Các cam kết quốc tế (CKQT) về bảo vệ môi trường biển (BVMTB) do nguồn ô nhiễm từ đất liền (ÔNTĐL) được các quốc gia, tổ chức quốc tế xây dựng và thông qua gồm các điều ước quốc tế và các cam kết quốc tế khác không phải điều ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 2001, Công ước Mananta về Thủy ngân năm 2013, Công ước về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu huỷ chúng, năm 1989,...; Chương trình nghị sự 21, về phát triển bền vững; Chương trình hành động toàn cầu về bảo vệ môi trường biển do các hoạt động có nguồn gốc từ đất liền năm 1995, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững,… Các CKQT này đều hướng tới mục tiêu là phòng ngừa, giảm thiểu, ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm biển do nguồn ÔNTĐL. Để đạt mục tiêu này, các CKQT về BVMTB do nguồn ÔNTĐL đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy để các quốc gia, tổ chức quốc tế BVMTB ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Thứ nhất, các CKQT về BVMTB do nguồn ÔNTĐL thúc đẩy việc truyền bá, phổ biến các phương thức quản lý hiệu quả để BVMTB do nguồn ÔNTĐL. UNCLOS không đưa ra các biện pháp cụ thể mà chủ yếu quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc lựa chọn các phương thức quản lý phù hợp để đạt được mục tiêu BVMTB do nguồn ÔNTĐL. Chương trình hành động toàn cầu về bảo vệ môi trường biển do các hoạt động từ đất liền năm 1995 (GPA) cung cấp một quy trình phát triển các chương trình hành động, có thể được sử dụng bởi tất cả các quốc gia, những quốc gia có nền công nghiệp hóa cao và những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Điểm nhấn chính của GPA là về các hành động quốc gia. Mục tiêu của các hành động ở cấp quốc gia là phát triển các chương trình hành động toàn diện, liên tục và thích ứng trong khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng ven biển.
Qua quá trình triển khai thực hiện, quyết tâm của các Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình hành động toàn cầu tiếp tục không suy giảm. GPA đã thể hiện được tính hiệu quả và khả năng áp dụng linh hoạt đối với các quốc gia có các điều kiện và nguy cơ khác nhau. Đến nay có khoảng 60 quốc gia đã ban hành kế hoạch quốc gia để phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ đất liền, cụ thể như Úc, Canada, Isarel, Bangladesh, Jamaica,...
Bên cạnh đó, một cuộc điều tra, khảo sát về tình hình thực hiện GPA của Văn phòng điều phối GPA dựa trên mạng lưới về các chương trình hành động quốc gia, kế hoạch hành động quốc gia hoặc kết hợp các vấn đề ưu tiên GPA vào các quy trình lập kế hoạch quốc gia hiện có, được thực hiện vào cuối năm 2016, cho thấy 107 quốc gia có khung chính sách để giải quyết các nguồn gây ô nhiễm biển này. Ngoài ra, câu trả lời của 33 chính phủ nhận được thông qua một cuộc khảo sát trực tuyến (tính đến tháng 3 năm 2017) được hỗ trợ bởi Văn phòng Điều phối GPA cho thấy tại 72,4% quốc gia đang triển khai kể từ khi được thông qua GPA trong nhiều thập kỷ qua và một phần ba trong số đó (35,7%) cho biết họ đã sửa đổi hoặc đã cập nhật NPA có liên quan. Hơn nữa, điều đáng chú ý là gần như tất cả các quốc gia (94%) đã báo cáo rằng ô nhiễm biển được lồng ghép vào các kế hoạch quốc gia khác như kế hoạch quản lý tài nguyên nước tổng hợp, kế hoạch quản lý vùng ven biển tổng hợp,... và họ có chương trình giám sát để thu thập dữ liệu về chất lượng nước ven biển và mức độ ô nhiễm. Các câu trả lời cũng cho thấy rằng các ưu tiên của NPA hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên hiện tại của GPA. Theo các câu trả lời của các quốc gia, tất cả (100%) các quốc gia báo cáo rằng việc quản lý nước thải chưa được xử lý là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là 87,9% các quốc gia báo cáo quản lý chất dinh dưỡng và 84,8% các vấn đề về nguồn nước trên đất liền đối với rác thải biển là mối quan tâm ưu tiên.[1]
Thứ hai, CKQT đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia quy mô song phương, khu vực và toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển do nguồn ÔNTĐL. Hầu hết các CKQT về BVMTB do nguồn ÔNTĐL đều quy định hoặc khuyến khích các quốc gia hợp tác ở khu vực và toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển do nguồn ÔNTĐL. Nội dung về hợp tác quốc tế thường được thừa nhận đầy đủ tầm quan trọng và mức độ phù hợp của các thỏa thuận hợp tác khu vực, đặc biệt khi một số quốc gia có chung đường bờ biển và khu vực biển. Việc hợp tác quốc tế nhằm tăng cường xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ và hợp tác cũng như hỗ trợ tài chính. Hợp tác khu vực và tiểu khu vực cho phép xác định và đánh giá chính xác hơn các vấn đề trong các khu vực địa lý cụ thể và thiết lập các ưu tiên thích hợp hơn cho các hành động trong các khu vực này. Sự hợp tác như vậy cũng tăng cường xây dựng năng lực khu vực và quốc gia, đồng thời hài hòa và điều chỉnh các biện pháp để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội và môi trường cụ thể và khi cần thiết sẽ tạo ra các thỏa thuận hợp tác khu vực mới và các hành động chung để hỗ trợ các hành động, chiến lược và các chương trình BVMTB do nguồn ÔNTĐL.
