Sign In

Kiểm soát, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường biển: Tổng quan kinh nghiệm của Canada và Austraila

01/07/2021

Chọn cỡ chữ A a  

MỞ ĐẦU Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển đang trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng và cấp bách, đe dọa sự bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước đã và đang hết sức quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương cùng các tổ chức chính trị trong toàn xã hội nhưng hiệu quả của các hoạt động kiểm soát, ứng phó ô nhiễm môi trường biển vẫn còn rất khiêm tốn so với sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển. Điều này tạo ra nhiều rủi ro cho công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường biển.

Kinh nghiệm trong kiểm soát, ứng phó ô nhiễm môi trường biển tại một số quốc gia trên thế giới (ở Canada và Australia) cho thấy rằng các sự cố ô nhiễm môi trường biển hoàn toàn có thể được giảm thiểu và phòng tránh; đồng thời có giá trị cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển nói chung và công tác kiểm soát, ứng phó ô nhiễm môi trường biển nói riêng tại Việt Nam

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

Tại Khoản 1 Điều 3 Chương I, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Theo đó, môi trường bao gồm tất cả mọi thứ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự trao đổi chất hay các hành vi của con người và các cơ thể sống hay các loài, bao gồm ánh sáng, không khí, nước, đất và các cơ thể sống khác”.

Từ khái niệm môi trường, có thể hiểu môi trường biển bao gồm tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự trao đổi chất hay các hành vi của con người và các sinh vật sống trong biển, bao gồm ánh sáng, không khí trên biển, nước biển, đất tại đáy biển (trầm tích biển) và các cơ thể sống trong biển.

Tại Việt Nam, các hệ sinh thái biển và ven biển nắm giữ những vai trò rất quan trọng như điều hòa khí hậu, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các quá trình sinh địa hóa, nhiều khu vực của hệ sinh thái còn là nơi cư trú, sinh đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật ở vùng bờ và ngoài khơi theo mùa, trong đó có nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.

Để bảo vệ môi trường phục vụ đời sống con người và phát triển bền vững, cần có các hoạt động bảo vệ môi trường biển; bao gồm các hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường biển; ứng phó sự cố môi trường biển; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường biển; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển nhằm giữ môi trường biển trong lành.

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bảo vệ môi trường biển là một nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường biển và tăng hiệu quả kinh tế biển. Ngoài ra, việc quản lý môi trường biển còn phòng ngừa và hạn chế chất thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, ứng phó sự cố môi trường biển trên cơ sở phân vùng chức năng bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng có những quy định cụ thể nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính huỷ diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển; và nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển của Việt Nam.

Trên thực tế, ô nhiễm có thể phát sinh từ một nguồn, ở một địa điểm nhất định hoặc từ nhiều nguồn, ở những địa điểm khác nhau. Trong trường hợp ô nhiễm phát sinh từ một nguồn, việc xác định và quản lý tương đối đơn giản do có thể tìm ra nguồn phát sinh và theo dõi được quy mô không gian của tác động. Tuy nhiên, các tác động đa nguồn thì hoàn toàn không thể xác định được một địa điểm phát sinh nào cụ thể, khiến cho hoạt động quản lý sẽ khó hơn nhiều vì khó xác định rõ ràng nguồn phát thải về mặt địa lý.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không thể tránh khỏi các sự cố môi trường biển, bao gồm các sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc trong tự nhiên gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường biển nghiêm trọng. Trong các sự cố môi trường biển, ô nhiễm môi trường biển là một tình trạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Các chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học xuất hiện trong môi trường gây biến đổi các thành phần môi trường cao hơn ngưỡng cho phép, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn đối với môi trường biển.

II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CANADA

Ô nhiễm môi trường biển ở CANADA

Canada là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn với ba mặt giáp biển, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới. Với tổng diện tích vùng biển khoảng 3 triệu km2 và khoảng 24% tổng dân số sinh sống dọc bờ biển. Ô nhiễm môi trường biển của Canada do một số nguyên nhân chính; trong đó quan trọng là từ phát thải của tàu thuyền lưu thông trên biển. (tại Thung lũng Lower Fraser, khí thải biển chiếm 33% tổng lượng phát thải SO2, 22% lượng khí thải NO và 12% bụi PM2.5).

