Sign In

Phân cấp ứng phó, cụ thể, trách nhiệm, chủ động sẵn sàng ứng phó hiệu quả sự cố tràn dầu

15/06/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Qua hơn 7 năm thực hiện Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11/11/2014) có thể khẳng định Quy chế là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết và nâng cao năng lực hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu; tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước phối hợp, hiệp đồng và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trong những năm qua.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Quy chế này còn một số vướng mắc, bất cập như: việc phân mức sự cố tràn dầu theo hướng nhỏ, trung bình đến lớn ứng với số lượng dầu tràn 20 tấn, trên 20 tấn đến 500 tấn và trên 500 tấn (để xây dựng kế hoạch và nguồn lực ứng phó) chưa phù hợp với thực tế; vì đối với sự cố dầu tràn do phun trào giếng khoan, đường ống dẫn dầu, do thiên tai, sự cố hàng hải và dầu tràn không rõ nguyên nhân dạt vào bờ biển rất khó xác định khối lượng dầu đã tràn ra môi trường do vậy việc đưa ra phương án ứng phó rất khó khăn; trong Quy chế chưa quy định cấp quản lý và trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu đối với tàu chở dầu nhỏ hơn 150 RT và tàu khác có dung tích nhỏ hơn 400 RT, do vậy các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các loại phương tiện trên, cần phải có quy định cụ thể cho cấp quản lý và trách nhiệm của chủ tàu; quy định thời gian triển khai quây chặn dầu tràn và tổ chức ứng phó đối với các sự cố trên biển chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với mỏ dầu ngoài khơi xa trên 300km; cơ chế huy động nguồn lực ứng phó trong quy chế còn bất cập nên công tác ứng phó một số cơ sở chưa kịp thời; cần triển khai công tác ứng phó sự cố tràn dầu đối với các loại là nhiên liệu hàng không, nhiên liệu làm chất đốt và các loại dầu thải, nước thải lẫn dầu từ hoạt động súc rửa, sửa chữa của phương tiện thủy, sản xuất kinh doanh, hoán cải, phá dỡ các máy móc, phương tiện thủy bộ vì đây cũng là đối tượng làm ô nhiễm môi trường; chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan ngang bộ và một số địa phương trong Quy chế không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; cần bổ sung các quy nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở và trách nhiệm của cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu trong việc huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện; cần sửa đổi, bổ sung theo phuơng châm 4 tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, vì khi sự cố tràn dầu xảy ra, để ngăn chặn kịp thời tác hại đến môi trường thì việc sử dụng 4 tại chỗ hiệu quả rất cao…

Chính vì vậy, ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu mới gồm 5 chương, 47 điều quy định nội dung và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

Theo Quy chế, hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là tất cả các hoạt động từ việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

* Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp.

Cấp cơ sở: Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường. Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) trợ giúp. Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.

Cấp khu vực: Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó. Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Cấp Quốc gia: Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó. Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế. Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

* Phân loại mức độ sự cố tràn dầu

Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể: Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn). Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.

Quy chế cũng nêu rõ quy định về chuẩn bị ứng phó sự cố tràn dầu cũng như tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu.

Trong chuẩn bị ứng phó sự cố tràn dầu, Quy chế đã quy định cụ thể việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp, khắc phục bất cập trong quy chế trước đây chưa nêu rõ thẩm quyền phê duyệt trong một số trường hợp cụ thể. Quy chế cũng quy định cụ thể về bảo đảm tài chính để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu; theo đó, chủ các tàu biển Việt Nam và tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển trên 2.000 tấn dạng thô phải có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu theo quy định của Công ước CLC 1992; chủ các tàu biển Việt Nam có tổng dung tích trên 1.000 GT hoạt động tuyến quốc tế có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu theo quy định của Công ước Bunker 2001.

Trong tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, Quy chế quy định chi tiết, cụ thể về ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở, cấp khu vực và cấp quốc gia.

Đối với việc khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, Quy chế quy định cụ thể từ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu đến giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu. Trong đó, Quy chế quy định thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra (gọi tắt là thiệt hại) là tổn thất gây ra đối với người, tài sản, kinh tế và môi trường gồm có: tổn thất gây ra thương tích hoặc tử vong; tổn thất đối với tài sản của tổ chức hoặc cá nhân; tổn thất gây ra cho môi trường, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh thái; chi phí ứng phó do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu; chi phí để thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm khắc phục môi trường; tổn thất về lợi nhuận do ảnh hưởng của sự cố tràn dầu gây ra.

Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua luật sư để khiếu nại chủ cơ sở, dự án hoặc chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại. Ban chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu lập hồ sơ, xác định tổng giá trị thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra để yêu cầu Bên chịu trách nhiệm bồi thường bảo đảm bồi thường chi trả.

Quy chế cũng quy định rất cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, trách nhiệm của cảng, cơ sở và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021./.

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Nhân rộng các khu bảo tồn góp phần xây dựng thương hiệu "biển Việt Nam"

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển... Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu "biển Việt Nam".

Tin ảnh: Lễ trao Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2021

Chiều ngày 10/12, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Lễ trao Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” được tổ chức vinh danh 13 tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm dự và phát biểu tại buổi lễ.