Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “mặt tiền” của quốc gia, “khúc ruột”, “cửa ngõ” ra biển cả, “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, Vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý. Một số chuyên gia đã đề xuất giải pháp nhằm đưa khu vực này phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững.
Nhiều thành tựu trong phát triển các ngành kinh tế biển
Theo đánh giá của Bộ TN&MT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QP - AN, đặc biệt là kinh tế biển và an ninh biển đảo. Là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước (gần 9,59 triệu ha, chiếm 28,93% diện tích cả nước), bờ biển dài gần 1200 km, thềm lục địa rộng, tài nguyên biển, khoáng sản phong phú, có các trục giao thông huyết mạch kết nối 2 vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước và tiểu vùng Mê Công.
Bên cạnh đó, khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn,…
Nơi đây có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại như: Chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió với mật độ năng lượng khoảng 400 - 600W/m2, năng lượng sóng 20 - 30 kw/m, đặc biệt là đón dòng vốn 15,5 tỷ USD mà các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam. Phát triển năng lượng tái tạo, vùng giàu tiềm năng này sẽ giúp định vị vị trí của Việt Nam trong “trật tự năng lượng” và hội nhập với các “luật chơi mới” về tăng trưởng xanh toàn cầu.
Xây dựng kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển trong Thế kỷ 21, “Thế kỷ của đại dương” với tiềm năng về hàng hải, du lịch, đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên khoáng sản biển sâu, hải sản,... dựa trên kinh tế biển xanh và quản trị biển và đại dương bền vững.
Kết nối mở cửa, hội nhập với quốc tế thông qua hành lang Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tuyến hàng hải đứng thứ 2 trên thế giới và tiểu vùng Mê Công ASEAN để trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển, vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ và Trung Bộ đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong việc phát triển các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế ven biển là động lực cho phát triển của cả vùng; mở rộng các dịch vụ logicstics để thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng ven biển với các vùng nội địa và với khu vực, thế giới; du lịch biển trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản đang đưa nhiều vùng biển trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản lớn trên cả nước. Đầu tư khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển đang được chú trọng nhiều hơn, phục vụ hiệu quả hơn cho các Đề án, Chương trình hành động phát triển bền vững kinh tế biển ở nhiều tỉnh thành khu vực Trung Bộ.
Tuy nhiên, khu vực duyên hải Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ không những chỉ có thuận lợi nêu trên mà Vùng cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Điều kiện khí hậu khắc nghiệt “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu với cường độ, tần suất của loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân, các cơ sở kinh tế và tính bền vững của các công trình hạ tầng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu 1,53% diện tích ven biển bao gồm hành lang kinh tế ven biển, đô thị, khu vực trọng điểm nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt, xâm nhập mặn. Tình trạng nguồn nước vừa thiếu vừa thừa nước gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô dẫn đến hơn 269 nghìn ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước. Theo nhóm 2030-WRG1 và tính toán cân bằng nước đến năm 2030 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô.
Môi trường đang trở thành thách thức lớn trong tiến trình phát triển đặc biệt vấn đề môi truờng biển, rác thải nhựa, chất thải rắn và nước thải tại khu vực nông thôn cũng như đô thị; xung đột về môi trường giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, du lịch, nuôi trồng và khai thác các nguồn lợi thủy, hải sản.
Một số gợi ý cho giải pháp
Các cơ chế chính sách xây dựng và phát triển khu kinh tế ven biển cần hoàn thiện theo hướng nâng cấp khuôn khổ pháp luật từ Nghị định lên thành Luật để bảo đảm cho các khu kinh tế ven biển có một khung pháp lý đủ mạnh; tập trung nguồn lực phát triển các khu kinh tế ven biển có tiềm năng và các yếu tố lợi thế vượt trội đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư,…
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý vững chắc cho các hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế biển và thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông; nâng cao năng lực quản lý, hoạch định chính sách biển đảo; trong quan hệ với các nước ASEAN cần thực hiện tốt các biện pháp hoà bình, xây dựng lòng tin, gia tăng gắn kết và phát huy vai trò của ASEAN về nâng cao vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, cố kết nội khối để có phương hướng và biện pháp đúng đắn, phù hợp, thực sự hiệu quả.