Trước đây, Canada là quốc gia thủy sản, hàng hải và chú trọng phát triển hai lĩnh vực ngày trong khai thác và sử dụng tài nguyên biển.Với nguồn tài nguyên biển phong phú và tính đa dạng sinh học cao cùng quan niệm “tài nguyên biển là vô tận”, một thời gian dài, biển là nơi cho mọi đối tượng khai thác và sử dụng (open access). Sau này, với sự phát triển của KHCN, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn dầu tư cho các hoạt động khai thác, tài nguyên biển dần cạn kiệt ở một số vùng biển, Chính phủ phải can thiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả việc đóng cửa các khu vực khai thác nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái về nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, việc xuất hiện và phát triển của những ngành, nghề mới đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý biển ở Canada (đó là: việc nhiều ngành, nghề cùng sử dụng chung mặt nước biển sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn về lợi ích, chồng chéo về trách nhiệm và trùng lặp về thẩm quyền quản lý,…). Việc quá chú trọng vào khai thác mà không chú ý tới công tác bảo tồn, dẫn đến nguồn tài nguyên biển bị cạn kiệt, nhiều loài động, thực vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, đa dạng sinh học biển bị đe dọa, hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sống của con người. Lúc này, viêc quản lý biển đã không còn đơn giản như trước mà trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Cơ quan quản lý đòi hỏi phải giải quyết một lúc nhiều vấn đề nếu muốn quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên biển, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển.

Kinh nghiệm kiểm soát, ứng phó với ô nhiễm môi trường biển của Canada

Canada là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia, áp dụng phương thức quản lý tổng hợp - một phương thức quản lý hiện đại, thích hợp đối với biển. Hệ thống chính sách, pháp luật biển của Canada được xây dựng và phát triển trong thời gian dài gắn với quá trình thay đổi tư duy về quản lý biển. Năm 2002, Canada đã xây dựng, ban hành[1] Chiến lược biển.

Đây được xem như tuyên bố về chính sách của Chính phủ Canada về quản lý các hệ sinh thái cửa sông, bờ biển và đại dương ở tầm quốc gia. Chiến lược biển quy định về việc áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp đối với các vùng biển, nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ về chính sách và chương trình quản lý giữa các cơ quan với các chủ thể có liên quan. Chiến lược biển Canada xác định rõ 3 mục tiêu lớn trong quản lý biển, đó là:

Hiểu biết và bảo vệ môi trường biển;

Hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững;

Nâng cao vị thế về biển của Canada trên quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược cũng đã đề ra một số nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; trong đó bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp, phát triên bền vững và cẩn trọng. Ngoài ra, cũng đề cập đến một số nguyên tắc khác như: nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái (ecosystem-based), dựa vào khoa học (science-based).

Cùng với đó, Chính phủ Canada tái khẳng định cam kết về việc áp dụng rộng rãi nguyên tắc cẩn trọng trong bảo tồn, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Về quản lý biển, Canada khẳng định đây không phải là công việc và trách nhiệm của riêng chính quyền liên bang. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải chia sẻ trách nhiệm này. Chính vì vậy, quản lý biển xác định trong Chiến lược biển là một quá trình làm việc tập thể, kết hợp giữa chính quyền liên bang với các cấp chính quyền khác nhằm chia sẻ trách nhiệm để hương tới những mục tiêu chung. Đồng thời, Chiến lược biển cũng thể hiện cam kết của Chính phủ Canada trong việc huy động và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định đối với những công việc liên quan theo mô hình đồng quản lý hoặc quản lý dựa vào cộng đồng.

III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA AUSTRALIA

Ô nhiễm biển của Australia

Australia là quốc gia sở hữu các dạng môi trường sống đa dạng từ bãi hoang núi cao đến rừng mưa nhiệt đới và được công nhận là một quốc gia có đa dạng sinh học siêu cấp. Gần ¾ người dân Australia sinh sống tại các đại thành thị và khu vực duyên hải. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu trở thành một mối quan tâm ngày càng tăng lên tại quốc gia này, khiến cho bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ môi trường biển trở thành một vấn đề chính trị lớn. Các hệ sinh thái ở quốc gia hiện đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường biển.

