Từ những năm 1930, các cường quốc về hàng hải chủ yếu có mong muốn về việc ngăn chặn ô nhiễm từ tàu đã tổ chức các hội nghị quốc tế liên quan về ô nhiễm biển và tập trung vào việc ngăn chặn ô nhiễm biển do tàu, tuy nhiên, chưa có điều ước quốc tế (ĐƯQT) nào được thông qua trong giai đoạn này. Hội nghị Luật biển năm 1958 là một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này. Hội nghị đã thông qua bốn công ước riêng biệt, đó là: (1) Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp; (2) Công ước về thềm lục địa; (3) Công ước về Biển khơi và (4) Công ước về đánh bắt cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật ở biển cả. Tuy nhiên, những Công ước này không hình thành bất kỳ chế độ pháp lý nào cho việc kiểm soát nguồn gây ô nhiễm biển do nguồn ô nhiễm từ đất liền (ÔNTĐL), chỉ có quy định có liên quan. Điều 25 khoản 2 của Công ước về Biển cả có thể áp đặt nghĩa vụ đối với các quốc gia để kiểm soát ô nhiễm biển từ các nguồn bao gồm cả nguồn ÔNTĐL, do quy định “Tất cả các quốc gia phải hợp tác với các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm biển hoặc thông qua bầu khí quyển, do bất kỳ hoạt động nào với các vật liệu hoạt động vô tuyến hoặc các tác nhân gây hại khác”. Đây là quy định duy nhất liên quan đến nguồn ÔNTĐL trước năm 1972, tuy nhiên, không có bất kỳ cơ chế nào khác để kiểm soát nguồn ÔNTĐL, đồng thời chỉ áp dụng cho biển cả, bỏ qua vùng biển thuộc thẩm quyền quốc gia, nơi xảy ra hầu hết tình trạng ô nhiễm do nguồn ÔNTĐL.
Đồng thời, cũng trong thời điểm này, nhiều khu vực đã ban hành ĐƯQT ở khu vực đã được xây dựng và thông qua có quy định cụ thể về BVMTB do nguồn ÔNTĐL, cụ thể: Công ước Barcelona về Bảo vệ Biển Địa Trung Hải chống lại ô nhiễm năm 1976; Nghị định thư về Bảo vệ Biển Địa Trung Hải chống lại sự ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền năm 1980; Công ước Khu vực Kuwait về Hợp tác Bảo vệ Môi trường Biển khỏi Ô nhiễm năm 1978; Công ước hợp tác bảo vệ và phát triển môi trường biển và ven biển của khu vực Tây và Trung Phi năm 1981; Công ước Bảo vệ Môi trường Biển và Vùng ven biển Đông Nam Thái Bình Dương năm 1981; Công ước Khu vực về Bảo tồn Biển Đỏ và Môi trường Vịnh Aden ngày 12 tháng 2 năm 1982.
Các nội dung về kiểm soát nguồn ÔNTĐL trong Tuyên bố Stockholm và các ĐƯQT khu vực đã đặt nền móng cho quy định trong khung khổ pháp lý bắt buộc toàn cầu trong Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển và đã được thông qua năm 1982 (UNCLOS). UNCLOS quy định rõ ràng về trách nhiệm của các thành viên trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát nguồn ÔNTĐL, tuy nhiên đây chỉ mới quy định nghĩa vụ chung, chưa có quy định cụ thể.
