I. Mở đầu
Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (QLTHVB) đã và đang được áp dụng một cách bài bản, hình thành các khuôn mẫu ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã chứng tỏ được những ưu điểm và hiệu quả của nó. Việc xây dựng và phát triển các bộ chỉ số phát triển bền vững (Sustainable development indicators) nói chung và các bộ chỉ số cho quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ nói riêng đã thành tiêu chuẩn của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy đã qua một thời gian triển khai, áp dụng các mô hình quản lý vùng bờ khác nhau vào các địa phương cụ thể trong nước và với sự giúp đỡ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, quản lý tổng hợp vùng bờ vẫn là một vẫn đề mới mẻ. Để có được chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ phù hợp với Việt Nam, nhất là mô hình quản lý tổng hợp này phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu tổ chức của các cấp chính quyền, tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định của chính quyền cơ sở hay của quốc gia, cần thiết có những nghiên cứu, luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ của quốc gia nói chung và cụ thể của từng địa phương.
Theo Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có giải thích như sau:
- Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên vùng bờ được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của các hệ sinh thái vùng bờ nhằm phát triển bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là tập hợp các hoạt động quản lý tổng hợp trên một vùng bờ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, được thực hiện theo lộ trình từ quy trình lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện, đến đánh giá, điều chỉnh và đề xuất hoàn thiện cho giai đoạn tiếp theo.
- Chỉ thị đánh giá chương trình là sự thể hiện (định tính, định lượng) một yếu tố đặc trưng của chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và liên quan đến các mục tiêu của chương trình.
II. Nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ
Trên thế giới, các chỉ số bền vững nói chung thường có phạm vi rộng hơn và gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của phát triển bền vững. Trong phạm vi quản lý của khu vực ven biển hay quản lý tổng hợp vùng bờ, các bộ chỉ số đã được các quốc gia xây dựng phát triển để đo lường tính sự phát triển bền vững của vùng ven biển và thực hiện các chính sách quản lý tổng hợp vùng bờ. Vào tháng 5 năm 2002, Khuyến nghị liên quan đến việc thực hiện quản lý tổng hợp các khu vực ven biển ở châu Âu đã được phê chuẩn bởi Hội đồng Nghị viện châu Âu (European Parliament and the Council). Tại thời điểm đó bao gồm tất cả 20 quốc gia thành viên ven biển và hai quốc gia ứng viên, đã nhận ra tầm quan trọng của các chỉ số. Các quốc gia thành viên đã đề xuất sử dụng hai bộ chỉ số:
- Một bộ chỉ số được thiết lập để đo lường tiến trình thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (chỉ số tiến trình).
- Một bộ chỉ số chính gồm 27 chỉ số (với 44 phép đo) để đo lường sự phát triển bền vững của các vùng ven biển (các chỉ số bền vững).
Các chỉ số được chia thành bảy nhóm theo bảy mục tiêu cho quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ của Ủy ban Châu Âu. Kết hợp lại với nhau, các chỉ số trong mỗi nhóm sẽ giúp các quốc gia thành viên và các địa phương ven biển theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vùng ven biển được nêu trong Khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu.
Ở Việt Nam, với các yêu cầu trong giám sát và đánh giá quá trình thực hiện QLTHVB, chúng ta có thể lựa chọn và áp dụng một số hệ thống chỉ tiêu, chỉ thị liên quan gồm:
-
Bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (theo Thông tư số 02/2013/TT-BKHĐT ngày ngày 27 tháng 03 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
-
Bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV địa phương giai đoạn 2013 – 2020 (ban hành theo Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ);
-
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường (ban hành theo Thông tư số 29/2013/TT-BTNMT ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);
-
Các chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả BVMT giai đoạn đến năm 2020 (ban hành theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/09/2012 phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030);
-
Bộ chỉ số về Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 09 năm 2013).
Như vậy, có thể thấy Việt Nam có hệ thống chỉ thị, chỉ số tương đối hoàn thiện để phục vụ công tác đánh giá và xây dựng chương trình QLTHVB tại các địa phương ven biển.
Ngoài ra, để phục vụ cho công tác QLTHVB tại các địa phương ven biển, Việt Nam đã ban hành một số chính sách nhằm hướng dẫn các địa phương ven biển, cụ thể như sau:
- Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;
- Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật về lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Hai Thông tư này đã hỗ trợ, hướng dẫn quy định kỹ thuật các địa phương ven biển trong quá trình xây dựng chương trình QLTHVB tại địa phương mình. Cụ thể, thông tư số 49/2017/TT-BTNMT cũng đưa ra được các chỉ thị, chỉ tiêu đánh giá Chương trình Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, trong đó có đề cập đến nhóm chỉ thị chi tiết như sau:
* Nhóm chỉ thị về quản lý: gồm cơ chế điều phối, chính sách, Giám sát thực thi pháp luật, Sự tham gia của các bên liên quan, Truyền thông nâng cao nhận thức, Nguồn nhân lực, Cơ chế tài chính bền vững.
* Nhóm chỉ thị về khai thác và sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ: gồm Nguồn lợi thủy hải sản, Tài nguyên khoáng sản, Tài nguyên năng lượng, Tài nguyên đất, Tài nguyên nước, Ứng phó thiên tai và sự cố môi trường, Bảo vệ và phục hồi, Chất lượng nước, Chất lượng trầm tích, Chất lượng không khí, Chất thải rắn, Chất thải nông nghiệp, công nghiệp và chất thải nguy hại.
* Nhóm chỉ thị về kinh tế - xã hội: gồm Dân số, Nước sạch và vệ sinh môi trường, Nghèo đói, việc làm và giáo dục, Sinh kế.
Tóm lại, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được các nhóm chỉ thị phục vụ đánh giá chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, chúng ta cần áp dụng các bộ chỉ tiêu, chỉ số một cách hiệu quả cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại các địa phương ven biển. Điều đó là rất cần thiết đối với các địa phương ven biển đang trong quá trình xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Quốc hội, số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
-
Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
-
Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
-
Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
-
Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;
-
Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật về lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.