sử dụng cho vùng biển Vịnh Thái Lan giữa 3 nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, danh mục đề xuất gồm 44 chất.
Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về danh mục chất phân tán và quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam. Chất phân tán theo từng trường hợp trước đây đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt cho phép sử dụng tại Việt Nam, bao gồm 05 chất: (1) Seacare OSD, (2) Enersperse 1037, (3) Seagreen 805, (4) Shell VDC, (5) Superdispersant-25.
Hiện nay, có 3 đơn vị lưu trữ chất phân tán dầu để phục vụ cho việc ứng phó sự cố tràn dầu: Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Biển PVD thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVD Offshore), Công ty dầu khí Nhật Việt JVPC và VietsoPetro VSP. Trong đó, PVD Offshore là đơn vị dịch vụ thực hiện việc ứng cứu sự cố tràn dầu cho một số khách hàng trong nước, VietsoPetro và Công ty dầu khí Nhật Việt JVPC là các công ty khai thác dầu khí trực tiếp và tự lưu trữ chất phân tán để phục vụ ứng cứu sự cố cho quá trình khai thác tại các mỏ. Các chất phân tán dự trữ phổ biến tại Việt Nam là: Superdispersant-25 (SD25) và Seagreen 805, trong đó dự trữ nhiều nhất là SD-25. Kho của PVD Offshore tại Vũng Tàu dự trữ khoảng 2m3 SD-25, kho chứa trên các giàn khoan và tàu FPSO ngoài khơi của PVD Offshore có khoảng 25m3 SD-25 để dùng trong các trường hợp khẩn cấp khi có dầu tràn theo nhu cầu của các nhà thầu khai thác dầu khí. VietsoPetro dự trữ khoảng 13m3 SD-25 tại kho căn cứ dịch vụ trên bờ và 4m3 chất phân tán được chứa trong các tàu dịch vụ cho trường hợp ứng cứu tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, công ty JVPC dự trữ khoảng 5m3 chất phân tán Seagreen 805 trên giàn, tàu FSO và tàu trực ngoài khơi khi ứng cứu khẩn cấp. Tổng lượng chất phân tán được các nhà thầu lớn đang hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta hiện nay lưu trữ khoảng 45m3 để phục vụ cho kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của mình.
Đối với việc thử nghiệm về hiệu quả chất phân tán, hiện nay chỉ có Viện Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy định điều kiện cho phép sử dụng chất phân tán tại Việt Nam phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu” và “Nghiên cứu đề xuất danh mục chất phân tán khuyến nghị sử dụng trong ngành dầu khí Việt Nam, phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu”. Kết quả của Đề tài đã đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cần kiểm soát trong điều kiện Việt Nam nhằm đảm bảo chất phân tán dầu được phê duyệt cho phép sử dụng phải đạt được mức hiệu quả nhất định trên dầu thô Việt Nam và không gây thêm ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái và đưa ra được danh mục chất phân tán kiến nghị sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam. Các yêu cầu kỹ thuật cần kiểm soát trong điều kiện Việt Nam bao gồm: Độ độc cấp tính trên Tảo biển Skeletonema costatum, ấu trùng Tôm sú Penaeus monodon; Khả năng phân rã sinh học hiếu khí của chất phân tán sau 28 ngày. Danh mục 11 chất phân tán đã được Tập đoàn dầu khí tiến hành thử nghiệm hiệu quả chất phân tán, độ độc cấp tính và khả năng phân rã sinh học gồm: Corexit EC9500A, Corexit EC9527A, Slickgone EW, Slickgone NS; Finasol OSR 51, Finasol OSR 52, Radiagreen OSD, Shell VDC, Super dispersant-25, Seagreen 805 và Seacare OSD.
Như vậy, tại Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn chấp nhận nào cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
Xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trong vùng biển biển Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các yêu cầu kỹ thuật của các chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Trên cơ sở các yêu cầu kỹ thuật mà các chất phân tán cần đáp ứng sẽ đối chiếu với kết quả thử nghiệm của Viện Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như các chất phân tán đã từng được cấp phép tại Việt Nam để đưa ra danh mục chất phân tán phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.