Nghị quyết 36-NQ/TW với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, dến nay, tại Trung ương, đã có 11 cơ quan ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP. Có 27/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó đều xác định kinh tế biển là lợi thế và trọng tâm để tạo động lực tăng trưởng tại địa phương.
Vùng biển Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ mới
Song song với đó, công tác truyền thông đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được tiến hành thường xuyên đã tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định, nhìn chung, phát triển kinh tế biển của nước ta còn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế vốn có, chưa thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển. Vì vậy, cần sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn nhằm đẩy mạnh kinh tế biển của Việt Nam trong tình hình mới, trong đó bao gồm:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Nghị quyết số 36-NQ/TW đã chỉ ra những hạn chế về hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật “Chính sách, pháp luật về biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, một số chủ trương lớn của Đảng chưa được thể chế hoá kịp thời”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 26/NQ-CP đã đưa ra nhiệm vụ “Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW”. Tuy nhiên, do đặc thù, phức tạp, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo cũng như bộ tiêu chí đánh giá quốc gia biển mạnh.
Nghị định lấn biển và Nghị định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa để trình Chính phủ ban hành.
Không gian biển mang tính liên thông, sử dụng đa mục đích, cùng một khu vực biển có rất nhiều hoạt động kinh tế đan xen. Hoạt động khai thác, sử dụng biển rất khó khăn, phức tạp liên quan tới các nhiệm vụ, quy định pháp luật và lợi ích của các bộ, ngành, địa phương, do đó, cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương với mục tiêu chung là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Thứ hai, nguồn kinh phí để thực hiện các dự án, nhiệm vụ, chương trình cấp hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến chậm tiến độ. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 36-NQ/TW Chính phủ đã Nghị quyết số 26/NQ-CP, trong đó đã đưa ra 37 đề án, dự án, nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là dự án) thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, đến nay có khoảng 11/37 dự án được phê duyệt. Mặc dù vậy, với tiến độ thực hiện và khả năng bố trí kinh phí như hiện nay, đến hết năm 2025 rất khó để hoàn thành các dự án được duyệt. 26 dự án còn lại đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai.
Các Dự án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn do nhiều dự án có nội dung chuyên môn phức tạp, chưa có quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá, thiếu phương tiện, trang thiết bị,…đặc biệt là việc bố trí nguồn vốn ngân sách hằng năm chưa đáp ứng theo kề hoạch được phê duyệt.
Thứ ba, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực biển chưa thực sự những nhân tố then chốt để phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển KH&CN biển của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa thích đáng nên năng lực nghiên cứu KHCN biển của nước ta chỉ thu được thành quả rất khiêm tốn, năng lực KH&CNbiển nhìn chung còn khá thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Hệ thống cơ sở nghiên cứu và đội ngũ cán bộ KH&CN biển vừa thiếu vừa yếu. Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao. Trên thực tế các công trình nghiên cứu có chất lượng cao còn ít. Phương tiện và trang thiết bị khảo sát như tàu nghiên cứu biển còn thiếu thốn, lạc hậu; hệ thống chuỗi số liệu khảo sát thiếu đồng bộ và thiếu số lượng cần thiết do hạn chế về thời gian thực hiện và kinh phí đầu tư. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn kinh tế biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và chưa có cơ cấu hợp lý. Chưa dự báo được nhu cầu thị trường lao động các ngành kinh tế biển; chưa có chính sách hợp lý để thu hút và sử dụng nhân lực biển trong từng ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn.
Các tồn tại, khó khăn nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách do tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, nước ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong các năm 2020, 2021, nguồn lực xã hội tập trung vào phòng, chống, xử lý dịch bệnh, đầu tư công ích và khôi phục sản xuất,… thì nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa thực sự tập trung các nguồn lực vào các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW và chưa xác định được một số đề án, dự án, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 26/NQ-CP để tạo sự biến chuyển lớn cho phát triển bền vững kinh tế biển. Chưa có quy định cụ thể để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để triển khai các đề án, nhiệm vụ của Nghị quyết 26/NQ-CP. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ở mỗi khu vực biển chưa rõ ràng, chưa thể hiện được tính liên kết trong phát triển kinh tế biển.
Trong bối cảnh mới và trước xu thế toàn cầu hóa, đối với công tác quản lý nhà nước về biển đảo nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng, ông Nguyễn Đức Toàn cũng chỉ ra một số nhiệm vụ cần ưu tiên, trong đó bao gồm:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 nhằm đạt được sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đối với phát triển kinh tế biển xanh.
Hai là, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý về đổi mới, phát triển mô hình kinh tế biển xanh, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phát triển kinh tế biển. Đẩy nhanh lập và trình duyệt các quy hoạch ngành và địa phương có biển.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chị thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Bốn là, tăng cường nguồn lực thực hiện các dự án, đề án, chương trình đề ra trong Nghị quyết số 26/NQ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên tập trung nguồn vốn để triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng xác định trong Nghị quyết số 26/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 và Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030, đặc biệt ưu tiên các dự án phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; hạ tầng kỹ thuật kết nối ven biển; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ được giao theo phân cấp ngân sách hiện hành; các quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng tài nguyên biển phải dựa trên các cơ sở khoa học, cơ sở dữ liệu điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo./.