Sign In

Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia: Chuyển đổi số trong quản lý biển và hải đảo, chọn bài toán phù hợp để bắt đầu

15/12/2023

Chọn cỡ chữ A a  

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong đơn vị đã luôn được Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia chú trọng triển khai nhằm nâng cao chất lượng thực các hiện nhiệm vụ, dự án, phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, đồng thời góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam. Có thể thấy rằng, chuyển đổi số là điều cần thiết, là tất yếu trong kỷ nguyên 4.0 phát triển không ngừng. Trước tình hình đó, các công cụ chuyển đổi số được xây dựng để đáp ứng nhu cầu hiện đại, đồng bộ trong triển khai nhiệm vụ của Trung tâm thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia đòi hỏi đơn vị cần tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn trong hiện tại và tương lai.

Do đó, việc lựa chọn đúng và tập trung vào những bài toán cụ thể đang cần tìm lời giải, giải các bài toán này bằng dữ liệu và công nghệ, sẽ trở thành phương hướng để thực hiện hành trình chuyển đổi số một cách hiệu quả.

article.jpg

Bài toán lớn

Cùng với Chính phủ, ngành TN&MT đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi số ngành TN&MT (giai đoạn 1) đã được Bộ TN&MT phê duyệt, theo đó Bộ TN&MT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Những bài toán lớn trong CĐS của ngành TN&MT đã được đặt ra, chuyển đổi số sẽ được triển khai trên tất cả lĩnh vực quản lý, hướng tới “số hóa” ngành TN&MT: Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia; quan trắc TN&MT; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản;… Xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển KT-XH. Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ TN&MT, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Trong các Nghị quyết gần đây nhất của Chính phủ, có thể thấy rõ các bài toán lớn về CĐS trong quản lý quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Cụ thể như: Nghị quyết số 48/NQ-CP về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu “Xây dựng các công cụ, ứng dụng phân tích khai thác cơ sở dữ liệu lớn, đưa dữ liệu thành các thông tin, hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, hỗ trợ đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế”; Nghị quyết số 93/NQ-CP chính phủ về Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 nêu “Đẩy nhanh việc chuẩn hóa dữ liệu và thống nhất quản lý sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân. Triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, địa phương với cơ sở dữ liệu biển và hải đảo quốc gia”.

Cần chọn một bài toán cụ thể

Theo Ông Võ Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, những bài toán lớn cần có quá trình dài để hoàn thành, để bắt đầu quá trình chuyển đổi số hiệu quả, cần chọn một bài toán cụ thể, phù hợp với đặc thù trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện nay. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, từ kinh nghiệm của các lĩnh vực khác đã có quá trình phát triển sớm hơn so với quản lý biển và hải đảo, là đơn vị tư vấn công tác chuyển đổi số cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia chọn bài toán thực hiện chuyển đổi số trong “Quản lý tổng hợp và thống nhất về giao các khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên phạm vi cả nước”.

Ông Võ Xuân Hùng đã đưa ra hiện trạng của bài toán:

Từ nhu cầu thực tế đến từ các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Từ yêu cầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quản lý giao khu vực biển; Bảo đảm sự quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường biển; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững. Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp trong khu vực biển được giao; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bảo đảm phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển.

Với các nhiệm vụ đăt ra như trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014, và sau đó được cập nhật, sửa đổi tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan này sẽ còn tiếp tục được cập nhật cùng với quá trình triển khai việc giao sử dụng biển.

Để quản lý công tác giao khu vực biển theo Nghi định số 51, yêu cầu xây dựng, quản lý hệ thống thông tin; dữ liệu về giao, sử dụng khu vực biển trên phạm vi cả nước cũng được đặt ra và trong giai đoạn 2016-2019, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam lúc đó đã đầu tư xây dựng Hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển,  đưa vào vận hành từ năm 2019 đến nay, Hệ thống đã góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biển và hải đảo, tăng cường vai trò quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo. Tuy nhiên, từ góc nhìn của chuyển đổi số, Hệ thống mới thực hiện được nội dung số hóa dữ liệu về giao khu vực biển.

Dự án Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam là dự án khởi đầu cho việc hình thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên phạm vi cả nước, dự án được Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (cũ) giao cho Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2012 và sau khi kết thúc dự án năm 2012, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia tiếp tục duy trì vận hành và cập nhật hàng năm ở một mức độ nhất định cho nội dung của các cơ sở dữ liệu thuộc dự án này. Cơ sở dữ liệu này có nhiều các cơ sở dữ liệu thành phần từ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến các dữ liệu về phạm vi, ranh giới pháp lý trên biển; đây là những thông tin quan trọng để tham chiếu khi thực hiện việc thẩm định và lập hồ sơ các khu vực biển được đề nghị giao sử dụng biển từ các tổ chức, cá nhân.

Những cơ sở dữ liệu đã và đang được triển khai và sẽ hình thành trong tương lai như cơ sở dữ liệu về quy hoạch không gian biển, cơ sở dữ liệu quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ giai đoạn 2025-2030, cơ sở dữ liệu về các khu vực có khả năng nhận chìm, các dữ liệu quy hoạch của ngành, của địa phương trong sử dụng biển... là những thông tin cần phải tham chiếu trong quá trình giao các khu vực biển.

Đối tượng áp dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về giao khu vực biển là các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển được cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành,... Các dữ liệu sử dụng ở đây là dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cho các lĩnh vực của đời sống, xã hội đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh trên nền tảng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Việc cấp Quyết định giao khu vực biển, giấy phép nhận chìm ở biển là những dịch vụ công trực tuyến của Bộ TN&MT, được đăng ký và thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiến trình xử lý hồ sơ sẽ được công khai tại đây.

Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật; Cục thuế nơi có hoạt động sử dụng khu vực biển ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng khu vực biển; Tổ chức, cá nhân được quyết định giao khu vực biển có trách nhiệm nộp tiền sử dụng khu vực biển vào ngân sách nhà nước trong thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.

Sau khi được giao khu vực biển và đi vào khai thác, sử dụng theo giấy phép, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Qua các ràng buộc, các liên quan, các quy trình, thủ tục, các thông tin cần có trong quá trình thực hiện việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân;

Với yêu cầu cụ thể của bài toán chuyển đổi số về nội dung số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình, kết nối các cơ sở dữ liệu và cuối cùng là thay đổi cách thức vận hành, thực hiện việc lập hồ sơ, giao và quản lý, giám sát khu vực biển.

Với hiện trạng hiện nay mới ở mức số hóa một số dữ liệu và các cơ sở dữ liệu rời rạc, Để thực hiện việc chuyển đổi số trong “Quản lý tổng hợp và thống nhất về giao các khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên phạm vi cả nước” là một khối lượng công việc không hề đơn giản.

Đề xuất lời giải cho bài toán

Theo Ông Võ Xuân Hùng, việc thực hiện bài toán cần có từng bước đi cụ thể, tập trung vào bài toán cần giải trước khi có thể đưa ra các lựa chọn về công nghệ (ứng dụng công nghệ là một yêu cầu bắt buộc). Vì vậy, Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia dự kiến các bước đi cụ thể như sau:

Bước 1: Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia sẽ triển khai dự án được Bộ TN&MT đồng ý cho triển khai từ 2024 với mục tiêu nâng cấp Hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác giao khu vực biển đã thực hiện trước đây. Trong giai đoạn này sẽ thực hiện: Thiết kế khung dữ liệu và hệ thống phù hợp với sự phát triển lâu dài, dự báo những vấn đề phát sinh trong tương lai. Kết nối các cơ sở dữ liệu trong phạm vi quản lý của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam có liên quan trực tiếp hoặc dùng tham chiếu cho công tác giao khu vực biển. Kết nối Hệ thống với hệ thống dịch vụ công liên quan thuộc Cổng dịch vụ công quốc gia.Thực hiện việc chia sẻ dữ liệu của hệ thống với các hệ thống quản lý dữ liệu TN,MT biển và hải đảo của các địa phương có biển. Thực hiện việc công khai thông tin dữ liệu thuộc hệ thống và cung cấp dữ liệu cần thiết đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan như cơ quan cấp phép (các cấp), các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Cục thuế nơi có hoạt động sử dụng khu vực biển và cá nhân, tổ chức sử dụng khu vực biển.

Bước 2: Thực hiện việc kết nối Hệ thống với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành liên quan như cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; bắt đầu thực hiện việc số hóa các quy trình giao và sử dụng biển, tạo bước thay đổi  trong quy trình giao khu vực biển chuyển sang một quy trình có sự hỗ trợ tự động của thông tin, dữ liệu.

Bước 3: Trên cơ sở phát triển chung của hệ thống này và các nền tảng chuyển đổi số của Bộ TN&MT, của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thực hiện nâng cấp hoàn thiện Hệ thống theo hướng tự động hóa các quy trình trên nền tảng dữ liệu, từ việc đánh giá sự phù hợp của khu vực biển với hoạt động xin cấp phép, năng lực của cá nhân, doanh nghiệp xin cấp phép, đánh giá, theo dõi quá trình sử dụng biển, thông báo và nộp nghĩa vụ sử dụng biển.

Cơ hội và lợi ích của CĐS đối với phát triển kinh tế biển bền vững

Chuyển đổi số trong lĩnh vực biển và hải đảo mang lại những cơ hội và lợi ích lớn đối với quản lý, bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững tài nguyên biển đảo. Bên cạnh việc đem lại sự thuận tiện, linh hoạt, và khả năng theo dõi trực tuyến cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho quyết định thông minh và đề xuất giải pháp đổi mới, việc sử dụng công nghệ số đưa vào công tác quản lý không chỉ giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả trong quản lý tài nguyên biển, mà còn hỗ trợ trong việc đối mặt với những thách thức phát sinh trong tương lai.

Theo đánh giá của Ông Võ Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, bài toán mà Trung tâm đã lựa chọn ở đây là một lựa chọn phù hợp, bài toán này có đủ các yếu tố cấu thành của một dự án chuyển đổi số có sự kết nối của nhiều cơ sở dữ liệu biển quan trọng; có sự chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ ngành với nhau, sự gắn kết giữa trung ương với địa phương và có sự đa dạng đối tượng sử dụng.

Song song với sự phong phú của bài toán sẽ cần có sự đồng bộ về quá trình chuyển đổi số của các đơn vị có liên quan, Sự đồng thuận của chính quyền các cấp cho đến người dân khi thay đổi quy trình làm việc, sẽ là nhưng khó khăn của bài toán khi thực hiện. Tuy vậy, vẫn cần phải triển khai đi đầu để mở ra không gian phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ý kiến

Quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Sáng ngày 26/9/2024 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân; Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn điều hành và chủ trì Hội nghị.

Tập trung nguồn lực hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia

Hiện nay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành cùng với 28 tỉnh, thành phố có biển.

Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “mặt tiền” của quốc gia, “khúc ruột”, “cửa ngõ” ra biển cả, “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, Vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý. Một số chuyên gia đã đề xuất giải pháp nhằm đưa khu vực này phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững.