Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhân dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023. Theo Ông Nguyễn Đức Toàn, sau 5 năm năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, với những định hướng đúng đắn trong mục tiêu và khâu đột phá, sự quyết tâm chính trị, kinh tế biển Việt Nam đã có những bước chuyển mình nhất định, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển bền vững kinh tế biển theo mô hình kinh tế biển xanh.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong Nghị quyết số 26/NQ-CP, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” được giao chỉ đạo toàn diện việc triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP. Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Theo Ông Nguyễn Đức Toàn, qua gần 5 năm theo dõi, đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP, có thể thấy rằng, chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng các Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; xung đột Nga - Ukraine kéo dài ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và đặc biệt hậu quả của đại dịch Covid -19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; cùng với đó dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân tại các địa phương có biển.
Đứng trước các khó khăn trên, các bộ, ngành và địa phương đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nỗ lực giải quyết, ứng phó kịp thời với những vấn đề mới phát sinh để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các công việc đề ra trong Nghị quyết số 26/NQ-CP. Trước khi làm việc với các địa phương có biển, các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đều có những cuộc kiểm tra hiện trường, tiếp xúc trực tiếp với người dân để nắm bắt tình hình cụ thể để lắng nghe nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế biển tại địa phương. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ một số nhóm nhiệm vụ các bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện nhằm cụ thể hóa 03 khâu đột phá, đó là “thể chế”, “khoa học - công nghệ” và “kết cấu hạ tầng”. Nhờ vậy kinh tế biển đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, tại Trung ương, đã có 11 cơ quan ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP. Có 27/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó đều xác định kinh tế biển là lợi thế và trọng tâm để tạo động lực tăng trưởng tại địa phương. Công tác truyền thông đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được tiến hành thường xuyên đã tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Các chủ trương lớn, khâu đột phá được tập trung triển khai và có những kết quả tích cực như:
Thứ nhất, về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhiều bộ, ngành đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, chương trình liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững kinh tế biển, như:
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã trình Hội đồng thẩm định quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia cũng đang được gấp rút xây dựng, bảo đảm trình đúng thời hạn. Các đề án về hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển, Chương trình truyền thông về biển và đại dương,… đã được ban hành. Bộ TN&MT cũng đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và đầu tư về hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế biển.
Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng các quy hoạch ngành như: bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai xây dựng đồng bộ 05 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó đã trình ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch mạng lưới đường bộ,…
Bộ Công thương đang xây dựng trình Quy hoạch tổng thể về năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có những yêu cầu khá cụ thể về quy mô phát triển điện gió ở biển và ven biển,… nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải khí nhà kính.
Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu KH&CN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” (mã số KC.09/16-20).
Thứ hai, một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển truyền thống có sự phát triển ổn định sau đại dịch Covid-19. Ngành khai thác và nuôi trồng phát triển ổn định qua nhiều năm, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, sản lượng thủy sản khoảng 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2021, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm đến 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm 2021. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu tôm nuôi tăng.
Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Khu vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ ven biển và biển được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hơn 9%.
Vận tải đường biển năm 2022 là 108,9 triệu tấn, tăng 27,9% so với năm 2021 và 34,7% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua đường biển năm 2022 khoảng 732,5 tỷ đô la, tăng 9,5% so với năm 2021.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng ven biển được cải thiện rõ rệt. Các tuyến đường ven biển ở miền Bắc và miền Trung giúp kết nối các khu du lịch dịch vụ hiện có dọc bờ biển; tạo điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ ven biển, hình thành các nguồn lực mới để phát triển KT-XH phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam; góp phần thu hút đầu tư về thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm xây dựng, tu bổ,…
Thứ tư, công tác BVMT, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển được tăng cường; hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được quan tâm sát sao. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích hơn 206 nghìn ha, trong đó có 185 nghìn ha biển. Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển.
“Nhìn chung, kinh tế biển có những bước phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của đất nước. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu từ quy hoạch đến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư được tăng cường về tiềm lực và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững và ngày càng được củng cố vững chắc” - Ông Nguyễn Đức Toàn nhận định.