“Ngày Đại dương thế giới năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021 - 2030). Theo đó, khuyến khích nỗ lực bảo vệ, thu thập, ứng dụng các khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển. Do đó, có thể thấy vấn đề bảo vệ đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW cần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và sự chung tay của toàn xã hội”.
TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nhấn mạnh điều này nhân kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo năm nay. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 36-NQ/TW đang mang đến một tư duy mới về khai thác biển bền vững.
* Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW
Nghị quyết 36-NQ/TW ra đời vào tháng 10/2018, đến nay đã đi được chặng đường hơn 2 năm rưỡi. Ngay khi ra đời, một nghị quyết lớn với nhiều tư duy mới đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh mà bền vững. Sau gần 3 năm, thời gian chưa đủ dài để đánh giá một Nghị quyết song có thể thấy các kết quả bước đầu đáng hy vọng.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để triển khai Chiến lược PTBV KTB trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch tài chính NSNN giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập Ban chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Về việc phát triển các khu kinh tế biển và ven biển bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phảm du lịch.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU, tăng 6%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của nước ta vẫn đạt hơn 340 triệu tấn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 7/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo phát hiện mỏ khí và condensate tại Kèn Bàu, thuộc Bể Sông Hồng (cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km), ước tính trữ lượng từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD năm 2019, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn). Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Trong 3 năm vừa qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh),… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả.
Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha. Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, KCN ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49% cao hơn bình quân cả nước (37,5%).
Bên cạnh phát triển kinh tế, một mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển là bảo vệ môi trường, bảo tồn, đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Tỷ lệ diện tích khu bảo tồn biển đạt 0,172% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Đến nay, đã có 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.
Đối với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, năm 2020, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động, tích cực và phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quan Brunei, Campuchia, Thái Lan,… Việt Nam đã phối hợp cứu vớt ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, phối hợp với Indonesia bắt giữ tàu cướp biển.
Trong 3 năm vừa qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam
* Hoàn thiện các quy hoạch biển
Theo TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một trong những việc quan trọng để thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW là xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai các nội dung, dự án trong Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo đến năm 2030, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý TNMT biển, hải đảo đến năm 2030.
Trước mắt, trong năm 2021 sẽ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kế quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh.
Cũng trong năm 2021 cần sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW và tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam lần thứ nhất, huy động sự hợp tác và các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đồng thời sớm kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Hàng loạt các dự án, nhiệm vụ, chương trình cần triển khai đúng tiến độ như danh mục 42 nhiệm vụ ưu tiện trong Nghị quyết số 26/NQ-CP, 14 dự án trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo đến năm 2030, Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý TNMT biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biểnViệt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông (Bộ Ngoại giao); Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 (Bộ Y tế).