Sau Hội nghị Stockholm năm 1972 và quy định trong UNCLOS, sự chú ý trực tiếp và tập trung vào các quy định cụ thể đối với việc kiểm soát ô nhiễm biển do nguồn ÔNTĐL. Sau hơn một thập kỷ kể từ khi UNCLOS được thông qua, Hướng dẫn Montreal về bảo vệ môi trường biển khỏi các nguồn trên đất liền (sau đây gọi là Hướng dẫn Montreal) đã được thông qua. Hướng dẫn Montreal là sáng kiến của Hội đồng Quản trị Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), đã thông qua vào năm 1985. Mục đích của Hướng dẫn Montreal là hỗ trợ các chính phủ trong quá trình phát triển các thỏa thuận song phương, khu vực và đa phương phù hợp và đặc biệt là luật pháp quốc gia để BVMTB do nguồn ÔNTĐL. Trên cơ sở các quy định của UNCLOS, nhiều khu vực đã đạt được sự đồng thuận trong việc xây dựng ĐƯQT khu vực và một số khu vực đã có ĐƯQT khu vực có quy định liên qua đã tiếp tục xây dựng và thông qua các ĐƯQT khu vực cụ thể hơn để thực hiện việc BVMTB khỏi nguồn ÔNTĐL hiệu quả hơn, như Công ước về Bảo vệ và Phát triển môi trường biển của Vùng Caribe mở rộng năm 1983; Công ước về Bảo vệ, Quản lý và Phát triển môi trường biển và bờ biển của Khu vực Đông Phi năm 1985; Công ước về Bảo vệ tài nguyên và môi trường của Khu vực Nam Thái Bình Dương năm 1986; Công ước về Bảo vệ Biển Đen chống lại sự ô nhiễm năm 1992; Nghị định thư về Bảo vệ vùng biển Đông Nam Thái Bình Dương chống lại ô nhiễm từ các nguồn từ đất liền năm 1983, sửa đổi năm 1986; Nghị định thư về Bảo vệ môi trường biển của Vùng Kuwait chống lại ô nhiễm từ các nguồn từ đất liền năm 1990; Nghị định thư về Bảo vệ môi trường biển Biển Đen chống lại sự ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền 1992, sửa đổi năm 1994; Nghị định thư liên quan đến ô nhiễm từ các nguồn và hoạt động từ đất liền ở Khu vực Caribe mở rộng năm 1999,...
Mặc dù ở cấp độ khu vực đã có những ĐƯQT quy định khá chi tiết về trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong BVMTB do NÔTĐL tuy nhiên ở cấp độ toàn cầu thì chủ yếu dựa vào các văn kiện “luật mềm quốc tế”. Nhân kỷ niệm 20 năm của Hội nghị Stockholm 1972, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất, được tổ chức vào tháng 6 năm 1992, tại Rio de Janeiro, đã tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế thiết lập các ưu tiên môi trường mới. Tại Hội nghị này, Chương trình nghị sự 21, "Chương trình nghị sự phát triển bền vững" cho thế kỷ 21 được các quốc gia và tổ chức quốc tế thông qua. Đây là một kế hoạch hành động toàn cầu được tổ chức nhằm cung cấp một khuôn khổ cho việc đạt được một môi trường thế giới lành mạnh, bền vững và đầy đủ. Chương 17 của Chương trình nghị sự 21 được dành cho việc bảo vệ và bảo tồn các đại dương trên thế giới. Chương này kêu gọi “Bảo vệ đại dương, các vùng biển, bao gồm các vùng biển và vùng ven biển kín và nửa kín và bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên sinh vật của chúng”, trong đó dành nhiều nội dung quy định chi tiết về BVMTB do nguồn ÔNTĐL.
Triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21, UNEP đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ Môi trường Biển khỏi nguồn ÔNTĐL (Hội nghị Washington) được tổ chức tại Washington, từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 năm 1995. Hội nghị này đã được UNEP triệu tập để đáp ứng trực tiếp các khuyến nghị được đưa ra trong Chương 17 của Chương trình nghị sự 21, nhằm phát triển Chương trình hành động toàn cầu để ngăn chặn, giảm và kiểm soát ô nhiễm biển có nguồn gốc từ đất liền, (sau đây gọi là GPA). Hội nghị Washington là một thành công khi nó tạo một bước tiến lớn đối với việc BVMTB do nguồn ÔNTĐL. Những thành viên tham gia nhất trí thông qua Tuyên bố Washington về BVMTB do nguồn ÔNTĐL và GPA. GPA đã đề cập cụ thể và toàn diện về việc kiểm soát nguồn ÔNTĐL. Trong quá trình tổ chức, thực hiện và đánh giá việc thực hiện GPA tại các Hội nghị liên chính phủ lần thứ nhất vào năm 2001 và lần thứ hai vào năm 2006 và lần thứ 3 vào năm 2012 và lần thứ 4 vào năm 2018 đã lần lượt thông qua các tuyên bố: Tuyên bố Montreal về bảo vệ môi trường do các hoạt động từ đất liền năm 2001, Tuyên bố Bắc Kinh năm 2006, Tuyên bố Malina năm 2012 và Tuyên bố Bali năm 2018 về tiếp tục thực hiện GPA để tái khẳng định nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường kiểm soát nguồn ÔNTĐL. Đồng thời, UNEP đã chủ trì việc xây dựng Hướng dẫn cho Hành động cấp quốc gia: Bảo vệ môi trường biển và vùng bờ khỏi các hoạt động từ đất liền năm 2006, làm cơ sở các các quốc gia chủ động thực hiện GPA.
Gần đây nhất vào năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó mục tiêu thứ 14 là phát triển bền vững biển và đại dương. Tiêu chí đầu tiên của mục tiêu này là giảm đáng kể các nguồn gây ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển từ đất liền. Hiện nay, Chương trình Nghị sự này đang được nhiều quốc gia triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các nghị quyết của Hội đồng Liên hợp quốc về Đại dương và Luật Biển thường niên cũng công nhận các “luật mềm quốc tế” về BVMTB do nguồn ÔNTĐL và kêu gọi các quốc gia thực hiện hiệu quả các văn bản này.
Riêng đối với với vấn đề rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa và vi nhựa đã được sự quan tâm hơn của cộng đồng quốc tế. Hằng năm, Hội đồng Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP-EA) từ năm 2015, đã ban hành các nghị quyết về rác thải nhựa và vi nhựa. Từ năm 1984 nhiều quốc gia đã phối hợp và hợp tác tổ chức các hội thảo quốc tế về rác thải biển để đưa ra những đề xuất nhằm từng bước góp phần bảo vệ môi trường biển do rác thải biển.[1] Tại Hội thảo quốc tế về rác thải nhựa lần thứ 5 tổ chức vào tháng 3 năm 2011 tại Hoa Kỳ với sự tổ chức của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ và UNEP, đại diện của các quốc gia tham gia Hội thảo đã thông qua Chiến lược Honolulu: Khung khổ toàn cầu về ngăn chặn và quản lý rác thải biển.
Cùng với UNCLOS, ở cấp toàn cầu còn có các công ước liên quan đến việc phòng ngừa và ngăn chặn nguồn ô nhiễm này như Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 2001, Công ước Mananta về Thủy ngân năm 2013, Công ước về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu huỷ chúng, năm 1989,... Các công ước này góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các chất thải độc hại từ các hoạt động từ đất liền có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Đến nay, việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường biển do nguồn ÔNTĐL được sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của các quốc gia thông qua việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các CKQT. Cụ thể có 167 quốc gia và tổ chức quốc tế là thành viên của UNCLOS, 178 Chính phủ bỏ phiếu thông qua Chương trình Nghị sự 21; 193 quốc gia thông qua Chương trình Nghị sự 21. Triển khai thực hiện việc BVMTB do nguồn ÔNTĐL, Chương trình hành động toàn cầu BVMTB được xây dựng năm 1995 và được 108 quốc gia tuyên bố “cam kết để bảo vệ và bảo tồn môi trường biển khỏi các tác động của các hoạt động từ đất liền”.[2]
[1] https://5imdc.wordpress.com/about/history/
[2] https://www.unenvironment.org/explore-topics/oceans-seas/what-we-do/addressing-land-based-pollution/why-does-addressing-land