Theo thống kê[2], các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường biển, gồm có: sự cố tràn và rò rỉ dầu; đổ thải ra biển (chất thải từ sinh hoạt của người dân cũng như từ nhà máy công nghiệp được đổ ra biển với lượng lớn và mức độ thường xuyên), trầm tích (các loạt đất bị nhiễm kim loại nặng tích tụ ngày càng nhiều, kết hợp cùng với các thành phần hóa học trong chất thải đổ ra biển làm nhiễm độc nguồn nước biển), nhiên liệu độc hại (do có nhiều cảng biển và các điểm đón khách du lịch nên nhiên liệu từ các tàu thuyền bị rò rỉ hoặc tràn ra ngoài hoặc sự phát thải nhiên liệu trong nước dẫn đến sự tích tụ các chất độc hại,…).

Kinh nghiệm từ Australia

Chính phủ Australia rất chú trọng đến sự an toàn của các đại dương và là một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường biển. Để ngăn chặn mọi hành vi có thể gây ô nhiễm môi trường biển, Chính phủ Australia đã ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như các công cụ pháp lý rất chặt chẽ và đồng bộ. Văn bản có tính chất cơ sở cho các hoạt động quản lý môi trường biển và ứng phó với sự cố ô nhiễm biển là Đạo luật bảo vệ môi trường biển năm 1981 và Đạo luật bảo vệ môi trường năm 1986[3]. Đây được coi là hành lang pháp lý với nhiều quy định cụ thể về hoạt động quản lý chất thải ra biển, điển hình như quy định về tải trọng xả thải cũng như đốt các chất thải trên biển nhằm giảm thiểu rủi ro từ chất thải đổ vào biển ở các vùng ven bờ.

Giấy phép xả thải cũng được Chính phủ Australia xem như một chứng chỉ bắt buộc đối với tất cả các hoạt động xả thải ra biển. Mỗi năm, chỉ có khoảng 30 giấy phép xả thải ra biển được Chính phủ Australia cấp; chủ yếu cho các dự án nạo vét bùn đất bị nhiễm độc ở khu vực ven biển. Bên cạnh đó, Giấy phép tạo rặng san hô nhân tạo cũng là công cụ hiệu quả trong việc tạo ra những điều kiện tự nhiên có lợi cho các loài sinh vật biển, cũng như được quy định cụ thể trong 2 đạo luật. Để được cấp giấy phép, các dự án phải được thẩm định chặt chẽ các nhu cầu, tác động tới môi trường hiện tại và tiềm năng cũng như ảnh hưởng các biện pháp đề xuất.

Kế hoạch quốc gia chống ô nhiễm biển của Australia và Kế hoạch hành động vì Môi trường hoang dã là hai khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho cơ quan an toàn hàng hải Australia là cơ quan trực tiếp tham gia ứng phó với các sự cố ô nhiễm môi trường. Điển hình vụ tràn dầu ở Montara năm 2009, giàn khoan giếng dầu bị sự cố kỹ thuật dẫn đến việc tràn dầu ra biển. Cơ quan an toàn hàng hải Australia phối hợp với Cơ quan Môi trường, nước, di sản và môi trường đã tham gia ứng phó và giải quyết thành công vụ việc.

Về cơ chế hoạt động của Cơ quan an toàn hàng hải Australia trong các hoạt động ứng phó với ô nhiễm môi trường biển, cơ quan này có nhiệm vụ ứng phó bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm cũng như các tác động môi trường tiêu cực khác gây ra bởi hoạt động vận tải biển; bao gồm các lĩnh vực như: ứng phó với sự cố, đào tạo nhân lực và xây dựng năng lực ứng phó cho các địa phương và cộng đồng dân cư,…Cơ quan này cũng tham gia cùng với các chính quyền địa phương trong việc ứng phó các sự cố ô nhiễm do chất thải độc hại, sinh vật ngoại lai gây hại, ô nhiễm do vận tải biển…

IV. BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

Thứ nhất, chính phủ Canada và Australia rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường biển thông qua việc kiểm soát và ứng phó với ô nhiễm môi trường biển. Với những văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất ràng buộc chặt chẽ và đồng bộ, chính phủ của hai quốc gia này đã ngăn chặn và kiểm soát tình trạng ô nhiễm ngay trong các hoạt động xả thải ra biển. Bên cạnh việc hạn chế các hoạt động xả thải, chính phủ cũng khuyến khích có kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường sinh sống của các loài sinh vật biển cũng như tái tạo môi trường và các nguồn tài nguyên biển.

