Quy hoạch không gian biển quốc gia được Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng, thiết lập trình Quốc hội phê duyệt với kỳ vọng đảo ngược xu thế ô nhiễm, tạo lập một nền kinh tế biển thay đổi mạnh mẽ từ “nâu” sang “xanh”, hài hòa phát triển kinh tế bền vững.
(Ảnh minh họa)
Vai trò quan trọng của quy hoạch không gian biển
Thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch không gian biển. Để phát huy hiệu quả và bền vững các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ biển cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước tình hình mới của đất nước, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì lập Quy hoạch không gian biển Quốc gia “Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, làm cơ sở cho quản lý phát triển bền vững vùng biển, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh.
Quy hoạch này cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển KT-XH; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích KT-XH, BVMT, QP-AN, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Để thực hiện những mục tiêu của Chính phủ, Quy hoạch không gian biển Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc phân vùng để thực hiện các mục tiêu khác nhau. Việc phân vùng sử dụng đất ven biển được thực hiện theo quy hoạch 4 vùng phát triển kinh tế được xác định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW; QHSDĐ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có liên quan.
Phân vùng sử dụng biển sẽ dựa vào hệ sinh thái và nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương. Bên cạnh đó, ranh giới phân định trên biển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ chưa được xác định nên các vùng sử dụng có thể nằm trong hơn một vùng phát triển kinh tế biển. Phần quy hoạch chi tiết và phân vùng sử dụng đảo do các địa phương được phân cấp quản lý thực hiện theo định hướng phát triển các đảo trong Quy hoạch này.
Dựa trên kết quả đánh giá, xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng - an ninh.
Góp phần thúc đẩy phát triển các ngành mới
Quy hoạch không gian biển được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc giúp xác định các khu vực phù hợp cho các dự án năng lượng gió ngoài khơi, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế xanh bằng việc thúc đẩy các công nghệ đổi mới, ứng phó với các tác động của BĐKH và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam: Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết, để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, và các mục tiêu về BĐKH đã công bố tại COP26, trong đó có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quy hoạch không gian biển nên được xem là một quá trình liên tục.
Theo đại diện UNDP, điều quan trọng là phải đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành quy hoạch không gian biển cũng như xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ được thực hiện một cách công khai, có tham khảo ý kiến của mọi đối tượng trong xã hội. Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương, đóng vai trò rất quan trọng, để đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương”.
Việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển các ngành mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển mở cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH.
GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH cho rằng, đây là cơ hội vàng để tích hợp tất cả những mục tiêu quan điểm, nội dung và giải pháp vào trong quy hoạch phát triển của các tỉnh có biển tức 28 tỉnh, thành thông qua nội dung của kế hoạch của mình cũng như giải pháp huy động nguồn lực theo mô hình: Tổng công trình sư là cơ quan QLNN ở địa phương cộng với sự chủ động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng các nhà khoa học trên nền tảng bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, BVMT, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm QP-AN, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và QP-AN, phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ Trước đó, Bộ TN&MT cũng tổ chức công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.