Với định hướng liên kết phát triển dịch vụ logistics, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và pháp luật quốc gia liên quan đến hoạt động logistics, nội dung quy hoạch quốc gia, vùng, các ngành, lĩnh vực cần được lồng ghép các vấn đề liên kết phát triển vùng; các địa phương cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong quản lý các hoạt động logistics; liên kết về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; liên kết thu hút đầu tư,…
Đối với các hộ ngư dân, cần chú trọng và đẩy mạnh tiến trình hiện đại hoá các công nghệ đánh bắt và bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần nghề cá tại các địa phương; đẩy mạnh phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Đề xuất từ chuyên gia
PGS.TS Trần Thị Lan Hương - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW, nước ta có nhiều công trình nghiên cứu của Chương trình biển đã làm rõ mức độ tổn thương sinh kế của người dân sống ở các vùng ven biển đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng từ BĐKH, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và quy hoạch biển cùng việc phát triển kinh tế biển ồ ạt,… Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, có khoảng 12 triệu người Việt Nam ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nguy cơ từ các trận bão lũ nặng nề và tác động lớn đến sinh kế của người dân ven biển trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ.
TS. Hà Thị Hồng Vân - Trung tâm Phân tích và Dự báo đã đưa ra một số đề xuất cho sinh kế của cư dân ven biển trước tác động của BĐKH: Trong bối cảnh BĐKH đang tác động mạnh tới đời sống KT-XH của đất nước và nhân dân, không chỉ cần sự hợp tác từ các nước ASEAN hay thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế biển trong tình hình mới mà còn cần phải quan tâm đến việc phát triển đồng bộ sinh kế của của cư dân ven biển. Theo tôi, cần có chiến lược bảo đảm sinh kế cho cư dân biển đi cùng với việc khai thác, quản lý, phát triển kinh tế biển ngay từ cấp cộng đồng; tăng cường năng lực ứng phó và thích ứng với BĐKH, tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và hạn chế tính tổn thương từ tác động thời tiết đến người dân.
Hơn hết, các nguồn vốn cần tập trung đầu tư, khai thác là vốn con người, cần phải khuyến khích, tuyên truyền từ các cấp chính quyền đến người dân trong việc nhận thức về việc áp dụng kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sinh kế chủ động để thích ứng với BĐKH, giảm thiểu nguy cơ tác động đến môi trường. Về vốn tự nhiên, một số giải pháp cải thiện trước tác động của BĐKH bao gồm: Tại các khu vực ven biển, rừng ngập mặn, bảo tồn rừng ngập mặn có thể được thúc đẩy để tạo ra các rào cản tự nhiên chống lại nước biển dâng và các hiện tượng cực đoan, quy hoạch và quản lý bảo vệ rừng ngập mặn chống xói lở bờ biển, hạn chế tác động của triều cường và xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, Nhà nước và các cấp chính quyền cần tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng quy mô vừa và nhỏ đối với các hộ gia đình, tăng cường khuyến khích cho vay vốn với các hộ gia đình, hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và những hộ có phương án sản xuất các sản phẩm địa phương chuyên sâu, tăng giá trị và có thương hiệu.
TS. Lê Văn Hùng - Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng: Một trong những mặt hạn chế trong phát triển các khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam, trong đó, vấn đề về kinh tế do các sản phẩm đầu tư tại đây chưa có tính cạnh tranh và chưa thu hút được doanh nghiệp, chưa tạo ra những mô hình đột phá vì không khác biệt nhiều so với các Khu công nghiệp (KCN) mở rộng, các KKT biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn ở cấp vùng (từ khu vực FDI tới khu vực nội địa: Lan tỏa từ các DN trong khu với khu vực bên ngoài). Các dự án đầu tư tập trung nhiều vào những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng như hoá dầu, thép, xi măng gây ra tình trạng phát thải cao,… công nghệ chế tạo chưa tiên tiến; các dự án đầu tư tại Việt Nam chưa có tính cộng sinh, chưa tạo ra một hình thái riêng cho những mô hình du lịch biển, đô thị biển.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế biển, cần chú ý tập trung xây dựng các mô hình chuyên sâu và có 2 - 3 KKT điển hình xứng tầm, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế (về các mô hình du lịch, công nghiệp hay dịch vụ biển) như vùng Nam Trung Bộ cần phát triển nhiều hơn về du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải thu hút đầu tư về thủy sản, vùng Đông Nam Bộ cần có nhiều hơn sự phân công, kết nối về phát triển hạ tầng và các địa phương phải bám vào quy hoạch vùng để có thể xây dựng các phương án phát triển bền vững.