Thứ hai, chính phủ rất chú trọng trong việc tăng cường năng lực ứng phó và giải quyết các sự cố ô nhiễm môi trường biển. Việc thiết lập các cơ chế chính sách cho công tác quản lý môi trường và ô nhiễm biển cũng như hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đơn vị ứng cứu sự cố. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý kịp thời và hiệu quả các sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Thứ ba, việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và đơn vị có liên quan trong việc xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường biển cũng nắm giữ vai trò quan trọng trong sự thành công cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có được những khu động, thực vật có tính đa dạng sinh học cao. Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy biển Việt Nam có các hệ sinh thái điển hình cho vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như: Hệ sinh thái rặng san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn… Biển Việt Nam cũng cung cấp một nguồn lợi thủy hải sản rất quan trọng, có đóng góp lớn cho nền kinh tế trong các ngành thương mại xuất khẩu và dịch vụ.

Theo điều tra nghiên cứu, trong vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, với khoảng 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình và thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trong đó có khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUNN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ. Ngoài động vật, biển còn cung cấp cho con người nhiều loại rong biển có giá trị, cung cấp một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và nguồn dược liệu phong phú. Ngoài ra, Biển Đông còn có các tài nguyên phi sinh vật như dầu khí và thiếc với trữ lượng lớn, tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng của các nguyên tố hiếm.

Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của Việt Nam có trữ lượng tiềm năng khoảng trên 10 tỷ tấn dầu quy đổi và khí dốt với trữ lượng khai thác khoảng 3.000 tỷ m3/năm. Đến cuối thế kỷ XXI, các nguồn năng lượng của nước ta cũng sẽ trở nên khan hiếm, nếu tốc độ gia tăng mức khai thác nguồn năng lượng như hiện nay thì các mỏ dầu và khí đang khai thác suy giảm sản lượng, các mỏ mới phát hiện có trữ nhỏ, tài nguyên dầu khí được dự báo sẽ cạn kiệt trong khoảng 50 năm tới[4].

Vùng ven biển và trên các đảo ở nước ta có dân cư sinh sống khá đông đúc, nguồn lao động dồi dào với khoảng 30 triệu dân (bằng 28% dân số cả nước, cao hơn khoảng 1,2 lần mật độ trung bình chung của cả nước). Yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế đặt ra nhu cầu gia tăng khai thác tài nguyên biển phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ góc độ phát triển kinh tế, đường bờ biển của Việt Nam dài, nằm kề trên các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới, có nhiều vịnh sâu là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển và mở rộng giao lưu với bên ngoài. Vùng biển nước ta còn có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuật lợi, tạo lợi thế cho phát triển du lịch biển, ven biển và đảo với nhiều loại hình khác nhau.

Hiện nay, chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ của Việt Nam tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu, bị ô nhiễm và suy thoái. Môi trường biển nước ta đang phải đối mặt với những thách thức tù chính các hoạt động phát triển gồm cả trên biển và trên đất liền, trong đó tác động từ nguồn đất liền rất đáng chú ý. Việc quản lý, kiểm soát hoạt động xả thải ra biển từ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển đang bộc lộ yếu kém và sự cố môi trường ven biển xảy ra thường xuyên ở quy mô khác nhau. Đặc biệt, lượng vật, chất đăng ký và xin cấp phép nhận chìm ra biển trong thời gian gần đây cũng gia tăng theo nhu cầu đầu tư, chuyển dịch kinh tế. Các công trình trên biển và ven biển càng ngày càng được xây dựng thêm nhiều đã tác động mạnh đến hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển và, trầm tích biển; vận tải biển tạo ra những tác động xấu đến môi trường (tràn dầu do tàu thuyền, xây dựng cảng và ô nhiễm từ đóng tàu thuyền…); các rặng san hô và rừng ngập mặn suy giảm khiến cho đa dạng sinh học bị suy giảm; chất lượng môi trường biển thay đổi làm phá hủy các nơi cư trú tự nhiên của các loài sinh vật…

