Sáng 10/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực nhằm nhìn nhận lại giá trị, vai trò của Công ước cũng như chặng đường Việt Nam thực thi những quy định của Công ước trong 30 năm qua. Buổi lễ có sự tham dự của các đại biểu đến từ Liên hợp quốc, các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các Bộ/ngành của trung ương và địa phương, đặc biệt là sự tham gia của các Đại sứ, cán bộ lão thành của đất nước, gắn bó với quá trình xây dựng và thực hiện và vận dụng Công ước trong 30 năm qua kể từ khi có hiệu lực.
Các đại biểu tham dự Lễ Khai mạc Lễ Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, cách đây 30 năm vào ngày 16/11, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (hay còn gọi là UNCLOS), văn kiện điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, chiếm hơn 70% bề mặt trái đất, chính thức có hiệu lực. Nhân dịp này, Bộ ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực nhằm nhìn nhận lại giá trị, vai trò của Công ước cũng như chặng đường Việt Nam thực thi những quy định của Công ước trong 30 năm qua.
Đây cũng là dịp để đánh giá, nghiên cứu khả năng vận dụng Công ước phục vụ tốt hơn lợi ích của đất nước. Đồng thời, Lễ kỷ niệm là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận về những thách thức mới nổi mà Công ước đang phải đối mặt và định hướng cho sự đóng góp của Việt Nam và các nước vào tương lai phát triển của Công ước Luật biển.
Hiến pháp về biển và đại dương giữ vững vai trò là khuôn khổ pháp lý toàn diện, nhất quán
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh “Trải qua ba thập kỷ, Công ước, được mệnh danh là bản “Hiến pháp về biển và đại dương”, đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý, trong việc sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau”
Công ước không chỉ đảm bảo công bằng và bền vững trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển, mà còn đề ra các nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển, là cầu nối trong việc hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.
Vấn đề nghiên cứu khoa học biển cũng được điều chỉnh một cách hài hòa, cân bằng chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển với nhu cầu hợp tác, yêu cầu gia tăng hiểu biết để có thể quản trị tốt biển và đại dương.
Công ước cũng đã đặt ra cơ sở vững chắc để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển, đồng thời quy định cơ chế giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng Công ước.
Phán quyết của các cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của UNCLOS cũng góp phần làm sáng tỏ các quy định của Công ước, bảo đảm tính toàn vẹn cũng như việc thực thi hiệu quả Công ước. Mặt khác, thế kỷ 21 cũng chứng kiến nhiều vấn đề mới xuất hiện như: ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đại dương; các mối đe dọa từ vấn đề nước biển dâng và xói mòn bờ biển đối với các khu vực và đảo ven biển; các thách thức từ công nghệ biển mới.
Trước muôn vàn đổi thay và thách thức mới nảy sinh, Công ước vẫn giữ nguyên giá trị là khuôn khổ pháp lý toàn diện, quan trọng, đồng thời thể hiện khả năng linh hoạt và thích ứng nhằm đối phó các vấn đề cấp thiết này.
Liên hợp quốc, các thể chế được thành lập theo Công ước như Hội nghị các Quốc gia thành viên của Công ước Luật biển, Tòa án Luật biển Quốc tế, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương,…cũng đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết các thách thức mới nổi đối với quản trị biển và đại dương.
Hiện nay với 170 thành viên, UNCLOS đã trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu và là một trong những thành tựu lớn nhất về luật pháp quốc tế của cộng đồng quốc tế trong Thế kỷ 20.
Việt Nam tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài trên 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận thức rõ ràng vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. "Việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chủ trương, chính sách của Việt Nam từ trước đến nay" - Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Trong những năm qua, nhằm thực thi UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và đại dương, trong đó có Luật biển Việt Nam năm 2012, ban hành các văn bản, chiến lược, kế hoạch xây dựng chính sách phục vụ nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, và vận dụng các quy định trong UNCLOS để xác định các vùng biển và ranh giới biển, quản lý và sử dụng biển.
Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”; xác định nhiệm vụ “tăng cường thúc đẩy các hợp tác quốc tế” trong các lĩnh vực biển; “tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Văn kiện Đại hội đảng XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Công ước là điều ước quốc tế duy nhất được nêu tên, xuất hiện 03 lần trong Văn kiện Đại hội, cho thấy tầm quan trọng của Công ước đối với an ninh và phát triển của Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng, nổi bật là, cùng với Thái Lan giải quyết vấn đề phân định biển trong Vịnh Thái Lan 1997 - Hiệp định phân định biển đầu tiên của ASEAN sau khi Công ước có hiệu lực; là nước đầu tiên và duy nhất cho đến nay có Hiệp định phân định biển với Trung Quốc - phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000; cùng với Indonesia giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa và sau đó là vùng đặc quyền kinh tế lần lượt vào năm 2003 và năm 2022, làm phong phú thêm thực tiễn giải quyết vấn đề phân định biển theo quy định của Công ước.
Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước, đóng góp nhiều sáng kiến nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến biển và đại dương, như tại các tiến trình đại dương và luật biển của Liên hợp quốc.
Theo Trợ lý Bộ trưởng, Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, có những đóng góp thực chất trong tiến trình Tòa án Luật biển Quốc tế cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế, tham gia tích cực quá trình đàm phán và sớm ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài phạm vi vùng tài phán quốc gia - văn kiện quốc tế gần đây nhất liên quan đến việc thực thi Công ước. Việt Nam cũng tiến cử các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao tham gia vào các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS, trong đó có việc PGS.TS Đào Việt Hà trúng cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, và đề cử ứng viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Tại Liên hợp quốc, Việt Nam cùng Phái đoàn đại diện của 11 nước đồng sáng lập nhóm các nước bạn bè UNCLOS với hơn 100 nước thành viên từ tất cả các khu vực địa lý nhằm thúc đẩy việc thực thi Công ước. Dự kiến, tại Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra 2 phiên thảo luận với sự tham dự của các đại biểu đến từ Liên hợp quốc, các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các Bộ/ngành của trung ương và địa phương.