Sign In

Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh: "Kinh tế biển là “chìa khóa” đưa Quảng Ninh phát triển giàu mạnh"

10/05/2021

Chọn cỡ chữ A a  

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật để phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua có nhiều giải pháp sáng tạo, nhất trí, đồng lòng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và mới đây là Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Để có cái nhìn tổng thể về phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có trao đổi với ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh.

Phóng viên: Thưa ông, để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển đảo, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành những chủ trương, chính sách nổi bật nào để thúc đẩy kinh tế biển? Thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong phát triển kinh tế biển là gì?

Ông Cao Tường Huy: Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đường biên giới trên bộ và trên biển, chiều dài bờ biển trên 250 km, có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển có nhiều cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn, với 6 khu vực hàng hải bao gồm Vạn Gia, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên; có tiềm năng quỹ đất để phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ cảng và các dịch vụ du lịch biển đảo, chuyển tải hàng hóa. Với tiềm năng, lợi thế đó, Quảng Ninh rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển (KTB), cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về KTB, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển KTB, cảng biển và dịch vụ cảng biển thông qua ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động như Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 2/7/2007 triển khai cụ thể hoá Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/5/2014 phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 16/8/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) và Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về Chiến lược PTBV KTB  Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt xác định nhiệm vụ phát triển KTB và ven biển, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở Nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch, chương trình triển khai và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Với tiềm năng, lợi thế về KTB và các cơ chế, chính sách trong phát triển KTB, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả nổi bật trong phát triển KTB, nhất là trong 5 năm 2015-2020, trong đó: (1) Du lịch và dịch vụ biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ từ 43,1% năm 2015 lên 44,6% năm 2020; tổng số khách du lịch 5 năm ước đạt 53 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt), tăng bình quân 1,7%/năm; khách nội địa tăng bình quân 9,5%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm; (2) Kinh tế hàng hải có sự phát triển, trong đó dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới, xây dựng được hệ thống cảng biển như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cảng Cái Lân, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng Cửa Ông, cảng biển Hải Hà, cảng Dân Tiến, cảng Mũi Chùa, cảng Vạn Gia...; (3) Hình thành, phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển như KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT Vân Đồn, KKT ven biển Quảng Yên, Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của KKT như sân bay, đường cao tốc, hạ tầng khung của KKT, được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logicstis phát triển theo hướng hiện đại; (4) Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; đầu tư hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá với 9 khu neo đậu, 304 tàu cá đánh bắt xa bờ, 20 mô hình liên kết sản xuất kinh tế biển tại các địa phương Vân Đồn, Hải Hà, Quảng và các cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo được đầu tư xây dựng. (5) BVMT, bảo tồn, PTBV ĐDSH biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.

Những kết quả đạt được trong phát triển KTB đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 10,7%; tổng thu NSNN tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa bình quân tăng 13,1%/năm; An sinh, phúc lợi xã hội được chăm lo; diện mạo thành thị, nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biển đảo; QP - AN, chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường, bảo đảm.

Phóng viên: Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “kim chỉ nam” cho phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Xin ông cho biết, địa phương đã cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW như thế nào? Dấu ấn đạt được sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW?

Ông Cao Tường Huy: Để cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hành động số 27-CTr/TU, chỉ đạo quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm KTB mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành KTB; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển. Trong đó, tập trung một số nội dung:

(1) Phát triển KTB là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dựa trên phát huy và khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh biển Quảng Ninh; phát triển KTB bền vững tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn liền với bảo đảm QP - AN, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

(2) Phát triển bền vững KTB trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Tăng cường quản lý tổng hợp, liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.

(3) Phát triển KTB gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

(4) Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị ĐDSH, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn BVMT biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

(5) Lấy KH&CN tiên tiến, hiện đại, đón bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư NSNN cho công tác nghiên cứu về biển thông qua đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KTB đó là:

Phát triển các KKT, khu công nghiệp ven biển; tập trung phát triển bền vững các hành lang kinh tế, đô thị gắn với các hành lang giao thông đồng bộ, hiện đại ngày càng hoàn thiện của tuyến phía Tây và tuyến phía Đông của tỉnh. Xây dựng, khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải cảng biển có quy mô lớn, dịch vụ logistics chuyên nghiệp, trọng điểm là cảng Hòn Nét - Con Ong, Nam Tiền Phong, Hải Hà. Thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng Quảng Ninh - Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển của Vùng và cả nước. Chú trọng BVMT, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các loại tài nguyên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; quy hoạch phát triển các vùng nuôi trồng, nhân giống, bảo tồn nguồn gien các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Bảo vệ và phát triển khu bảo tồn Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn biển Cô Tô, khu RAMSAR Đồng Rui.

Phát triển hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển: Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một số cảng biển quan trọng, như: Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh,... Hoàn thành bến cảng khách du lịch nội địa tại Nam Cầu Trắng, các cảng khách du lịch tại Vân Đồn; quy hoạch xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục. Phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa, khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics chất lượng cao; hoàn thành xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại Cô Tô; phát triển các dịch vụ giá trị tăng cao tại khu vực Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu.

  Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh Quảng Ninh đã tạo được những dấu ấn nổi bật đó là: Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân vùng biển và ven biển và bảo vệ biên giới và biển đảo được nâng cao. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển KTB và ven biển; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, cảng biển,... có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái. Từng bước hình thành KKT, KCN, khu đô thị sinh thái ven biển đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng, trọng tâm là khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên; hình thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo tại Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô và các xã đảo ở Hải Hà, Móng Cái, khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; khai thác có hiệu quả kinh tế hàng hải qua các cảng biển và dịch vụ vận tải biển hiện có như: Cảng Cái Lân (Hạ Long), cảng Hòn Nét - Con Ong (Cẩm Phả), các cảng tại khu vực Vân Đồn, cảng Tiền Phong và các cảng tại khu vực Quảng Yên,... Năm 2020: Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt 24.547 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2019; Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 110 triệu tấn, tăng 11,1% so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt 6,0 tỷ USD giảm 11% so với năm 2019; tổng số thu thuế qua xuất nhập khẩu đạt 10.383 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019,... đóng góp quan trọng vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10,05% và thu NSNN năm 2020, đứng thứ ba toàn quốc; thu NSNN đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán trung ương giao, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. An sinh, phúc lợi xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD, cao gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc.

Phóng viên: Xin ông đánh giá đôi chút về công tác quản lý nhà nước và công tác tham mưu về biển đảo của ngành Tài nguyên và Môi trường cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông có chỉ đạo và giao nhiệm vụ gì cho ngành Tài nguyên và môi trường Quảng Ninh?

Ông Cao Tường Huy: Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ TN&MT, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT, nhất là tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai, Luật BVMT, Luật Khoáng sản, Luật ĐDSH, Luật Tài nguyên Nước, Luật Biển Việt Nam, Luật TN&MT biển và hải đảo,... Sở đã tham mưu, đề xuất tỉnh hoàn thành lập các quy hoạch của ngành là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch khai tài nguyên nước, quy hoạch môi trường; kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương về lĩnh vực TN&MT,… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn.

Với vai trò là cơ quan QLNN về biển và hải đảo, Sở TN&MT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh về: Các nhiệm vụ phát triển KTB; quản lý tổng hợp vùng bờ; các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh; Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo; đồng thời tham mưu tỉnh báo cáo Bộ TN&MT về việc xác định lại đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, phạm vi vùng biển 3 hải lý, phạm vi vùng biển 6 hải lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh làm cơ sở để UBND tỉnh Quảng Ninh, các cấp, các ngành trong tỉnh QLNN về đất đai, biển và hải đảo trên địa bàn.

Trên cơ sở Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 của Tỉnh ủy về Chiến lược PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh Quảng Ninh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PTBV KTB tỉnh cùng với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu cho Tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển KTB, trọng tâm là ưu tiên đẩy mạnh phát triển: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành KTB mới.

Hai là, khẩn trương hoàn thành phương án sử dụng không gian biển tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định; lập hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh, trước mắt hoàn thành lập hồ sơ hải đảo huyện Cô Tô.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa với các ngành, đơn vị và địa phương trong quản lý tổng hợp TN&MT biển và hải đảo. Lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp TN, MT vùng bờ tỉnh Quảng Ninh theo quy định. Phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chiến lược Quản lý tổng hợp vùng bờ giai đoạn 2020-2030 theo quy định.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm xả chất thải ven bờ và trên biển gây ô nhiễm môi trường biển và hải đảo của tỉnh; hợp tác quốc tế về PTBV KTB./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Đăng (thực hiện)

Ý kiến

Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia: Kết nối và chia sẻ tài nguyên dữ liệu biển Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển

Thời gian qua, công tác xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên của Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, với nhiệm vụ này Trung tâm luôn chú trọng tới việc cập nhật và thực hiện việc kết nối và chia sẻ dữ liệu. Các sản phẩm, số liệu do các tổ chức, địa phương giao nộp được Trung tâm tổ chức quản lý, lưu trữ và khai thác, phục vụ các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển.

Phát triển kinh tế biển của Việt Nam: cần sớm khắc phục những khó khăn tồn tại, khai thác hết tiềm năng và lợi thế vốn có

Nghị quyết 36-NQ/TW với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, dến nay, tại Trung ương, đã có 11 cơ quan ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP. Có 27/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó đều xác định kinh tế biển là lợi thế và trọng tâm để tạo động lực tăng trưởng tại địa phương.

Định hướng bố trí sử dụng không gian biển hợp lý góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển, đảo

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành và các địa phương có biển, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với các nhiệm vụ khác trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thì việc định hướng bố trí sử dụng không gian biển hợp lý góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển, đảo của nước ta. Quy hoạch định hướng sử dụng không gian biển theo các vùng: vùng biển và ven biển; các đảo và quân đảo; các khu bảo tồn biển; vùng trời; hoạt động lấn biển và nhận chìm. Đối với mỗi không gian này, Quy hoạch định hướng việc khai thác, phát huy tài nguyên biển đảo theo hướng bền vững.