Như là thành quả của việc thực hiện các CKQT toàn cầu về BVMTB do nguồn ÔNTĐL, đến nay, nhiều khu vực đã xây dựng và thông qua các điều ước khu vực và chương trình, kế hoạch ở khu vực để điều chỉnh cụ thể hoặc bao gồm các quy định về BVMTB do nguồn ÔNTĐL. Các điều ước quốc tế khu vực đã được thông qua như Công ước Bảo vệ Môi trường Biển Đông Bắc Đại Tây Dương (Công ước OSPAR), Công ước Bảo vệ Môi trường Biển của Khu vực Biển Baltic (Công ước Helsinki), Nghị định thư về Bảo vệ Biển Địa Trung Hải chống lại ô nhiễm do nguồn ÔNTĐL, Nghị định thư về Bảo vệ Đông Nam Thái Bình Dương chống lại ô nhiễm từ các nguồn trên đất, Nghị định thư về bảo vệ môi trường biển chống ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền (Nghị định thư đối với Công ước khu vực Kuwait), Nghị định thư về bảo vệ môi trường biển Biển Đen chống lại ô nhiễm từ đất liền,… Một loạt các chương trình, kế hoạch ở cấp khu vực đã được các quốc gia xây dựng và triển khai thực hiện như Cơ quan điều phối các vùng biển Đông Á (COBSEA), Chương trình Môi trường Hợp tác Nam Á (SACEP), Kế hoạch Hành động Bảo vệ, Quản lý và Phát triển môi trường biển và Vùng ven biển của khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (NOWPAP), Kế hoạch Hành động cho Chương trình Biển Nam Á (SASP) được thực hiện thông qua Chương trình Môi trường Hợp tác Nam Á (SACEP), Chiến lược biển của Liên minh Châu Âu, Quan hệ đối tác trong Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA),…
Thứ ba, việc triển khai thực hiện các CKQT về BVMTB do nguồn ÔNTĐL thường do các tổ chức quốc tế và khu vực có uy tín đứng ra chủ trì lập và tổ chức thực hiện, do đó chúng thường huy động được nguồn tài chính lớn từ các quốc gia có tiềm lực và các tổ chức khác nhau để hỗ trợ một số quốc gia thực hiện. Điều này đóng góp vai trò quan trọng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển có sự quan tâm nhất định đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường biển do nguồn ÔNTĐL.
Sự hỗ trợ từ Cơ quan môi trường toàn cầu (GEF) để thực hiện các nội dung của GPA là một ví dụ điển hình. Theo Chiến lược hoạt động của mình, GEF đã thực hiện vai trò xúc tác để bảo vệ vùng nước không bị suy thoái chủ yếu do ô nhiễm từ các hoạt động từ đất liền. GEF tài trợ các hoạt động nhằm đáp ứng các chi phí gia tăng đã thỏa thuận đối với: (1) Hỗ trợ các nhóm quốc gia để hiểu rõ hơn về các vấn đề môi trường của vùng biển khu vực và cùng hợp tác để giải quyết vấn đề; (2) Xây dựng năng lực của các cơ quan hiện hành để đưa ra một cách tiếp cận toàn diện hơn cho kiểm soát ô nhiễm nước xuyên biên giới; (3) Thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước. Tính đến tháng 6 năm 2000, tổng cộng 753 dự án đã được tài trợ theo chương trình hoạt động của GEF. Tổng số tiền cho các dự án này là 2.974 triệu đô la Mỹ và tính theo giá trị, 13 phần trăm là dành cho các dự án vùng biển quốc tế, bao gồm cả kiếm soát nguồn ÔNTĐL. Có hơn 60 mạng lưới tổ chức phi chính phủ toàn cầu và khu vực có liên quan đến việc thiết kế và triển khai các dự án do GEF tài trợ liên quan đến kiểm soát nguồn ÔNTĐL.[2]
Thứ tư, CKQT về BVMTB do nguồn ÔNTĐL còn đóng vai trò là cầu nối để thúc đẩy hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật, chia sẻ kiến thức ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Các CKQT về BVMTB đều coi trọng nội dung về hợp tác trong việc xây dựng cơ sở dữ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thực tiễn tốt nhất và hợp tác để phát triển khoa học kỹ thuật. Hợp tác quốc tế được coi là nội dung quan trọng để thực hiện thành công và tiết kiệm chi phí của chương trình hành động và đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực tài chính. Ví dụ như GPA kêu gọi phát triển một cơ chế thông qua đó các nhà xây dựng chính sách sẽ được cung cấp thông tin cập nhật, kinh nghiệm thực tế và chuyên môn khoa học kỹ thuật. Nội dung này bao gồm một thư mục dữ liệu, cơ chế cung cấp thông tin và cơ sở hạ tầng cần thiết do UNEP điều phối.
Thứ năm, việc xây dựng và thực hiện các “luật mềm quốc tế” về BVMTB do nguồn ÔNTĐL đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng các ĐƯQT về BVMTB. Hiện nay, các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên chính phủ đang kêu gọi để xây dựng thoả thuận quốc tế bắt buộc về rác thải nhựa biển là một ví dụ điển hình. So với các nguồn ô nhiễm biển khác từ đất liền thì rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đang là vấn đề được các quốc gia và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Đó cũng là lý do mà các “luật mềm quốc tế” giải quyết vấn đề rác thải nhựa biển được ban hành nhiều hơn cả và đã đến lúc các quy định mang tính khuyến nghị cần được đánh giá, tổng kết để xây dựng công cụ pháp lý bắt buộc để đảm bảo hiệu quả hơn trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa mang tính toàn cầu này.
[1] Báo cáo điều tra đánh gíá việc thực hiện GPA, Đoạn 119.
[2] GEF Council (2000), Project Performance Report, Tài liệu hội thảo từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 5 năm 2001, mục 9, đoạn 1.