Hệ thống thể chế chính sách pháp luật ở Việt Nam về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để làm cơ sở quản lý; nhân lực quản lý còn thiếu và yếu; nhận thức của cộng đồng dân cư ven biển và trên biển về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao; cơ sở vật chất trang thiết bị còn chưa đầy đủ,… Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển còn chưa được chú trọng. Vì vậy để có thể thực hiện quản lý tốt môi trường biển, đồng thời ứng phó kịp thời với những sự cố, ô nhiễm môi trường biển, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần phải chú trọng một số nội dung như:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp thống nhất về biển trên cơ sở phân vùng chức năng, quy hoạch không gian biển và thực hiện cơ chế giám sát tổng hợp là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, các hệ sinh thái ven biển và bảo vệ môi trường biển.

Thiết kế và thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái tài nguyên, cảnh báo thiên tai và sự cố môi trường trên biển; ưu tiên triển khai các dự án quản lý, bảo vệ tài nguyên biển, môi trường biển như xử lý chất thải, ứng cứu sự cố môi trường hay ô nhiễm biển,…

Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ven biển; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Thường xuyên đánh giá các điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển; thực hiện định kỳ các hoạt động quan trắc, giám sát những biến động về tài nguyên và môi trường biển và vùng ven bờ biển; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường cũng như đánh giá định kỳ việc tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường.

Ứng dụng và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp bảo vệ môi trường biển và dải ven bờ; kết hợp với quản lý lưu vực thượng nguồn; ưu tiên mở rộng và phát triển các khu bảo tồn biển để duy trì, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liên và biển, các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học.

KẾT LUẬN

Việt Nam là quốc gia có rất nhiều thế mạnh về biển để có thể phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế đó, quá trình phát triển kinh tế biển cũng cần phải tính đến yếu tố môi trường biển. Từ các bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới nêu trên, có thể nhận thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường biển là vấn đề đáng báo động; do đó, các quốc gia cũng như Việt Nam cần phải chú trọng bảo đảm chất lượng môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển, luôn luôn phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, ô nhiễm biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Australian Government Official. Available at:  ttp://www.environment.gov.au.

Canada Government (2002), Canada Marine Act. Available at: http://www.bv.transports.gouv.qc.ca/mono/1150299.pdf (Access dated August 6 2018).

Chính sách, pháp luật về quản lý biển của Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nuka Research an Planning group (2015), “Marine oil spill prevention, preparedness, response and recovery”, West Coast spill response study, Volume 3, Massachusetts, USA.

OECD (2016). The Ocean Economy in 2030.

Pettipas S. et al (2016), A Canadian policy framework to mitigate plastic marine pollution, Marine Policy, Volume 68, pp.117-122.

Warner R.M. (2012), “Australia’s maritime challenges and priorities: Recent developments and future prospects:, in: Ho & Bateman (ed), Maritime challenges and priorities in Asia: Implications for regional security, pp.251-271.

 

 


[1] Canada Government (2002), Canada Marine Act. Available at: http://www.bv.transports.gouv.qc.ca/mono/1150299/pdf

[2] Australian Government Offical. Available at: http://www.environment.gov.au

[3] Warner R.M. (2012), Australia’s maritime challenges and priorities: Recent devolopments and future prospects, in: Ho & Bateman (ed), Maritime challenges and proprities in Asia: Implications for regional security, pp.251-271.

[4] Theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Ths Trần Tuấn Sơn- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Ý kiến

Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn

Ngày 24/7, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại rác tại nguồn”

Nhân rộng các khu bảo tồn góp phần xây dựng thương hiệu "biển Việt Nam"

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển... Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu "biển Việt Nam".

Tin ảnh: Lễ trao Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2021

Chiều ngày 10/12, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Lễ trao Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” được tổ chức vinh danh 13 tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm dự và phát biểu tại buổi lễ.